Một tấn giấy ăn, “ướp” 9kg hóa chất?

Biết tương ớt không vệ sinh, giấy ăn “ướp” hóa chất nhưng người tiêu dùng vẫn nhắm mắt cho qua...

10.000 đồng/bịch giấy ăn chất đầy trong túi nilon loại 5kg; 75.000 đồng/can tương ớt 5 lít; 20.000 đồng/chục cốc nhựa… là thứ mà hầu hết các cửa hàng ăn uống vẫn mua để phục vụ thực khách mỗi ngày. Biết tương ớt không vệ sinh, giấy ăn “ướp” hóa chất nhưng người tiêu dùng vẫn nhắm mắt cho qua...
 
Phần lớn các loại giấy ăn tại các quán ăn bình dân đều không rõ nguồn gốc sản xuất. Ảnh: Chí Cường
Phần lớn các loại giấy ăn tại các quán ăn bình dân đều không rõ nguồn gốc sản xuất. Ảnh: Chí Cường

Mỗi lần đi ăn, dăm cái...tặc lưỡi

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Chị Nguyễn Hà Thủy (Ngõ Trạm, phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Chưa cần điều tra nguồn gốc, xuất xứ những gia vị mà các cửa hàng ăn đặt lên bàn cho khách (như: dấm tỏi, tương ớt, gia vị, giấy ăn, chanh, quất...) mà chỉ cần nhìn vào cách họ bày biện đã thấy không vệ sinh. Hầu hết các lọ đựng đều mở nắp. Ruồi, nhặng, bụi bẩn… có thể sa vào đó bất cứ lúc nào. Còn giấy ăn thì mới đặt lên ngang miệng đã thấy có mùi nồng nồng, hôi hôi… rất khó tả. Nhiều khi biết là bẩn mà vẫn phải dùng. Mỗi lần đi ăn, dăm cái tặc lưỡi”.

“Vì thích ăn cay nên nhiều khi biết tương ớt ở hàng ăn không vệ sinh nhưng tôi vẫn phải ăn để có cảm giác ngon miệng. Giấy vệ sinh đương nhiên là không ổn, lôi giấy trong hộp lên thấy bụi giấy bay đầy, lau thấy bở bùng bục, lại có mùi hôi hôi. Nhưng không dùng thì không được vì có cảm giác bị dính đồ ăn ở quanh miệng, khó chịu lắm”, anh Tạ Văn Thành (phố Nguyễn Công Trứ, phường Phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ.

Khi chúng tôi hỏi về vấn đề vệ sinh, đồ dùng phục vụ thực khách, bà Hoàng Thị Bích, chủ cửa hàng phở N. (phố Kim Liên, Hà Nội) thẳng thắn bày tỏ: “Quán ăn bình dân, lấy lãi có hạn mới có khách nên không thể đầu tư nhiều vào bát, đũa, tương ớt, giấy ăn… được. Giấy ăn chỉ 10.000 đồng/bịch, đựng trong túi nilon loại 5kg mà ngày nào nhà tôi cũng phải lấy 5 bịch để khách dùng cả sáng và chiều. Tương ớt cũng mất 2 lít/ngày, sáng đổ đầy bình, chiều đã cạn xuống đáy. Giá không cao, chỉ 15.000 đồng/lít nhưng mỗi thứ mất một ít thì không lấy đâu ra lãi”.

Cũng theo bà Bích thì cửa hàng của bà không thể dùng cốc sành sứ, thủy tinh cho khách được vì bị vỡ liên miên, mà yêu cầu khách đền tiền thì không hay vì sợ lần sau họ sẽ không đến nữa nên phải dùng cốc nhựa 20.000 đồng/10 chiếc. Bát, đũa, thìa… cũng vậy, chỉ chọn hàng bình dân. “Bát, đĩa dùng đồ Trung Quốc cũng không sao vì mình luôn rửa sạch, miễn là giá cả phải chăng”, bà Bích bảo.

