"Mua iPhone nhận cục gạch": Khách bị lừa, chủ phủi tay đổ cho shipper

Để vá các lỗ hổng khiến người dùng "mua iPhone nhận cục gạch", dự thảo Nghị định về thương mại điện tử đưa thêm các quy định trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử cũng như các quy định khắt khe hơn về logistics.

Nở rộ thương mại điện tử

Đề cập về dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử bà Lại Việt Anh, Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho rằng: "Thời gian qua, thương mại điện tử phát triển rất nhanh với tốc độ 30%/năm và Việt Nam đang ở top 3 của Đông Nam Á, chỉ đứng sau Singapore và Thái Lan.

"Cùng với sự phát triển nhanh của thương mại điện tử thì xuất hiện hàng gian lận, hàng giả, vi phạm thương quyền của các tập đoàn lớn. Với người tiêu dùng, những phản ánh về hàng hóa không đúng chất lượng, lừa đảo, có yếu tố nước ngoài hoạt động không phép,... cũng được ghi nhận", bà Lại Việt Anh chia sẻ.

Do đó, Bộ Công Thương xác định cần xây dựng các chính sách nhằm tăng cường tính minh bạch trong lĩnh vực thương mại điện tử với những quy định chặt chẽ về chủ website, sàn thương mại.

Mua iPhone nhận cục gạch: Khách bị lừa, chủ phủi tay đổ cho shipper - 1

Thương mại điện tử phát triển như vũ bão

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, cho rằng: Bán hàng qua hình thức thương mại điện tử có những "rủi ro cho người tiêu dùng rất cao". Đây là bất cập của Nghị định 52 nên cần có sửa đổi để khắc phục.

Theo ông Hùng, kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử cũng phải thực hiện theo Luật bảo vệ người tiêu dùng, như quyền được thông tin đầy đủ chính xác. "Có người đưa hình ảnh long lanh, thông tin hấp dẫn nhưng giao hàng lại hàng vớ vẩn. Quảng cáo là hàng Hàn Quốc, Nhật Bản nhưng lại giao hàng Trung Quốc, chuyển hàng qua bưu kiện thì người vận chuyển không phải chịu trách nhiệm. Khi xảy ra chuyện, khách hàng gọi điện vào số điện thoại không được, đó là bẫy lừa người tiêu dùng, mà lừa nhiều rồi", ông Hùng nhấn mạnh.

Thực tế nhận hàng không như cam kết, mua "iPhone nhận cục gạch" là điển hình cho vấn đề này. Để vá các lỗ hổng này, ban soạn thảo đã đưa ra các quy định để trách nhiệm của chủ sàn, thông tin hàng hóa bắt buộc thể hiện trên website.

Điều 36 liên quan đến trách nhiệm của chủ sàn thương mại cũng là điểm vướng với ban soạn thảo. Theo đó, quy định trách nhiệm của chủ sàn thương mại điện tử sẽ nhiều hơn, cũng như các quy định khắt khe hơn về logistics. Như thế không còn chuyện khách bị lừa không biết kêu ai còn chủ sàn phủi tay vô can, đổ hết cho nhà vận chuyển.

Cơ quan quản lý cũng yêu cầu các sàn phải công khai  phương thức giao dịch. Các mạng xã hội có hoạt động thu, trả phí sẽ phải đăng ký với Bộ Công Thương.

Lo quản chặt quá

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, lo ngại, các nghĩa vụ tuân thủ, chi phí để tuân thủ nghị định mà Bộ Công Thương đang xây dựng sẽ tạo gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp.

Mua iPhone nhận cục gạch: Khách bị lừa, chủ phủi tay đổ cho shipper - 2

Mua hàng online trở thành thói quen của nhiều người

Ông Nguyễn Thanh Hà, Giám đốc điều hành Công ty Luật SBLaw cho rằng, các điều kiện tiếp cận thị trường được Bộ Công Thương đưa ra trong dự thảo Nghị định đi kèm các quy định mềm tạo ra cơ chế xin - cho mới, làm tăng rào cản tiếp cận thị trường của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Ví dụ như việc cơ quan cấp phép kinh doanh về dịch vụ thương mại điện tử sẽ phải lấy ý kiến của Bộ Công Thương trước khi được cấp phép, theo ông Hà, là một quy định liên quan đến cấp giấy phép mới xuất hiện từ phía Bộ Công Thương.

Ngoài ra, Điều 36 của dự thảo có những quy định rất mập mờ, gây khó khăn cho việc vận hành của các doanh nghiệp thương mại điện tử và không biết cơ quan nào sẽ là cơ quan chính chịu trách nhiệm để quản lý các vấn đề liên quan đến hàng hóa và dịch vụ bán trên sàn. Cần làm rõ và tách biệt trách nhiệm liên đới của chủ sàn và người tham gia. 

"Trách nhiệm hai bên phải được xem xét một cách độc lập. Nếu người bán vi phạm thì tùy mức độ, hành vi mà phải chịu trách nhiệm hình sự, dân sự, hành chính theo quy định pháp luật", ông Hà nói.

Theo luật sư Hà, với sự phát triển xuyên biên giới của thương mại điện tử, điểm hấp dẫn là người tiêu dùng ngồi một chỗ có thể mua bán ở khắp mọi nơi. Nếu dự thảo chỉ cho phép nhà cung cấp ở nước ngoài được phép bán qua sàn thương mại điện tử ở Việt Nam là không phù hợp với thực tiễn. Cùng đó, cần bỏ quy định các sàn xây dựng các công cụ vì tốn kém.

Cũng theo ông Hà, các quy định của Khoản 11 Điều 36 đang can thiệp rất sâu vào hoạt động của các DN thương mại điện tử và không quy định cụ thể cơ quan nào quản lý trực tiếp, chịu trách nhiệm chính. Sự phân vai không rõ này khiến DN dễ bị tất cả các cơ quan vào kiểm tra, gây khó dễ, gây mất thời gian, ảnh hưởng hoạt động của DN cũng như bị mất tiền phạt không đáng có. Chưa kể, các quy định này mâu thuẫn với quy định về bảo vệ thông tin cá nhân đã được cụ thể hóa theo trong Luật An toàn thông tin và Bộ luật Dân sự năm 2015.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách phát triển và Truyền thông, cho rằng, dự thảo nghị định đang có nhiều điểm cần xem xét lại.

Chẳng hạn, việc tiếp cận dữ liệu của các sàn cũng cần xem xét, không nên vì phục vụ sự thuận tiện của cơ quan quản lý mà yêu cầu các sàn phải tạo mục cung cấp thông tin. Điều này là không đúng, sẽ ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam vì các nước họ không yêu cầu như vậy và dễ vi phạm các quy định pháp luật.

"Bộ Công Thương sẽ tự làm khó mình khi đưa ra những quy định hoàn toàn không khả thi. Nếu quá thắt chặt các điều kiện thì sẽ rất dễ rơi vào bẫy không khuyến khích được sự phát triển. Các doanh nghiệp khởi nghiệp, cả trong và ngoài nước, đi sau trong lĩnh vực này sẽ bị quản lý chặt hơn và không có cơ hội cho phát triển thương mại điện tử tại Việt Nam", ông Đồng lưu ý.