1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mũ bảo hiểm "dởm" hoành hành trở lại, lợi hại hơn xưa

(Dân trí) - "Phương thức thủ đoạn của các đối tượng sản xuất MBH giả, kém chất lượng đang trở nên tinh vi, phức tạp hơn để đối phó với cơ quan chức năng, việc phát hiện để ngăn chặn, xử lý trở nên khó khăn và mất thời gian".

Tại hội thảo Mũ bảo hiểm (MBH) an toàn tổ chức tại TPHCM ngày 27/8, đại diện 1 doanh nghiệp sản xuất MBH cho biết: “Vài tháng trở lại đây, khi có quyết định không phạt người đội MBH dỏm thì MBH dỏm, kém chất lượng quay lại thị trường và sôi động hơn trước”.
 
Ý kiến trên được nhiều doanh nghiệp và đại biểu khác tham dự hội thảo đồng tình. Theo kết quả điều tra xã hội học của Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia công bố tại hội thảo, hiện chỉ có 30% là người đội MBH đạt chất lượng khi lưu thông trên đường, còn lại 70% là mũ giả, mũ kém chất lượng.

Đại diện UB ATGT Quốc gia cho biết: “Trên 60% các lô MBH trên thị trường được kiểm tra thiếu tên hàng hóa, tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa. Trong khi các lô mũ nhập khẩu phần lớn không có tem chứng nhận, không rõ xuất xứ…”.

Theo báo cáo của Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, từ tháng 3 cho đến ngày 16/8, Chi cục đã kiểm tra gần 29.000 MBH và gần 4.000 MBH bán thành phẩm thì có đến 12.500 MBH và tất cả MBH bán thành phẩm đều kém chất lượng, bị tịch thu tiêu hủy. Trong đó có 1 vụ việc Chi cục đã chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra xử lý theo pháp luật.

Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện hàng chục ngàn MBH dỏm (ảnh minh họa)
Lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra và phát hiện hàng chục ngàn MBH dỏm (ảnh minh họa)

Ông Nguyễn Văn Bách, Phó chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết: “Phương thức thủ đoạn của các đối tượng sản xuất MBH giả, kém chất lượng đang trở nên tinh vi, phức tạp hơn để đối phó với cơ quan chức năng, việc phát hiện để ngăn chặn, xử lý trở nên khó khăn và mất thời gian”.

Theo ông Bách, các đối tượng trên thường chọn đặt cơ sở sản xuất và kho hàng ở các địa phương xa, vắng vẻ và hoạt động vào ban đêm nên rất khó phát hiện. Một thủ đoạn thường dùng khác là mỗi đối tượng chỉ chuyên làm 1 bộ phận, khi cần bán thì tập trung tại 1 đối tượng và ráp lại thành phẩm.

Một thủ đoạn khác mà theo ông Bách là đang gây khó khăn cho cơ quan chức năng là chính các cơ sở sản xuất MBH hợp quy cũng sản xuất MBH kém chất lượng. Họ chỉ cần công bố 1 mẫu sản phẩm hợp quy rồi cho dán tem hợp quy của sản phẩm này lên các MBH dỏm để bán…

Ông Bách cho rằng: “Pháp luật hiện hành cho phép nhà sản xuất tự in tem CR sau khi được cấp giấy chứng nhận hợp quy là một sơ hở để các đối tượng lợi dụng in tem CR giả lưu hành trên thị trường, làm cho công tác điều tra phát hiện hết sức khó khăn”.

Trước những tồn tại trên, hiện Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đang đề xuất nên xem MBH là một mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện để việc quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn. Ông Bách nói: “MBH là mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của người tiêu dùng, nhưng hiện pháp luật cho phép sản xuất kinh doanh như mặt hàng thông thường”.

Tuy nhiên, ông Ngô Bách Phong, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TPHCM thì cho rằng: “Việc thực thi chính sách “phạt người đội mũ giả” hay “xử lý người sản xuất mũ kém chất lượng”, hoặc “xử lý người buôn bán MBH giả, nhá”… đang thể hiện những bất cập trong việc thực thi pháp luật và bảo vệ người tiêu dùng, cũng bị người tiêu dùng phản ứng”.

Do vậy, theo ông chỉ có biện pháp kiểm soát chất lượng ngay từ nguồn sản xuất, nâng cao ý thức đội MBH đạt chất lượng cho người dân, tuyên truyền rộng rãi cho người dân được biết những kiến thức nhận biết MBH đạt chất lượng để sử dụng…

Tùng Nguyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm