1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Mua tạm trữ gạo: Chìa không vừa ổ khoá

Tính đến nay, chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo (15/6 – 31/7/2013) tại đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã khởi động được gần một tuần nhưng lúa thu hoạch của người dân dường như vẫn “bí đầu ra” khi các doanh nghiệp không mấy mặn mà.

Câu hỏi đặt ra là liệu việc mua tạm trữ có còn gọi là “giải pháp” không khi khoảng cách giữa “cái nghĩ” và “thực tế” còn khá xa.

 

Giải pháp “lệch”

 

Thực tế mô hình tạm trữ lúa gạo trước đây được giới doanh nghiệp và người nông dân tiếp đón phấn khởi, với nhiều hy vọng giải quyết được vấn đề đầu ra cho lúa gạo. Tuy nhiên, “chìa khoá” mua tạm trữ lại không ăn khớp với “ổ khoá thực tế”. Có ít nhất ba lý do cho thấy khả năng thành công khi lấy chìa khoá “tạm trữ” để mở khoá khó khăn cho thực tế “gạo không có đầu ra” là rất thấp.

 

Người nông dân luôn mong muốn bán được lúa với giá tốt...
Người nông dân luôn mong muốn bán được lúa với giá tốt... 

 

Thứ nhất, đầu ra cho doanh nghiệp mua tạm trữ vẫn mịt mờ. Tình hình xuất khẩu năm tháng đầu năm có xu hướng ngày càng xấu đi khi mới đây, hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phải lên tiếng chấp nhận bán gạo xuất khẩu giá rẻ để có thể tìm kiếm, thu hút thị trường. Hiện trạng mất dần thị trường truyền thống, bị phụ thuộc lớn vào thị trường Trung Quốc cũng như khả năng đàm phán kém của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu, khiến các doanh nghiệp đang đứng trước sự bế tắc. Thế nên dù có được vay mức lãi suất 0% để mua tạm trữ, các doanh nghiệp cũng không mặn mà bởi “tạm trữ rồi bán cho ai?”

 

Thứ hai, không ngoại trừ trường hợp lợi ích nhóm xuất hiện trong dự án tạm trữ. Ai cũng biết, người nông dân không thể chất hết lúa thu hoạch trong nhà, đặc biệt vào giai đoạn thu hoạch rộ trong mùa mưa. Trong khi đó, ĐBSCL là vựa lúa lớn nhất nước, nghĩa là “gạo không mua trước thì có thể mua sau”. Sự bất cân đối giữa nhu cầu bán nhanh của người trồng lúa, và khả năng mua chậm của doanh nghiệp là khoảng trống rủi ro cho người nông dân. Nếu các doanh nghiệp vẫn ậm ừ đến cuối giai đoạn tạm trữ thì lo gì không mua được gạo giá rẻ, do hiện tượng ối hàng (cung vượt quá xa cầu), bằng tiền vay 0% của Nhà nước. Bài học này ở lần tạm trữ đầu tiên Việt Nam cũng đã gặp phải.

 

Thứ ba, việc mua tạm trữ một cách cứng nhắc trong giai đoạn bí đầu ra, đặc biệt là đầu ra dài hạn chưa có dấu hiệu khả quan sẽ có thể dìm gạo xuất khẩu xuống thấp hơn. Hiện nay nguồn cung trên thị trường thế giới rất lớn (từ Thái Lan, Ấn Độ…), việc mua tạm trữ nếu chỉ để giải quyết đầu ra cho nông dân thì sẽ tăng gánh nặng lên giá xuất khẩu khi lượng tồn kho tăng, kho bãi hạn chế, chế biến bảo quản chưa đảm bảo chất lượng. Minh chứng rất rõ cho điều này là việc thương lái Trung Quốc thường xuyên ép giá, huỷ hợp đồng vì họ biết gạo Việt đang gặp khó...

 

Giúp mua vào, hỗ trợ bán ra

 

Thực trạng hiện nay cho thấy giải quyết đầu ra cho gạo xuất khẩu là điều tối quan trọng, bởi nó có thể thực hiện trong thời gian ngắn hơn so với việc cải thiện hệ thống tạm trữ, bảo quản. Như vậy, để giải bài toán đầu ra, Việt Nam nhất thiết phải chú ý đến hai vấn đề: một là kiểm soát chặt cơ chế, hai là cải thiện chiến lược tiếp cận và thu hút khách hàng.

 

Nên nhớ rằng, nhóm doanh nghiệp mua gạo tạm trữ hoàn toàn có khả năng kiểm soát tình hình mua bán gạo vì lượng cung tính đến thời điểm này là rất lớn. Thế nên, để hạn chế sự ì ạch từ các doanh nghiệp tạm trữ, thay vì chỉ hỗ trợ vốn, Nhà nước cần giám sát thực hiện và trực tiếp tham gia quá trình mua tạm trữ để “nói” và “làm” được đồng bộ. Tại Thái Lan, những thủ tục, quy định tạm trữ gạo được tiến hành rất chặt chẽ và được Nhà nước tham gia kiểm soát kỹ lưỡng nên lợi ích của người nông dân được đảm bảo.

 

Bên cạnh đó, không chỉ cố mua vào mà còn phải biết bán ra. Việc mua tạm trữ chỉ là biện pháp tình thế khi lượng cung lớn hơn lượng cầu trong ngắn hạn. Nhưng trong tình hình xuất khẩu gạo ảm đạm thì mua tạm trữ không giải quyết được vấn đề, thậm chí là còn làm doanh nghiệp khổ hơn. Vì thế, điều cần làm trước mắt là Nhà nước phải có những chính sách ưu đãi hợp lý để thu hút các đối tác lớn, các hợp đồng xuất khẩu liên chính phủ. Đặc biệt, chiến lược truyền thông nhằm tăng “sức mạnh mềm” cho gạo Việt trong dài hạn nhất quyết phải được tính đến để đảm bảo trong tương lai, hình ảnh gạo Việt không bị mờ nhạt như hiện nay.

 

Hơn nữa, các giải pháp tình thế cũng cần được bàn đến như tận dụng lúa gạo cho ngành chăn nuôi, thuỷ sản hoặc các ngành chế biến thực phẩm phục vụ nhu cầu của người dân trong nước và xuất khẩu. Đã đến lúc gạo không chỉ dừng lại ở cái tên nông sản xuất khẩu, mà còn xuất hiện dưới nhiều hình thức sản phẩm từ gạo khác nhau để gánh nặng từ nguồn cung xuất khẩu gạo được giảm nhẹ.

 

Theo Thắng Nguyễn

SGTT