Mua tạm trữ lúa gạo: Chính phủ đang đi đường vòng?

(Dân trí) - Chính sách mua tạm trữ lúa gạo chỉ hỗ trợ gián tiếp cho nông dân còn cái lợi thực tế thì quá ít.

Trong khi nhà nước vẫn phải chi một khoản tiền để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp xuất khẩu tham gia mua tạm trữ lúa gạo thì chính những doanh nghiệp vẫn kêu lỗ.

Nông dân không đươc hưởng lợi trực tiếp từ chính sách mua tạm trữ lúa, gạo
Nông dân không đươc hưởng lợi trực tiếp từ chính sách mua tạm trữ lúa, gạo

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ NNPTNT phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Bộ Tài chính, Bộ Công Thương tiến hành mua tạm trữ 1 triệu tấn lúa, gạo vụ đông xuân 2012-2013 ở ĐBSCL từ ngày 20/02 đến ngày 31/3/2013. Thời hạn thu mua tạm trữ tối đa là 3 tháng (từ 20/2 - 20/5/2013) và được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 100% lãi suất tiền vay.

13 ngân hàng thương mại (NHTM) được chỉ định tham gia cho vay thu mua tạm trữ lúa, gạo vụ đông xuân năm 2012-2013 với lãi suất thấp hơn lãi suất quy định tối đa 11% của NHNN.

Theo báo cáo tổng hợp của NHNN, kết thúc thời gian thu mua tạm trữ thóc, gạo vụ đông xuân năm 2012-2013, doanh số cho vay của NHTM đạt 7.612 tỷ đồng. Dư nợ các khoản vay mua tạm trữ thóc, gạo đến thời điểm kết thúc giải ngân 31/3/2013 đạt 7.571 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, với giá thành sản xuất bình quân toàn vùng vụ Đông Xuân 2012-2013 là 3.616 đ/kg, thì chênh lệch giữa giá thu mua và giá thành là từ 38% đến 46%. Tuy nhiên phần chênh lệch này không phải hoàn toàn là người sản xuất lúa được hưởng vì lợi ích còn phân bổ cho cả thương lái và doanh nghiệp.

Việc phân chỉ tiêu tạm trữ chưa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lúa gạo trên một số địa bàn do lượng tạm trữ chỉ bằng 15% số hàng hóa cần tiêu thụ.

Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho rằng, một số địa phương phản ánh chính sách này còn nhiều hạn chế do thời điểm thu mua chậm hơn thời điểm thu hoạch ở một số nơi, số người dân được hưởng lợi từ chính sách còn ít. VFA đã lấy ý kiến thống nhất của các địa phương và đề xuất lên chính phủ vấn đề này. Nếu địa phương làm hiệu quả hơn thì sẽ giao cho họ làm vì quyền lợi của người dân.

Theo ông Phong, 79.1% nông dân ở ĐBSCL bán lúa tươi tại ruộng và không có lý gì mà doanh nghiệp không mua lúa của dân khi họ thu hoạch. Tại thời điểm mua tạm trữ, tuy một doanh nghiệp được giao mua tạm trữ 100.000 tấn lúa, gạo nhưng họ vẫn mua tới 500.000 tấn với giá mua tạm trữ. Do giá xuất khẩu gạo giảm, doanh nghiệp đang lỗ 35 USD/1 tấn lúa thu mua tạm trữ.

Theo tính toán, với doanh số cho vay mua tạm trữ lúa, gạo ở mức 7.612 tỷ đồng với mức lãi suất 11%/năm trong 3 tháng thì số tiền nhà nước bỏ ra cho việc hỗ trợ lãi suất chỉ đủ bù cho phần chênh lệch giá mà doanh nghiệp mua tạm trữ lúa, gạo của người dân.

Điều này có nghĩa rằng chính sách mua tạm trữ lúa, gạo của chính phủ chỉ hỗ trợ mang tính “hình thức”, còn thực tế người nông dân không được hưởng lợi và doanh nghiệp lại kêu khó trong khi nhà nước vẫn phải chi tiền.

Để đảm bảo lợi ích cho người nông dân, cần có chính sách thiết thực hơn để người dân được hưởng lợi trực tiếp thay vì phải theo “đường vòng”.

“Chính phủ đã giao Bộ NNPTNT chủ trì cuộc họp trong tháng 5 này để bàn bạc, đưa ra quy chế mới, tìm ra giải pháp mới nhằm hỗ trợ nông dân tốt hơn,” ông Phong cho biết.

TS Phạm Đồng Quảng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho rằng cần có giải pháp lâu dài để nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân bằng cách nâng cao năng xuất, chất lượng, hạ chi phí bằng việc giảm sự dụng thuốc trừ sâu và phân bón. Cục sẽ với hợp với các bộ ngành soạn thảo thông tư hướng dẫn sử dụng đất trồng lúa để khuyến khích trồng đa dạng cây trồng khác nhau trên đất lúa.

Thảo Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm