Mua ngân hàng 0 đồng, ai bảo vệ người gửi tiền?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố dự thảo Luật Hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng (TCTD) và xử lý nợ xấu.

Sếp làm sai, ngân hàng bị liên lụy

Theo dự thảo trên, NHNN sẽ xem xét, quyết định đặt TCTD vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi lâm vào một trong các trường hợp: Mất khả năng thanh toán; có nguy cơ mất khả năng chi trả; có nguy cơ mất khả năng thanh toán, bao gồm cả trường hợp nợ không có khả năng thu hồi hoặc mô hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro hoặc hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) vi phạm pháp luật…

Dự thảo cũng quy định nếu các TCTD không hoàn thành việc tăng vốn trong thời hạn theo yêu cầu thì NHNN xây dựng và trình Chính phủ quyết định phương án mua bắt buộc TCTD yếu kém với giá mua 0 đồng.

NHNN cũng đưa ra các phương án sau khi mua TCTD với giá 0 đồng. Chẳng hạn, phương án xử lý tiền gửi của khách hàng là pháp nhân; tiền gửi và tiền vay của NH khác…

Lý giải về việc đưa vào dự thảo các nội dung mới trên, Vụ Pháp chế thuộc NHNN - đơn vị chủ trì soạn thảo dự luật cho rằng hiện tại Luật Các TCTD 2010, Luật NHNN và các văn bản hướng dẫn hiện hành chưa có đầy đủ quy định về biện pháp được áp dụng, thẩm quyền quyết định áp dụng các biện pháp này để xử lý TCTD yếu kém.


​Cơ cấu lại các ngân hàng dựa trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền.Ảnh minh họa: HTD

​Cơ cấu lại các ngân hàng dựa trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền.Ảnh minh họa: HTD

Đưa ngân hàng 0 đồng vào luật

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, cho rằng việc đưa các quy định nêu trên vào luật là điều cần thiết, trong đó có việc mua bán NH với giá 0 đồng.

Đây cũng là cách luật hóa những việc đã làm và sẽ làm trong thời gian tới. Điều này tạo cơ sở pháp lý vững chắc hơn để tái cơ cấu NH với phương thức mua lại 0 đồng.

Vậy tại sao lại đưa ra mức 0 đồng? Ông Lực nói: “Khi NH bị kiểm soát đặc biệt, âm vốn điều lệ thì làm sao yêu cầu họ lấy tiền bù vào. Nếu trả ở mức 5 đồng hay 10 đồng là vô lý bởi bản thân NH đó đang bị lỗ”. Tuy nhiên, ông Lực cũng cho rằng đây là cách làm mang đặc thù của Việt Nam.

“Các nước khác trên thế giới cũng áp dụng cách này bằng việc trả vài cent, gọi là tiền tượng trưng nhưng chúng ta đưa ra mức 0 đồng để dễ hạch toán, tính toán” - ông Lực giải thích.

Bên cạnh đó, ông Lực cũng nhấn mạnh việc đưa quy định nếu lãnh đạo NH vi phạm pháp luật thì NH bị kiểm soát đặc biệt là điều dễ hiểu bởi vai trò “thủ lĩnh” trong doanh nghiệp và các NH rất quan trọng. Đó là uy tín của doanh nghiệp, NH.

Trong khi đó, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính NH, lại cho rằng việc đưa quy định NH bị đưa vào diện giám sát đặc biệt nếu lãnh đạo phạm pháp là điều chưa hợp lý. Theo ông Hiếu, NHNN có đủ thẩm quyền có thể xử lý cá nhân lãnh đạo NH vi phạm pháp luật.

“Việc đưa một NH vào diện kiểm soát đặc biệt sẽ ảnh hưởng đến tâm lý người gửi tiền. Một NH vẫn hoạt động tốt mà bị kiểm soát đặc biệt chỉ vì sếp vi phạm pháp luật sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh. Do vậy không nên đưa quy định này vào luật” - ông Hiếu nói.

Bảo đảm quyền lợi người gửi tiền

Như vậy theo dự thảo trên, những NH quá yếu kém thì khó tồn tại. Vậy tiền gửi của người dân tại các NH bị mua 0 đồng sẽ ra sao? Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh Thanh tra, giám sát NH (NHNN), nhấn mạnh NHNN đã xác định cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu dựa trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

“Đây là nguyên tắc cốt lõi của NHNN trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD. Điều này đã được NHNN khẳng định trong quá trình cơ cấu lại các NH trước đây và cũng là nguyên tắc xuyên suốt trong những năm tới” - ông Hưng nhấn mạnh.

TS Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng việc đảm bảo quyền lợi cho khách hàng là điều đương nhiên và đã được quy định trong Luật TCTD 2010 và các quy định liên quan. Đặc biệt, khi NH bị mua lại 0 đồng thì việc đảm bảo quyền lợi cho người gửi tiền càng ưu tiên. “NHNN có trách nhiệm chỉ đạo và đảm bảo thực hiện việc này”- ông Hiếu nói.

Cùng quan điểm, TS Cấn Văn Lực nói khi các NH bị kiểm soát đặc biệt hay bị mua lại 0 đồng, NHNN có trách nhiệm điều hành đảm bảo quyền lợi người gửi tiền và khoản vay của các TCTD. Điều này có nghĩa là tiền gửi của người dân sẽ được đảm bảo.

“Bên cạnh đó, chúng ta còn có bảo hiểm tiền gửi. Quy định bảo hiểm tiền gửi được thực hiện theo Nghị định 68/2013 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi” - ông Lực cho biết.

Tiền gửi của dân sẽ ra sao?

Theo Nghị định 68/2013 về bảo hiểm tiền gửi, số tiền bảo hiểm được trả cho tất cả khoản tiền gửi bao gồm cả gốc và lãi của một người gửi tiền (một cá nhân hoặc người đại diện theo pháp luật) tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tối đa là 50 triệu đồng. Điều này có nghĩa là cho dù người gửi tiền có gửi 1 tỉ đồng tại một NH thì khi NH này phá sản, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ chỉ chi trả cho người gửi tiền trên tối đa là 50 triệu đồng.

Tất nhiên người gửi tiền không chỉ trông chờ vào Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam mà phần nhiều trông chờ vào tiền thu được từ hoạt động thanh lý tài sản ngân hàng khi phá sản, tiền của Nhà nước...

_______________________________

Theo dự thảo luật, các TCTD yếu kém bị mua bắt buộc, sau đó sẽ được hưởng cơ chế như Chính phủ cấp vốn để bổ sung vốn điều lệ, hoặc được Chính phủ cho vay dài hạn với lãi suất 0%. Hoặc được áp dụng vay tái cấp vốn của NHNN với lãi suất đến 0% trong thời gian theo phương án phục hồi đã được phê duyệt nhưng tối đa không quá thời hạn kiểm soát đặc biệt.

Trước đây, NHNN đã quyết định mua lại NH VNCB, OceanBank và GPBank với giá 0 đồng.

Theo: Trà Phương

Pháp luật TPHCM