Một loạt “đại gia” Mỹ muốn thúc đẩy đầu tư vào Việt Nam
Một dự án trị giá 7 tỷ USD giữa Chevron và Petro Vietnam dự kiến đi tới thỏa thuận đầu tư trong tháng 9 này, Boeing cam kết hỗ trợ Vietnam Airlines mua thêm 7 máy bay vào 2015…
Đó là một số thông tin đáng chú ý từ buổi làm việc giữa Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia và Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN, diễn ra trong ngày 6/9.
“Khó khăn đã qua”
Trong khuôn khổ chương trình làm việc của đoàn doanh nghiệp cấp cao Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN tại Việt Nam từ 6 - 8/9/2011, nhằm tìm hiểu mục tiêu và các ưu tiên trong chính sách của Việt Nam sau khi bộ máy mới của Chính phủ đi vào hoạt động nhằm đẩy mạnh quan hệ đầu tư giữa Việt Nam và Mỹ, đoàn công tác này đã chọn Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia để thực hiện buổi đối thoại đầu tiên.
Tại đây, ông Lê Xuân Nghĩa, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, nếu như quý 1/2011, tăng trưởng kinh tế Việt Nam chỉ đạt 5,43%, dự trữ ngoại tệ ở mức thấp nhất với 3,5 tuần nhập khẩu, lạm phát tính theo tháng từ 2 - 3%/tháng, tỷ giá hối đoái biến động mạnh với 22.500 VND/USD thì từ tháng 5/2011, những khó khăn nói trên bắt đầu dừng lại.
Theo đó, tỷ giá ổn định, dự trữ ngoại tệ tăng từ 7,5 tỷ USD lên khoảng 15 tỷ USD, xuất hiện thặng dư thương mại ở một số tháng, lạm phát tính theo tháng giảm từ 3%/tháng xuống dưới 1%/tháng kể từ tháng 6, 7, 8/2011.
Đặc biệt, lãi suất bắt đầu giảm, trong đó lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh, mặc dù Chính phủ vẫn kiên trì thắt chặt tiền tệ và tài khóa. “Thời điểm này, có thể nói là giai đoạn khó khăn nhất của kinh tế Việt Nam đã qua”, ông Nghĩa nói với đoàn doanh nghiệp Mỹ.
Tuy nhiên, khi dự báo tình hình thời gian tới, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng chỉ đưa ra những con số rất khiêm tốn so với dự báo của Chính phủ trước đây. Cụ thể, năm 2011, tăng trưởng GDP khoảng 5,8% và năm 2012 là 6,5%; chỉ số CPI ước 19% nhưng nếu loại bỏ giá lương thực phẩm và xăng dầu thì chỉ 13%. Năm 2012, CPI được dự báo 9%, nếu loại trừ giá lương thực phẩm và xăng dầu thì còn khoảng 6%.
Ngoài ra, thâm hụt vãng lai (%/GDP) năm 2011 là 7% và 2012 là 8%; thâm hụt ngân sách năm 2011 là 5,1% và 2012 là 4,9%; dự trữ ngoại tệ được nâng từ 8 tuần nhập khẩu của năm 2011 lên 10 tuần nhập khẩu của 2012; tỷ lệ đầu tư tính theo GDP năm 2011 là 37% và 2012 là 38%.
Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, năm 2012, nếu GDP tăng trưởng 6,5% thì đó là mức thấp so với tiềm năng nhưng phù hợp với diễn biến phức tạp của kinh tế thế giới và chính sách tài khóa, tiền tệ khắc khổ của Việt Nam trong thời gian tới.
Thách thức phía trước
Nói về thách thức của kinh tế Việt Nam trong 18 tháng tới, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia đưa ra 4 thách thức.
Một là, GDP có thể tăng thấp hơn dự kiến, nếu có tác động suy thoái kép của kinh tế thế giới, dù điều này khó xảy ra.
Hai là, áp lực đối với tỷ giá hối đoái vẫn cao, bởi lẽ: cán cân vãng lai tiếp tục thâm hụt sau 4 năm liên tiếp, tỷ giá hối đoái có thể biến động xấu vì tỷ lệ lạm phát của Việt Nam so với Mỹ vẫn còn rất cao, kể cả trong điều kiện năm 2011 và 2012, Việt Nam có thể thặng dư cán cân thanh toán tổng thể.
Ba là, nếu kinh tế thế giới phục hồi chậm như dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thì giá vàng tiếp tục tăng và giá tài sản Việt Nam sẽ giảm sút. Một năm qua, giá bất động sản Việt Nam đã giảm 30%, thị trường chứng khoán giảm 50%.
Chưa kể, một số thách thức khác từ hệ thống tài chính đang xuất hiện nặng nề thêm: nợ xấu hệ thống ngân hàng tăng từ 2,1% của 2010 lên 3,1% của 2011 và thời gian tới, không loại trừ một số ngân hàng nhỏ gặp sốc thanh khoản.
Bên cạnh đó, Việt Nam có thể gặp một số cú sốc về cầu hàng hóa, nhất là đối với giá lương thực phẩm.
Lo ngại cuối cùng là dự trữ ngoại tệ Việt Nam không tăng nhanh như mong muốn và điều này dẫn tới khả năng thanh toán nhanh những khoản nợ ngắn hạn bị giảm đi do tỷ lệ dự trữ ngoại tệ so với nợ ngân hàng giảm sút.
Tuy nhiên, ông Nghĩa cũng trấn an các doanh nghiệp Mỹ rằng, Chính phủ Việt Nam đang áp dụng một số chính sách mạnh mẽ áp dụng cho năm nay, năm sau và đó là cơ sở để hy vọng rằng, tình hình đầu tư của doanh nghiệp Mỹ vào Việt Nam khởi sắc hơn.
Cụ thể, trong các văn kiện của Chính phủ gần đây không chú trọng nhiều đến tăng trưởng, mà chủ yếu đề cập tới ổn định kinh tế vĩ mô và sự nhất quán này kéo dài ít nhất hết 2012.
Cùng đó, Chính phủ tiếp tục chương trình tái cấu trúc lại khu vực tài chính với mục tiêu làm sạch bảng cân đối của các ngân hàng thương mại và áp dụng các chuẩn mực kế toán đúng theo thông lệ quốc tế.
Tiếp theo, Chính phủ cũng tái cấu trúc lại các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước theo hướng cổ phần hóa. Đến nay, các tập đoàn lớn đều đã nhận được những chỉ đạo ráo riết của Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch cổ phần hóa. Trước mắt, Việt Nam đã cổ phần hóa xong Petrolimex, tiếp theo là Vietnam Airlines và các doanh nghiệp lớn trong ngành viễn thông. Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cũng kiến nghị Chính phủ mở rộng “room” cho nhà đầu tư nước ngoài khi mua cổ phần các doanh nghiệp lớn của nhà nước, kể cả trong ngành ngân hàng.
Song song, Chính phủ cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ cải cách thủ tục hành chính.
Doanh nghiệp Mỹ nói gì?
Ông Alexander C. Feldman, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN cho rằng, các doanh nghiệp Mỹ rất quan tâm tới thị trường Việt Nam, nhất là khi tình hình kinh tế vĩ mô Việt Nam đang có dấu hiệu tốt lên.
Vì thế, tại buổi làm việc này, Hội đồng đã mời khá nhiều đại diện lớn đến từ các lĩnh vực dầu khí, chế tạo, hóa chất, tài chính, công nghệ thông tin như ACE, Chevron, Cocacola, Ford Motor, IBM, Google, Boeing...
Ông Alexander C. Feldman cũng hy vọng rằng, Việt Nam sẽ giải quyết thành công những thách thức trong thời gian tới để các doanh nghiệp Mỹ tiếp cận sâu hơn với thị trường.
Theo tinh thần này, đại diện Chevron cho biết, họ đang triển khai dự án điện khí gồm 3 cấu phần với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) với tổng giá trị đầu tư 7 tỷ USD, trong đó 4 tỷ USD từ các nhà đầu tư nước ngoài (Chevron đóng góp 2 tỷ USD), phần còn lại do Việt Nam đảm nhiệm. Dự án sẽ triển khai 400 km đường ống dẫn, 3 nhà máy phát điện khí.
Với mong muốn dự án đi vào hoạt động vào 2015, Chevron đang xúc tiến cùng Petro Vietnam để cuối tháng 9/2011, sẽ có được thỏa thuận đầu tư giữa hai bên, tất nhiên, Chevron rất mong muốn sự ủng hộ mạnh mẽ của Chính phủ để thống nhất được cơ chế giá khí.
Đại diện Chevron khẳng định, khi đi vào hoạt động, ngoài ý nghĩa bổ sung nguồn năng lượng điện rất lớn cho hệ thống lưới điện quốc gia và mang lại tổng doanh thu có được trong suốt vòng đời dự án ước khoảng 14 tỷ USD, đã bao gồm tiền bán khí và thu thuế thì dự án còn góp phần tiết kiệm được khoảng 1 tỷ USD do tránh được khả năng phải nhập khẩu than để phát điện.
Một tên tuổi khác là hãng Mastercard lại khẳng định mong muốn hợp tác chặt chẽ với Việt Nam trong lĩnh vực thanh toán điện tử và xây dựng ngành thanh toán điện tử chuyên nghiệp.
Đặc biệt, đại diện đến từ hãng máy bay Boeing nhấn mạnh: từ nay đến 2015, hãng sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam các khoản vay để mua thêm 7 máy bay bổ sung vào đội máy bay của Việt Nam.
Ông này cũng đề cập tới một sáng kiến có thể hỗ trợ Việt Nam trong quá trình thanh toán các đơn hàng lớn khi mua máy bay là tham gia vào “sáng kiến của các nhà tài chính” tại Nam Phi. Theo đó, nếu Việt Nam gia nhập và phê chuẩn thỏa thuận của sáng kiến này cùng các nhà tài chính thế giới thì ngay lập tức, có thể có ngay trong tay khoảng 25 tỷ USD để Vietnam Airlines thực hiện các đơn hàng mua máy bay trong tổng số 50 tỷ USD theo suốt thời gian tham gia thỏa thuận. “Tôi rất mong muốn Chính phủ Việt Nam xem xét và tham gia sáng kiến này”, đại diện đến từ Boeing nói.
Theo Nguyễn Hoài
VnEconomy