Một loạt nhà băng cắt giảm lãi suất huy động
(Dân trí) - Một loạt ngân hàng vừa phát tín đi tín hiệu về một đợt cắt giảm lãi suất huy động VND trong bối cảnh thanh khoản dồi dào, lạm phát thấp.
Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) vừa thông báo việc giảm lãi suất huy động VND, với mức giảm thêm 0,2% so với đợt cắt giảm trước.
Cụ thể, mức lãi suất cao nhất tại Eximbank hiện 7,5%/năm cho kỳ hạn 13 tháng. Kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng có lãi suất tương ứng 4,5%/năm và 4,6%/năm. Các kỳ hạn 3 tháng đến 5 tháng cùng được hưởng lãi suất 4,8%/năm. Lãi suất 5,5%/năm dành cho các kỳ hạn 6 tháng đến 8 tháng.
Trước đó, DongABank đã đưa mức lãi suất huy động VND cao nhất về 6,6%/năm dành cho kỳ hạn 12 tháng. Các kỳ hạn 1 tháng đến 5 tháng còn được hưởng lãi suất 4,3%-5,2%/năm.
Theo biểu lãi suất mới của BacAbank từ 4/3, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1 tháng đến 5 tháng cùng có mức lãi suất 5,5%/năm; các kỳ hạn 6 tháng đến 8 tháng đều được hưởng lãi suất 6,65%/năm. Đặc biệt, mức lãi suất cao nhất tại đây còn 7,65%/năm lĩnh lãi cuối kỳ dành cho các kỳ hạn 15-36 tháng, giảm so với mức 7,9%/năm như trước.
Tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank), biểu lãi suất áp dụng từ ngày 2/3 vừa qua đã giảm 0,2-0,4%/năm ở một số kỳ hạn.
Biểu lãi suất huy động VND của Techcombank từ 4/3 thể hiện đúng “đường cong” lãi suất, tức lãi suất càng cao dần với những kỳ hạn càng dài. Lãi suất cao nhất 6,36%/năm được nhà băng này niêm yết cho kỳ hạn 24 tháng, lãi 4,4%/năm cho kỳ hạn 1 tháng, giảm nhẹ so với trước…
Theo khảo sát thị trường, qua các lần điều chỉnh trong năm 2014 và đầu 2015, chênh lệch lãi suất cạnh tranh giữa một số ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn vẫn giữ khá ổn định với khoảng 1,5%/năm, tùy kỳ hạn.
Việc nhà băng giảm lãi suất đầu vào sẽ tạo điều kiện cho lãi suất đầu ra giảm, từ đó góp phần hỗ trợ doanh nghiệp. Theo dự báo của giới chuyên gia, thời gian tới, thị trường có thể “đón” thêm những đợt cắt giảm lãi suất mạnh hơn.
Bởi lãi suất thường được các ngân hàng điều chỉnh theo tín hiệu của lạm phát. Số liệu do Tổng cục Thống kê cho hay, chỉ số giá tiêu dùng tháng 2/2015 giảm 0,05% so với tháng trước và là tháng thứ 4 liên tiếp đi xuống. Mức giảm này tạo nên giai đoạn có CPI giảm dài nhất kể từ năm 2004. Lạm phát cơ bản tháng 2/2015 so với cùng kỳ là 2,31%, giảm so với tháng trước đó.
Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong năm 2014, các ngân hàng thương mại đã nhiều lần điều chỉnh giảm lãi suất, đưa lãi suất huy động giảm 1,5-2%/năm, lãi suất cho vay giảm khoảng 2%/năm, đưa mặt bằng lãi suất thấp hơn mức lãi suất của giai đoạn 2005-2006. Mặc dù lãi suất huy động giảm sâu nhưng gửi tiết kiệm vẫn đang là kênh được nhiều người dân lựa chọn.
Trong bối cảnh lạm phát thấp, thanh khoản ngân hàng dôi dư, Ngân hàng Nhà nước cho hay sẽ duy trì ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm từ 1%/năm đến 1,5%/năm.
Tuần qua, bộ phận nghiên cứu của Ngân hàng HSBC cũng kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất trên thị trường mở (OMO) với khoảng 0,5%/năm.
Theo dự báo của HSBC, lạm phát toàn phần sẽ duy trì ở mức dưới 1% trong năm tháng tới. Lạm phát cơ bản (không tính đến giá thực phẩm và chi phí vận chuyển) vẫn ổn định và trong tháng 2 tăng nhẹ đạt mức 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái từ mức 2% trong tháng Giêng, vẫn là chỉ số tăng khá thấp. Chính vì vậy, lãi suất thực ở Việt Nam đang chuyển sang ngưỡng tích cực.
“Với mức lạm phát có khả năng xê dịch giữa 0% và 1% trong năm tháng tới, trước khi đạt mức tăng 2,8% so với năm ngoái vào cuối năm 2015, chúng ta xem xét tới khả năng NHNN cắt giảm lãi suất thêm”, HSBC cho hay.
Nguyễn Hiền