Một làng 600 tỷ phú: Chỉ trúng 1 vụ chia nhau hàng ngàn tỷ
Gần 600 nông dân chia nhau 1.200 tỷ mỗi năm, các hộ trồng vải ở Lục Ngạn cũng chia nhau vài ngàn tỷ hay như dân làng hàng ngàn hộ dân thành tỷ phú ở Đô Thành nhờ đi buôn,... là những hình ảnh làng quê Việt nổi lên trong năm 2018.
Nông dân chia nhau hàng ngàn tỷ
Năm 2018, nhiều nơi nông dân vẫn ngậm đắng nuốt cay khi nông sản bế tắc đầu ra, giá rớt thảm, thậm chí phải kêu gọi giải cứu. Thế nhưng, với người trồng vải thiều ở Lục Ngạn (Bắc Giang), câu chuyện được mùa rớt giá không phải còn là nỗi lo, bởi năm nay cây vải được mùa được cả giá.
Theo thông tin từ tỉnh Bắc Giang, giá vải bình quân đạt 16.000 đồng/kg, cuối vụ là 35.000-45.000 đồng/kg. Kết thúc vụ vải 2018, Bắc Giang xuất bán 215 ngàn tấn vải thiều và thu về gần 5.800 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ vải đạt khoảng 3.500 tỷ, còn lại là từ các ngành dịch vụ phụ trợ.
Để có những vùng quê ngàn tỷ, đồng thời giải được bài toán “được mùa mất giá” cách đây hơn 10 năm dân trồng vải từng nếm trải, từ năm 2007, người dân Lục Ngạn bắt đầu đi vào sản xuất chuyên nghiệp, đẩy mạnh làm thương hiệu. Đó như là cuộc cách mạng làm lại từ đầu của cây vải Lục Ngạn. Kết quả, ngày nay, Lục Ngạn trở thành vùng cây ăn quả lớn nhất miền Bắc. Cuộc sống nơi đây cũng đổi thay, không còn cảnh nghèo đói, người trồng vải xây được nhà lầu, sắm được ô tô, trở thành những nông dân tỷ phú.Đáng chú ý, huyện Lục Ngạn nổi lên là thủ phủ cây ăn quả (trong đó vải thiều là chủ lực) của Bắc Giang, cho doanh thu lên tới hơn 3.000 tỷ đồng mỗi năm.
Khác với Lục Ngạn, ở cao nguyên xanh Mộc Châu (Sơn La) cũng có vùng quê tỷ phú nhưng nhờ vào nghề chăn nuôi bò sữa.
Thoáng nghe qua, sẽ có người hoài nghi, song khi nghe những người nông dân chăn bò cần cù chịu khó kể về chuyện ngày 2 lần chở sữa bò đi bán để đến cuối tháng thu hàng tỷ đồng về mới thấy vì sao họ thành những tỷ phú nông dân.
Ông Phạm Hải Nam - đại diện Mộc Châu Milk tại thị trấn Nông trường Mộc Châu, cho biết, ở Nông trường hiện có 570 hộ dân chăn nuôi bò sữa và có ký hợp đồng bán sữa cho công ty.
Tổng đàn bò sữa mà các hộ dân nuôi khoảng 24.000 con. Lượng sữa vắt ra để bán cho doanh nghiệp sữa lên tới 85.000 tấn mỗi năm, giá trị ước khoảng hơn 1.200 tỷ đồng. Đó là chưa kể hàng trăm tỷ đồng mỗi năm công ty chi ra để thưởng cho các hộ dân làm tốt, sữa có chất lượng đạt chuẩn.
Ở thị trấn Nông trường Mộc Châu, hộ nuôi ít vài chục con, hộ nuôi nhiều trên 100 con, có một số hộ nuôi với quy mô lên tới 200 con bò sữa. Thế nên, thu nhập các hộ cũng tuỳ thuộc vào số lượng bò mà mình nuôi. Tuy nhiên, hộ nuôi ít cũng được lãi được vài chục triệu, còn hộ nuôi lãi tiền tỷ, thậm chí những hộ nuôi gần 200 con mỗi năm còn thu lãi tới vài tỷ từ nuôi bò. Còn tính giá trị đàn bò thì gia đình nào cũng sở hữu tiền tỷ, bởi giá trị của một con bò sữa rất lớn.
