1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mùa vải Bắc Giang đại thành công, chắc chắn vượt 6.800 tỷ đồng

Thế Hưng

(Dân trí) - "Sắp hết vụ vải, chúng tôi cũng không gặp khó khăn ở bất cứ khâu nào. Tổng hòa lại thì đây mà một vụ vải đại thành công", ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công Thương Bắc Giang, cho biết.

Cũng theo ông Tấn, tính đến hết 29/6, sản lượng tiêu thụ vải Bắc Giang đạt trên 210.000 tấn. Trong đó, lượng xuất khẩu đạt 74.000 tấn, bằng 94,6% so năm 2020. Đặc biệt, tiêu thụ trong nước tăng mạnh lên hơn 136.000 tấn, bằng 157% so với năm 2020.

Theo thống kê của Sở Công Thương Bắc Giang, nếu tính riêng doanh thu từ vải thiều, con số ước tính là 4.166 tỷ đồng. Doanh thu từ dịch vụ phụ trợ ước đạt 2.482 tỷ đồng.

Thành công vượt dự kiến

Sự thành công của vụ vải năm nay, theo ông Tấn, đã vượt qua sự kỳ vọng của lãnh đạo tỉnh. Bởi theo ông Tấn, dịch Covid-19 diễn biến khó lường nhưng được sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, các bộ, ngành, các tỉnh thành phố cùng các cơ quan truyền thông tạo điều kiện nên việc tiêu thụ rất thuận lợi.

Về phía địa phương, Bắc Giang đã có kế hoạch sản xuất ngay từ đầu để quả vải đạt chất lượng cao và an toàn. Bởi lẽ, có chất lượng thì quả vải Bắc Giang mới đứng vững được.

"Năm nay, theo đánh giá của các bạn hàng trong và ngoài nước, chất lượng vải cao nhất từ trước đến nay. Bạn hàng Trung Quốc đánh giá còn vượt trội", ông Tấn khẳng định.

Mùa vải Bắc Giang đại thành công, chắc chắn vượt 6.800 tỷ đồng - 1

Các kịch bản tiêu thụ vải liên tục được thay đổi để phù hợp với tình hình.

Để có được thành công đó, ông Tấn đặc biệt nhấn mạnh vào sự linh hoạt sử dụng các kịch bản ứng phó đã được tỉnh đề ra từ đầu. Cụ thể, Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản tiêu thụ và liên tục thay đổi kịch bản theo tuần, tùy theo diễn biến của dịch. Dựa trên các kịch bản, tỉnh sẽ khuyến cáo các doanh nghiệp và điều hành ở phía các cửa khẩu về số lượng xe lên, xuống.

Thậm chí, Sở Công Thương cũng đã đưa ra các kịch bản tiêu thụ ở từng vùng ở thị trường trong nước theo thời điểm. Chẳng hạn, với miền Nam, nếu khu vực nào bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, xe không thể đi theo đường cũ thì có phương án vận chuyển khác. Hoặc vải lên cửa khẩu Lào Cai, Lạng Sơn cũng cần phải được phân phối hợp lý, tránh tắc nghẽn.

Đa dạng hướng tiêu thụ

Ban đầu, tỉnh Bắc Giang đánh giá năm nay là năm khó khăn với quả vải. Ngay từ đầu tháng 5, lãnh đạo tỉnh đã mời các trung tâm thương mại, siêu thị về Bắc Giang để ký trên 50 hợp đồng, văn bản thỏa thuận, ghi nhớ. Các đơn vị này cũng nhận tiêu thụ gấp 2-3 lần so với năm trước.

Thông qua các kênh này, Bắc Giang đã tiêu thụ được trên 70.000 tấn vải. Đến nay, các đơn vị cũng thực hiện đúng cam kết. Ông Tấn đánh giá cao sự đột phá tiêu thụ từ các sàn thương mại điện tử. Bởi theo ông Tấn, mọi năm, các sàn chỉ tiêu thụ 7 tấn nhưng con số năm nay là 8.000 tấn. Không những vậy, sàn thương mại điện tử còn giúp tiêu thụ được rất nhiều mặt hàng nông sản khác.

Chỉ trong tháng 6, Bắc Giang đã tiêu thụ hết sạch tất cả các nông sản khác. Trong đó là 20.000 tấn dứa, 18.000 tấn dưa, 25.000 tấn rau và tới đây sẽ là thịt gà, lợn.

Mùa vải Bắc Giang đại thành công, chắc chắn vượt 6.800 tỷ đồng - 2

Nông sản Bắc Giang cũng được tiêu thụ hết sạch trong tháng 6.

Vải khô cũng được giá hơn mọi năm. Năm trước, vải sấy chỉ có giá 13.000 đồng/kg nhưng năm nay giá vải sấy bán theo gói 3 kg có giá lên tới 54.000 đồng. Giá tại cửa khẩu có thể lên tới 60.000-70.000 đồng.

Lãnh đạo Sở Công Thương Bắc Giang cũng cho biết, dịch Covid-19 đem tới nhiều hệ lụy nhưng cũng giúp quả vải có nhiều cách hơn để đi đến tay người tiêu dùng. Năm nay, tham tán thương mại tại các nước cũng đăng ký số lượng tiêu thụ rõ ràng.

"Các tỉnh thành phố, các tập đoàn cũng đăng ký tiêu thụ theo số lượng rõ ràng. Mỗi một đơn vị vài trăm tấn như vậy thì việc tiêu thụ thuận lợi. Các chốt trạm giao thương cũng vô cùng thông thoáng. Đoàn thanh niên, hội phụ nữ cũng đã có rất nhiều sáng kiến tiêu thụ đáng ghi nhận", ông Tấn chia sẻ.

Mùa vải Bắc Giang đại thành công, chắc chắn vượt 6.800 tỷ đồng - 3

Lãnh đạo Sở Công Thương khẳng định, vụ vải năm nay chắc chắn đạt trên 6.800 tỷ đồng.

Năm nay, theo tính toán của tỉnh Bắc Giang, giá vải chỉ tính theo giá mua tại vườn cũng đã tương đương năm 2020. Theo thống kê của Sở, dù chưa hết mùa nhưng giá trị của vải và phụ liệu theo vải đã đạt gần 6.700 tỷ đồng, kết thúc vụ chắc chắn trên 6.800 tỷ đồng.

Đặc biệt, theo ông Tấn, Bắc Giang không gặp khó khăn ở bất cứ khâu nào. Tổng hòa lại thì đây mà một vụ vải đại thành công.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm