Một ngày làm thủ tục xuất nhập khẩu = 1,6 tỉ USD
Theo tính toán của USAID GIG, thủ tục quản lý xuất nhập khẩu chỉ cần giảm 1 ngày, Việt Nam sẽ tiết kiệm được số tiền trung bình là 1,6 tỉ USD.
Tại Hà Nội ngày 10/10, Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) đã phối hợp với Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) tổ chức hội thảo Đơn giản hóa thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK).
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: |
Choáng vì thủ tục
Bà Đặng Bình An, chuyên gia tư vấn dự án quản trị nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện (USAID GIG), cho biết tổ chức này đã thực hiện khảo sát ở các doanh nghiệp (DN) Việt Nam để có được bức tranh trung thực về hiện trạng quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK. Kết quả cho thấy các DN đều kêu ca thủ tục XNK được siết quá chặt do các cơ quan quản lý sợ trách nhiệm.
Bà Đặng Bình An dẫn ra hàng loạt ví dụ. Chẳng hạn hải quan cho phép một loại tờ khai không cần đóng dấu thì lập tức cơ quan cấp C/O “đẻ” ngay yêu cầu mới là DN phải có giấy cam kết tờ khai XNK của mình là đúng. Có những câu chuyện rất khôi hài như Công ty Ford Việt Nam phải thuê một nhân viên chuyên viết giấy nộp tiền, Việt Tiến cắt cử một nhân viên chuyên sao y bản chính và đóng dấu tờ khai hải quan... Có DN tốn đến 70 triệu đồng/năm chỉ để mua mực in và giấy, mỗi lần chuyển hồ sơ đến hải quan phải sử dụng ô tô. Chỉ trong 2 tuần, bộ phận cấp C/O của Bộ Công Thương tại TP HCM đã phải lưu 51 bao tải chứng từ bằng giấy. Thậm chí, giám đốc một DN đi công tác ở Thái Lan bỏ quên đồng hồ đeo tay. Khi nhờ khách sạn gửi về, vị giám đốc này không thể nhận tài sản vì theo quy định thì chiếc đồng hồ được coi là hàng đã qua sử dụng không được phép nhập khẩu vào Việt Nam...
Theo tính toán của USAID GIG, thủ tục quản lý XNK chỉ cần giảm 1 ngày, Việt Nam sẽ tiết kiệm được số tiền trung bình là 1,6 tỉ USD.
Ông Nguyễn Giang Tiến, đại diện Công ty CP Tiếp vận và Ngoại thương Việt, bức xúc: “Nếu đọc danh mục khai báo hóa chất của Bộ Công Thương, tôi bảo đảm ai cũng hoa mắt, chóng mặt rồi ngất vì phải trình 13 loại giấy tờ. Từ bằng đại học, chứng chỉ, giấy chứng nhận sức khỏe của lãnh đạo DN đến nhân viên vệ sinh công nghiệp. Như thế nhẹ cho cơ quan quản lý nhưng chết DN vì hóa chất là hàng nguy hiểm, đội chi phí rất lớn nếu chậm thông quan”.
Có thâm niên nhiều năm gỡ khó về thủ tục hành chính cho DN, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, phải thốt lên: “Đúng là những thông tin rất sốc. DN đang bị chèn ép tứ bề, chi phí kinh doanh quả thực là rất tốn kém”.
“Làm quản lý không hề dễ”
Trong khi đó, cơ quan quản lý dường như không thừa nhận đó là lỗi của mình. Bà Đặng Bình An cho biết nhiều cơ quan nhà nước than thở: “Chúng tôi đã làm đúng luật mà DN vẫn kêu”.
Ông Ngô Minh Hải, Phó Cục trưởng Cục Giám sát và Quản lý hải quan (Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính), trần tình vướng mắc của DN cũng chính là vướng mắc mà hải quan đang phải đối mặt. Liên quan đến lĩnh vực này có 19 luật chuyên ngành, 30 nghị định, 200 thông tư nên biết là ách tắc hàng hóa vẫn buộc phải tuân thủ, chờ gửi văn bản cấp trên xử lý.
Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng Phòng Quản lý thực phẩm Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế, nhận xét hệ thống văn bản pháp luật đang chồng chéo. Cán bộ công chức hiểu sai, làm sai cũng gây thiệt hại, cơ chế này còn khiến cán bộ thực thi ở cơ sở dễ hư. “Làm quản lý cũng không hề dễ” - ông Dũng than thở.
Với vai trò là đơn vị tư vấn, bà Đặng Bình An cho rằng các cơ quan quản lý phải lắng nghe DN, dù là việc nhỏ cũng phải cải cách mới hy vọng giảm được thời gian, chi phí cho DN. Hiện nay, danh mục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK quá nhiều và chưa quy định rõ. Cùng một mặt hàng nhưng có nhiều bộ quản lý, mỗi nơi yêu cầu một loại giấy tờ khác nhau, không chỉ định rõ cơ quan kiểm tra… khiến DN lúng túng. Ví dụ mặt hàng sữa do 3 bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Y tế quản lý do phân cấp theo nội dung quản lý về giá, thành phần và hàng hóa.
Tốn kém do thực hiện tùy tiện
Theo TS Nguyễn Đình Cung, nguyên nhân khiến thủ tục quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK của Việt Nam phức tạp, tốn kém là do khâu thực hiện rất tùy tiện, công chức tự ý đưa ra những yêu cầu không có trong quy định pháp luật. Để chấn chỉnh, cần có những người đứng đầu làm đúng phận sự, thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên và sẵn sàng kỷ luật những cá nhân sai phạm. |
Theo Tô Hà