Mua nhà chung cư: Góp vốn 7 năm vẫn chưa được ký hợp đồng mua bán

(Dân trí) - Với mong muốn chọn được những căn hộ ưng í, giá rẻ, nhiều khách hàng đã chấp nhận mua bán với hình thức góp vốn. Tuy nhiên, chờ đợi 7 năm trời nhưng nhà vẫn chẳng thấy đâu, thậm chí hợp đồng mua bán cũng chưa được ký kết.

Khách hàng góp vốn chăng băng rôn phản đối chủ đầu tư dự án Bidhomes The Garden Hill.
Khách hàng góp vốn chăng băng rôn phản đối chủ đầu tư dự án Bidhomes The Garden Hill.

Liên quan tới những tranh chấp tại dự án BIDHomes The Garden Hill (99 Trần Bình, Nam Từ Liêm, Hà Nội), theo tìm hiểu của Dân trí, từ năm 2010, nhóm gần 70 khách hàng đầu tiên của dự án đã ký “Thoả thuận hợp tác đầu tư” với Công ty CP Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị Hà Nội mới về việc góp vốn dự án chung cư 99 Trần Bình do Công ty TNHH Đức Phương làm chủ đầu tư với giá bán từ 24-25 triệu đồng/m2, trong đó giá trên hợp đồng là 18,5 triệu đồng/m2 và chênh lệch ngoài hợp đồng 6-7 triệu đồng/m2.

Theo phản ánh của nhóm khách hàng này, sau khi Công ty Nhà và Đô thị Hà Nội mới thu tiền góp vốn của khách hàng đã nộp toàn bộ cho Công ty Đức Phương. Vào tháng 5/2015, ông Lương Xuân Cường - đại diện hợp pháp của Công ty Nhà và Đô thị Hà Nội mới bị bắt vì liên quan đến hành vi gian dối nhưng mọi nghĩa vụ hợp đồng vẫn được Công ty Nhà và Đô thị Hà Nội mới thực hiện đúng với Đức Phương.

Theo thoả thuận hợp tác đầu tư, sau khi chủ đầu tư hoàn thành phần móng (dự kiến vào cuối năm 2011), khách hàng sẽ ký hợp đồng mua bán căn hộ với giá bán không thay đổi 18,5 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, dự án bị chậm tiến độ 4 năm, đến ngày 29/8/2015, Công ty Đức Phương bán cổ phần cho Công ty CP Xây dựng và phát triển hạ tầng đô thị - BID Việt Nam.

Theo đó, BID là chủ sở hữu công Công ty Đức Phương và đổi tên dự án “Toà nhà đa năng Đức Phương” thành “The Garden Hill Tower”. Tại thời điểm đó, các bên bao gồm cả chủ đầu tư cũ và mới đã ký văn bản thống nhất đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ và trách nhiệm trong “Thoả thuận hợp tác đầu tư” đã ký với khách hàng góp vốn mua gần 70 căn hộ nói trên để thực hiện tiếp dự án.

Tuy nhiên, sau khi thâu tóm dự án, chủ đầu tư xin điều chỉnh quy mô. Ban đầu dự án chỉ được thiết kế 11 tầng nhưng thì đã xin điều chỉnh dự án thành 2 tòa, một tòa 25 tầng và một tòa 29 tầng. Do điều chỉnh thiết kế phải được phê duyệt của các cơ quan chức năng nên việc triển khai dự án càng kéo dài, khiến cho các khách hàng đã góp vốn thêm “mất ăn mất ngủ”.

Khi tiếp quản dự án, BID Việt Nam lại thi công không phép nên năm 2015, khi xây dựng đến tầng 6 thì bị UBND quận Nam Từ Liêm phạt 50 triệu đồng vì vi phạm trật tự xây dựng và bị đình chỉ thi công.

Đến ngày 15/11/2016, dự án có giấy phép xây dựng và thi công trở lại. Hiện dự án đã xây thô đến tầng 18 và quy mô đã thay đổi nên có những căn hộ chủ đầu tư cam kết bán cho khách hàng “đã không còn tồn tại”.

“Chúng tôi đã gửi thông báo tới cơ quan chính quyền về việc chủ đầu tư tự ý thay đổi các căn hộ đã huy động vốn đầu tư mà chưa có sự thống nhất của chúng tôi”, đại diện nhóm khách hàng cho biết.

Tiếp đó, ngày 29/12/2016, Công ty Đức Phương đưa ra thông báo "ép" khách hàng mua căn hộ với mức giá 30,9-33,5 triệu đồng/m2, chiết khấu 15% và bù phần lãi chậm tiến độ 8%/năm. Tuy nhiên, khách hàng cho rằng đây là mức giá “cao vô lý so với thị trường đang giao dịch”. Hiện trên thị trường, các căn hộ tại đây được giao bán các suất ngoại giao với mức giá chỉ khoảng 28-30 triệu đồng/m2, chưa kể các khoản chiết khấu và khuyến mại khác.

“Gần 70 khách hàng chúng tôi sau hơn 6 năm góp vốn vào dự án, chờ đợi dự án hoàn thành với mong muốn mua được căn hộ để ở nhưng đến nay vẫn chưa ký được hợp đồng mua căn hộ. Nhiều gia đình phải đi ở thuê với giá 4-8 triệu đồng/tháng hàng ngày mong ngóng dự án hoàn thành, bàn giao để về sinh sống nhưng lại nhận được thông báo của chủ đầu tư với rất nhiều bất lợi về phía khách hàng, dồn khách hàng vào đường cùng”, nhóm khách hàng này cho biết.

Phương Dung