Bến Tre:
Mua nước ngọt với giá đắt đỏ để… pha cà phê, tưới kiểng
(Dân trí) - Thời gian gần đây nước mặn đã bao vây khắp nơi trên địa bàn tỉnh Bến Tre nên nhiều hộ gia đình bắt buộc phải sống chung với nước mặn. Nhiều hộ gia đình mua nước ngọt với giá đắt đỏ để pha trà, cà phê, tưới cây kiểng...
Gần 1 tháng nay, gia đình ông Nguyễn Hữu Duy (ngụ ở Thanh Tân, Mỏ Cày Bắc, Bến Tre) luôn túc trực tại bờ sông Bến Tre (phường 1, TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre) để bán nước ngọt cho người dân sử dụng. Ông Duy cho biết: “Chiếc ghe có trọng tải 86 tấn nhưng chỉ chở được hơn 60 m3 nước ngọt từ kênh Vinh Cậu (Cái Bè, Tiền Giang) về đây bán cho bà con ở TP Bến Tre sử dụng. Hiện tại nước mặn đã bao vây người dân có thể tắm nước mặn nhưng còn các nhu cầu khác như uống, pha cà phê, pha trà, tưới kiểng quý… vẫn phải sử dụng nước ngọt nên chở về đây bán kiếm lời”.
Theo ông Duy, mấy ngày đầu thì 2 ngày là hết 1 ghe nước ngọt nhưng giờ nước dưới sông đã ít mặn nên 6 ngày mới bán hết. Ghe phải chạy tuốt trên đầu nguồn lấy nước nhưng chỉ bán 1 giá tại chỗ 70.000 đồng/ m3. Tuy nhiên, khi các xe chở nước về vùng nông thôn thì giá đội lên đến hơn 200 ngàn đồng/m3 vì tốn nhiều chi phí vận chuyển.
Ông Duy dùng ghe lớn lên thượng nguồn lấy nước ngọt đem về bán cho người dân có nhu cầu
Khi nước mặn xâm nhập vào TP Bến Tre thì ngày nào ông Nhân, chủ quán cà phê tại phường 1 phải ngày 3 lần lấy can nhựa đến mua nước ngọt. Ông Nhân cho biết: “Tui chỉ mua nước lẻ bình quân một ngày tốn 15.000 đồng cho 3 can (mỗi can 30 lít) để mang về nấu rồi pha trà, cà phê cho khách uống. Hiện tại, các quán cà phê là cần nhiều nước ngọt nhất vì pha nước máy đã nhiễm mặn không ai chịu uống”.
Ngày nào ông Nhân cũng mua nước ngọt về để pha trà, cà phê cho khách uống
Nước ngọt được cho vào can nhựa để dễ vận chuyển
Nước mặn nên dân chạy xe 3 gác, xe ôm cũng chuyển qua chở nước ngọt kiếm sống. Ông Nguyễn Thanh Tuấn, ngụ tại phường 1 (TP Bến Tre) cho biết: “Trước đây tôi có chiếc xe 3 gác chở hàng nhưng từ khi nước mặn về tôi đầu tư mua thàng nhựa 1 m3 và mô tơ bơm nước để chở nước ngọt phục vụ bà con. Giá nước về tới tay hộ gia đình cao là do chi phí quá lớn, tôi chở cũng tính như chở hàng mỗi chuyến hơn 100 ngàn đồng nên tính ra 1 m3 nước đã lên đến 200 ngàn đồng nhưng cũng đành phải chịu”.
Nhiều người hành nghề chở hàng chuyển qua chở nước ngọt trong mùa hạn mặn
Theo ông Tuấn, nếu tình hình nước mặn còn xâm nhập sâu thì nhu cầu của cư dân đô thị về nước ngọt sẽ còn rất lớn. Hiện tại những hộ bán cà phê, nước mát, làm đậu hủ hay trồng kiểng ở đô thị là cần nhiều nước ngọt nhất. Vì vậy, những người làm nghề cung ứng nước ngọt sống khỏe trong mùa hạn, mặn khốc liệt như năm nay.
Minh Giang