Quan sát túi giấy ăn mới nhập về ở góc cửa hàng thì thấy đúng như bà Bích nói. Giấy ăn sản xuất thủ công, không có tem nhãn, được bọc trong chiếc túi nilon xanh loại 5kg mà các cửa hàng vẫn dùng để bỏ đồ cho khách. Đũa dùng một lần cũng được xếp trong túi nilon không có địa chỉ sản xuất. Hai can tương ớt 5 lít xếp ở góc nhà cũng không có tem nhãn… Chúng tôi thắc mắc thì bà Bích bảo: “Mình mua bao nhiêu thì người bán rót sang, hoặc người bán rót sẵn trong can nhựa rồi mình đến lấy. Đây là cơ sở sản xuất quen của tôi nên yên tâm về chất lượng”.

Dễ hỏng hệ hô hấp, da, mắt và phủ tạng

Ông Nguyễn Hà Sinh, chủ một cơ sở sản xuất giấy đã giải nghệ ở Phong Khê, huyện Phong Khê (Bắc Ninh) tiết lộ: “Giấy ăn giá rẻ đều được tái chế từ nguồn giấy phế phẩm vì lấy đâu ra nhiều gỗ, tre, trúc mà sản xuất. Dù bột giấy có đen, xanh, đỏ, tạp chất thế nào thì khi hòa hóa chất hỗn hợp gồm xút, javen... bột giấy thải loại cũng trắng phau”.

Theo ông Sinh, thường 1 tấn giấy phế phẩm tẩy trắng phải mất 9kg hóa chất xút và 35 lít javen. Còn giấy viết, sách, giấy photo tài liệu... thì tốn 10kg xút và 40 lít javen. Ở chỗ ông, không ai là không biết cách pha hóa chất tẩy trắng bột giấy.

Về vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Trường ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng, việc dùng giấy sản xuất thủ công để lau miệng khá nguy hiểm vì không hợp vệ sinh. Nhất là hiện nay nhiều cơ sở sản xuất giấy thủ công lạm dụng xút và javen nhằm tẩy trắng giấy phế phẩm sẽ sinh ra hóa chất tồn dư độc hại. Việc dùng loại giấy này lau miệng có thể bị dính mủn giấy, bị ảnh hưởng hóa chất tẩy trắng, tăng trắng... nhiễm độc gây hại cơ thể. Tiếp xúc lâu có thể mắc các loại bệnh về hệ hô hấp, da và mắt.

Còn theo BS Nguyễn Xuân Mai, nguyên Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Y tế công cộng TPHCM thì, giấy ăn nhìn bằng mắt thường phải đảm bảo các tiêu chí như mịn, không chứa ánh bạc của hóa chất trên mặt giấy, không có vết đen hay bẩn phía trên, khi đưa tay chà mạnh có độ dẻo, khó rách. Giấy kém chất lượng sẽ xuất hiện bụi khi kéo giấy, lau miệng dễ mủn, vò nhẹ sẽ vỡ vụn, có vết bẩn... Nếu dùng giấy ăn không đảm bảo vệ sinh, các vi khuẩn cầu trùng, e.coli... có trong giấy ăn sẽ xâm nhập vào cơ thể gây ra các bệnh như tiêu chảy, tả, lị, thương hàn... qua đường tiêu hóa đối với những người sức đề kháng yếu.

Vì vậy, tốt nhất là người tiêu dùng nên nói “không” với những gia vị, giấy ăn không đảm bảo vệ sinh. Dù không gây ra những vụ ngộ độc cấp tính, nhưng hóa chất bên trong những gia vị, đồ dùng này ngấm dần vào cơ thể người, gây ra những bệnh mạn tính và cũng có thể là nguyên nhân dẫn tới ung thư hay nhiều bệnh liên quan đến nội tạng nguy hiểm khác.

 

Bát đĩa giá rẻ có chứa hàm lượng chì cao

Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng sản phẩm (Bộ KHCN) cho biết, bát, đĩa, cốc thủy tinh… giá rẻ xuất xứ Trung Quốc có chứa hàm lượng chì rất cao, gấp hàng nghìn lần mức cho phép. Đũa dùng một lần cũng có mức độ độc hại không kém vì để đảm bảo về độ trắng, không bị ẩm mốc chúng được tẩm hóa chất và loại đũa này cũng đã bị cơ quan chức năng phát hiện chứa hoá chất sodium sunfite và sulfure dioxide với hàm lượng vượt quá nhiều lần mức cho phép.

 

Theo Mai Hạnh
Gia đình & Xã hội
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”