Mua bán doanh nghiệp: Tôi bán, ai mua?

Nhiều doanh nghiệp trong nước cho biết các quỹ đầu tư nước ngoài rộn rịp tiếp cận họ để mua lại cổ phần, nhiều công ty lại có ý chờ nhưng chẳng thấy ai đến hỏi han. Vậy các quỹ đầu tư nước ngoài tìm gì ở công ty trong nước?

Các thông số cơ bản

Dòng vốn đầu tư gián tiếp thông qua các công ty đầu tư tư nhân (private equity firm) hoạt động sôi nổi không kém các dự án đầu tư trực tiếp. Các thông số cơ bản mà các quỹ này săm soi trước khi ngỏ lời mua cổ phần các công ty trong nước thường là dòng tiền ổn định, mức nợ vay thấp và đương nhiên là giá phải chăng.

Điều họ trông chờ là một tỷ suất hoàn vốn nội bộ (IRR) từ 20% trở lên. Nói đơn giản, IRR là mức chiết khấu sao cho dòng tiền thu về trong tương lai có giá trị hiện tại bằng với chi phí đầu tư ban đầu. Ví dụ, dự án khu dân cư Tân Đức của khu công nghiệp Tân Tạo có IRR bằng 26%; dự án trường đại học của FPT có IRR cũng bằng 26%.

Điều nên biết là các công ty đầu tư tư nhân thường tìm mua các công ty giá rẻ, đổ vốn vào ở dạng cho vay nợ, rồi chuyển nợ thành vốn hùn hạp. Vì thế họ sẽ không quan tâm đến các công ty phát triển nhanh mà chú ý nhiều hơn đến dòng tiền công ty này có khả năng tạo ra trong tương lai.

Công ty đang phát triển nhanh sẽ có giá cao hơn mà dòng tiền chưa chắc đã ổn định vì phải trang trải các khoản đầu tư đáp ứng nhu cầu phát triển. Công ty thuộc dạng có “tiềm năng” nhưng đang phát triển chậm thì dễ giúp tổ chức lại sản xuất, cơ cấu lại chi phí hay định ra chiến lược mới...

Theo khảo sát của BusinessWeek với nhiều công ty đầu tư tư nhân, các lĩnh vực đang được quan tâm là sản phẩm tiêu dùng, bán lẻ, chăm sóc sức khỏe. Lý do cũng nhất quán với lập luận ở trên: loại công ty này sẽ hoạt động ổn định bất kể chu kỳ kinh tế, dù kinh tế khó khăn người ta cũng phải mua dao cạo râu, giày dép và phải chăm lo cho sức khỏe.

Những lĩnh vực khác được chào mời sôi nổi là các ngành liên quan đến kỹ thuật như phần mềm hay dịch vụ công nghệ thông tin, nhất là các công ty có hợp đồng cung ứng dịch vụ lâu dài.

Ở các thị trường mới nổi như Việt Nam, các quỹ đầu tư nước ngoài thường ngắm kỹ các công ty trong lĩnh vực địa ốc và năng lượng. Tuy nhiên, loại công ty có tầm nhìn dài hạn, thu xếp bán nhà trả chậm trong nhiều năm sẽ được quan tâm hơn vì dòng tiền thu về trong tương lai là ổn định.

Những lĩnh vực ít được quan tâm gồm công nghiệp, sản xuất ô tô, dịch vụ viễn thông. Hai loại đầu chịu tác động chu kỳ kinh tế rất mạnh còn loại sau thì cạnh tranh quá nhiều, giá cả khó định được lâu dài.

Cần chuẩn bị những gì?

Theo một nghiên cứu của Citigroup, đa số các công ty chưa biết gì nhiều về các quỹ đầu tư, chưa hiểu các thể thức đầu tư, cách tính toán chiến lược dài hạn... Vì thế, nghiên cứu này khuyên các công ty muốn bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài nên lập hẳn một bộ phận nghiên cứu và chuẩn bị một chiến lược rõ ràng.

Bước thứ nhì là định giá doanh nghiệp. Đừng nên chờ các quỹ đưa ra giá mà phải có các kịch bản chào giá phù hợp với chiến lược tài chính. Cần vượt qua trở ngại chính là sự đánh đổi giữa quyền kiểm soát công ty (mà phần lớn còn là công ty gia đình) và nhu cầu vốn để tăng trưởng.

Một trở ngại khác là phải chuyển chiến lược từ chỗ tăng trưởng nhanh sang mô hình đem lại lợi nhuận cao cho cổ đông. Ví dụ những năm đầu thập niên này hầu hết các công ty viễn thông châu Á theo đuổi mô hình phát triển nhanh, dùng tiền để đầu tư vào các dự án lớn. Nhưng nay khi thị trường đã bão hòa, đa số chuyển sang mô hình tìm kiếm lợi nhuận cao cho cổ đông.

Bán cổ phần cho nhà đầu tư trong nước hiện nay tương đối dễ vì họ sẽ không đòi hỏi sự minh bạch cao, cách quản trị hiện đại như các quỹ đầu tư nước ngoài. Ngược lại vốn của các quỹ đầu tư này thường đi kèm với các kinh nghiệm tái cơ cấu công ty, nâng cao hiệu quả đồng vốn và uy tín thị trường không đo được bằng tiền mặt.

Ở Việt Nam, quỹ đầu tư nước ngoài chưa thể mua cổ phần chi phối nên họ sẽ yêu cầu sự minh bạch cao theo hướng bảo vệ nhà đầu tư có cổ phần thiểu số, ví dụ quyền phủ quyết các khoản chi đầu tư lớn.

Theo một khảo sát của Goldman, các quỹ đầu tư tư nhân hiện đang thừa vốn, trong tay có khoảng 300 tỉ đô la. Nên nhớ sau khủng hoảng tài chính châu Á vào năm 1997, đầu tư gián tiếp vào các thị trường mới nổi sụt giảm đến mức chỉ còn dưới 2 tỉ đô la vào năm 2002. Nhưng đến năm 2006, tổng vốn đầu tư theo dạng này ở các thị trường mới nổi phục hồi mạnh mẽ, đạt mức 58 tỉ đô la Mỹ.

Và vì các quỹ này có thể huy động gấp mấy lần tiền vốn có sẵn, số tiền họ có thể đổ vào các công ty khác lên đến chừng 1.300 tỉ đô la. Chỉ cần một tỷ lệ nhỏ của con số này chuyển sang thị trường Việt Nam thì việc mua bán công ty sẽ còn sôi động nữa.

Bán cổ phần cho nhà đầu tư trong nước hiện nay tương đối dễ vì họ sẽ không đòi hỏi sự minh bạch cao, cách quản trị hiện đại như các quỹ đầu tư nước ngoài. Ngược lại vốn của các quỹ đầu tư này thường đi kèm với các kinh nghiệm tái cơ cấu công ty, nâng cao hiệu quả đồng vốn và uy tín thị trường không đo được bằng tiền mặt.

Theo Nguyễn Vân Cầm
SgEconomy