Gần 600 nông dân nuôi bò sữa ở trên Mộc Châu ôm 1.200 tỷ chia nhau mỗi năm
Cả xã thành tỷ phú
Không chọn làm nông nghiệp như người nông dân ở quê vải Lục Ngạn, như người nông dân chăn bò ở Mộc Châu, người dân thôn Minh Khai (Văn Lâm, Hưng Yên) chọn cách “sống chung với rác” để trở thành làng tỷ phú.
Tỷ phú nhờ... rác có tin được không? Chắc chắn không ít người sẽ nghĩ đó chỉ là nói khoác vì rác vốn là thứ bỏ đi, còn nếu buôn bán cũng chỉ là nhặt nhạnh vài đồng bạc lẻ. Song, đi một vòng quanh ngôi làng này sẽ thấy được quy mô buôn rác của người dân lớn cỡ nào khi rác len khắp đường cùng ngõ hẻm, chiếm hết mọi không gian lớn nhỏ với đủ thể loại từ túi nylon, ống nhựa, đồng nát, sắt thép phế liệu, cao su thải loại, chai lọ thủy tinh,... Nhiều nhất trong số rác ở đây vẫn là túi nylon và đồ nhựa thải loại.
Theo người dân Minh Khai, không chỉ dừng lại ở quy mô tập trung rác thải “quốc gia”, thôn Minh Khai còn là địa phương “nhập siêu” rác lớn nhất cả nước. Những kiện hàng được ép vuông vức, mỗi kiện cả mấy mét khối, chất cao hơn nhà tầng kế bên các xưởng tái chế nhựa với đủ dòng “mác rác nhập khẩu” từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Nhờ buôn rác mà hàng loạt gia đình đã giàu lên nhanh chóng. Rác chất cao bao nhiêu, nhà cao tầng mọc lên nhiều bấy nhiêu. Làng đồng nát giờ thành làng tỷ phú.
Xã Đô thành có cả 1.000 tỷ phú nhờ xuất ngoại đi Tây làm ăn
Khác với hình ảnh sống chung với rác ở làng tỷ phú Minh Khai, tại xã tỷ phú Đô Thành (Yên Thành, Nghệ An), người ta lại thấy hình ảnh nhà lầu, biệt thự mọc lên như nấm sau mưa, nhà nhà mua sắm xe máy, mua ô tô,... Theo đó, vùng quê nghèo Đô Thành trước kia bỗng sầm uất, náo nhiệt lạ kỳ, được ví von là xã có 1.000 tỷ phú.
Theo người dân trong xã, trước kia xã có nghề làm mộc, nhưng đến đầu thập niên 90, thị trường bão hoà, nghề mộc dần thất thế. Trong lúc khó khăn, người dân Đô Thành tìm được cách làm ăn mới... đó là xuất ngoại đi Tây.
Ông Nguyễn Xuân Dục (SN 1947, trú xóm Phúc Vinh) có cháu đang làm ăn tại Đức, cho biết, thời kỳ đầu chỉ có ít người nhạy bén tìm đường sang các nước châu Âu như Đức, Anh, Nga, Ba Lan,... Người sang trước làm ăn rồi về đưa gia đình, họ hàng theo sau. Cứ như thế, người dân Đô Thành kéo nhau sang Tây lập nghiệp, có gia đình 3-4 người con cùng xuất ngoại làm đủ mọi nghề, từ cửu vạn, công nhân, buôn bán, spa,... Cứ có nghề nào kiếm ra tiền là làm.
Ông Nguyễn Văn Hà - Chủ tịch UBND xã Đô Thành, cho hay, hiện toàn xã có gần 9.000 người trong độ tuổi lao động, trong đó 1.450 người đang làm việc ở các nước châu Âu; 1.047 người đi làm việc, buôn bán tại Lào; 439 người đang làm việc tại các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,...
“Nhờ số tiền con em làm ăn xa gửi về mà Đô Thành ngày càng thay da đổi thịt. Toàn xã có hơn 4.000 hộ thì 3/4 trong số đó có nhà 2 tầng trở lên. Hàng trăm hộ có xe ô tô, biệt thự”, ông Hà nói.
Mỗi người một nghề, mỗi người chọn một lựa chọn khác nhau,... nhưng đã có nhiều vùng quê trở thành làng tỷ phú, xã tỷ phú, có những người nông dân nhờ vào nghề nông mà thu được tiền tỷ, thoát cảnh đói nghèo nhờ kiên trì, bền bỉ, giám làm và dám thay đổi.