1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Mua bán dưới 1.000 USD tại tiệm vàng bị phạt cảnh cáo

(Dân trí) - Kể từ ngày 31/12 tới, mọi giao dịch 1.000 USD tại tiệm vàng sẽ bị phạt cảnh cáo; nhưng nếu tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần hành vi này thì các cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt từ 10-20 triệu đồng.

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 88/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Trong đó, phạt cảnh cáo đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

Ngoài ra, nghị định cũng quy định mức phạt tiền cụ thể đối với các hành vi không niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ và hành vi xuất, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt không đúng quy định.

Không niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ bị phạt đến 30 triệu đồng

Phạt tiền từ 20-30 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Không niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ tại địa điểm giao dịch theo quy định của pháp luật; niêm yết tỷ giá mua, bán ngoại tệ nhưng hình thức, nội dung niêm yết tỷ giá không rõ ràng, gây nhầm lẫn cho khách hàng.

Mức phạt trên cũng áp dụng với một trong các hành vi: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 USD đến dưới 100.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 10.000 USD đến dưới 100.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 10.000 USD đến dưới 100.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 10-20 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 1.000 USD đến dưới 10.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị dưới 1.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật trong trường hợp tái phạm hoặc vi phạm nhiều lần; thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 1.000 USD đến dưới 10.000 USD (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

Phạt đến 250 triệu đồng xuất, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt không đúng quy định

Phạt tiền từ 200-250 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Kinh doanh, cung ứng sản phẩm phái sinh tỷ giá, ngoại hối không đúng quy định của pháp luật; xuất khẩu, nhập khẩu ngoại tệ tiền mặt, đồng Việt Nam tiền mặt không đúng quy định của pháp luật; hoạt động ngoại hối khi không được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoặc giấy phép hoạt động ngoại hối đã hết thời hạn hoặc bị tước hoặc không đúng nội dung đã quy định trong giấy phép, trừ trường hợp quy định.

Phạt tiền từ 150-200 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Thực hiện giao dịch ngoại tệ giữa tổ chức tín dụng với nhau, giữa tổ chức tín dụng với khách hàng không đúng quy định của Ngân hàng Nhà nước, trừ trường hợp quy định; không tuân thủ trạng thái ngoại tệ theo quy định của pháp luật.

Vi phạm một trong các hành vi: Cấp tín dụng hoặc trả nợ trong nước bằng ngoại tệ không đúng quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định; không bán ngoại tệ thu được cho tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 100-150 triệu đồng.

Phạt tiền từ 80-100 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Mua, bán ngoại tệ giữa cá nhân với nhau mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 USD trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); mua, bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ mà ngoại tệ mua, bán có giá trị từ 100.000 USD trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương); thanh toán tiền hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ có giá trị từ 100.000 USD trở lên (hoặc ngoại tệ khác có giá trị tương đương) không đúng quy định của pháp luật.

Phạt tiền từ 30-50 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm: Ký hợp đồng đại lý đổi ngoại tệ với tổ chức không đủ điều kiện làm đại lý đổi ngoại tệ; không hướng dẫn, kiểm tra đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật; không thực hiện đúng trách nhiệm của đại lý đổi ngoại tệ theo quy định của pháp luật; làm đại lý đổi ngoại tệ đồng thời cho hai tổ chức tín dụng trở lên không đúng quy định của pháp luật; chuyển, mang ngoại tệ, đồng Việt Nam ra nước ngoài, vào Việt Nam không đúng quy định của pháp luật, trừ các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 31/12/2019.

Trước đây dư luận từng xôn xao vụ việc xử phạt lên tới 90 triệu đồng tại Cần Thơ đối với hành vi giao dịch 100 USD của người dân tại tiệm vàng. Cụ thể, trưa 30/1/2018, lực lượng Phòng Cảnh sát kinh tế Cần Thơ bắt quả tang ông Lê Hồng Lực (Giám đốc Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Nhân Đạt Jewelry Thảo Lực, tiệm vàng Thảo Lực, Ninh Kiều) đang thu mua 100 USD của anh Nguyễn Cà Rê (thợ điện, ngụ quận Ninh Kiều), với giá 2.260.000 đồng mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền.

Theo đó, ông Nguyễn Cà Rê bị phạt 90 triệu đồng, tịch thu 2.260.000 đồng (quy đổi từ 100 USD) theo Điểm a, khoản 3, điều 24 Nghị định 96/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng (mua bán ngoại tệ tại tổ chức không được phép thu đổi ngoại tệ).

Ngoài ra, tiệm vàng nơi anh Rê đổi tiền USD sang tiền VNĐ cũng bị xử phạt hành chính tổng cộng tổng số tiền 295 triệu đồng do vi phạm các hành vi như: không được phép mua bán ngoại tệ tại nơi không được thu đổi ngoại tệ; kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sản xuất hàng hóa không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định; sản xuất hàng hóa có chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố áp dụng.

Sau đó, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước phía Nam tư vấn cho UBND TP. Cần Thơ hướng xử lý phù hợp. Đến ngày 7/11/2018, ông Trương Quang Hoài Nam, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ đã ký quyết định miễn toàn bộ tiền phạt vi phạm hành chính cho ông Nguyễn Cà Rê.

Nhưng với số tiền 2.260.000 đồng tang vật quy đổi từ 100 USD của ông Rê, theo quyết định 2875 của Phó Chủ tịch UBND Cần Thơ, là không thuộc trường hợp được trả lại tang vật vi phạm hành chính căn cứ theo Khoản 3, Điều 77 và Khoản 6, Điều 125, Luật xử lý vi phạm hành chính. Vậy nên, dù được miễn toàn bộ 90 triệu đồng tiền phạt nhưng ông Rê không được nhận lại khoản tiền 2.260.000 đồng.

 An Hạ