Tổng Giám đốc Vinamit:

Một lần vấp ngã là một lần “sáng” ra

(Dân trí) - Mê âm nhạc và yêu những gì thuộc về khoa học xã hội nhưng lại tréo ngoe gắn với kinh doanh và trở thành doanh nhân thực thụ - Nguyễn Lâm Viên, Tổng Giám đốc Công ty Vinamit - một thương hiệu nông sản Việt nổi tiếng cả thị trường trong nước và thế giới.

Thế nhưng, đằng sau sự thành công ấy là cả một cuộc đời như anh thổ lộ: “ Có lúc trắng tay, nợ nần chồng chất và từng đứng bên bờ tuyệt vọng”.

Anh đã bắt đầu lại như thế nào?

Một lần cháy xưởng lông vũ bên cạnh lan sang cháy luôn tổ hợp mây tre lá Đồng Tâm của tôi. Một lần khi tôi liên doanh với một đơn vị nhà nước thành lập công ty chế biến nông sản. Kinh doanh phát triển, họ “tách” tôi ra.

Tôi ra đi với hành trang nhẹ tênh, nỗi buồn nặng trĩu. Rồi tôi mở công ty riêng, 23 container sản phẩm xuất khẩu bị trả về do không đạt chất lượng. Tôi gần như phá sản. Lúc đó tiền hết, nhưng được bạn bè, người thân động viên.

5 tố chất để khởi sự một doanh nghiệp:
+ Xác định mục tiêu
+ Biết sáng tạo cái mới
+ Ý chí
+ Có tố chất lãnh đạo
+ Khả năng phân tích thông tin, định hướng kinh doanh.

Phải biết sống với thất bại để tìm hiểu cái sai. Trong kinh doanh, phải loại ra yếu tố kích động và tâm lý. Doanh nhân là người phân tích thông tin và ra quyết định.

Tôi thiết nghĩ, mình đã có nghề trong tay, có thị trường, có đam mê kinh doanh… thì không lý do gì phải chồn chân. Nhiều đêm trằn trọc, nhìn lại con đường đã qua và con đường mình đang đi là đúng, tôi quyết tâm làm lại dù phải bắt đầu từ xuất phát điểm thấp nhất. Sau một năm nghiên cứu thị trường, tôi “tái xuất giang hồ” bằng việc gây dựng 3 cơ sở sản xuất mới ở Bình Dương, An Phú Đông, Thủ Đức.

“Một lần vấp ngã là một lần bớt dại”. Anh đã rút ra được bài học gì từ những lần “dại” đó?

Thiệt thòi của tôi cũng như những doanh nhân cùng thời là không được đào tạo bài bản, cũng không có kinh nghiệm của người đi trước. Tôi chưa từng được học quản trị, kĩ năng kinh doanh, mà tự mày mò, vấp ngã đến đâu thì rút kinh nghiệm đến đó nên tổn thất cho sự trải nghiệm là rất lớn. Một sai lầm nữa của tôi là cả nể, đặt tình cảm lên trên công việc, đưa người thân vào nắm giữ những vị trí chủ chốt trong quản lý.

Theo anh, đâu là 5 tố chất hàng đầu nào để một người trẻ tuổi có thể khởi sự một doanh nghiệp?

Là doanh nghiệp thì phải biết đón đầu những nhu cầu của xã hội. Biết nắm bắt thời cơ và phải tạo tính cách riêng. Doanh nhân có tính cách thì thương hiệu anh ta mới có bản sắc.

Còn bạn trẻ, muốn khởi sự một doanh nghiệp cần 5 tố chất sau:

Thứ nhất, xác định mục tiêu làm doanh nghiệp. Nếu xác định làm doanh nghiệp để làm giàu thì bạn đã sai lầm.

Thứ hai, phải biết sáng tạo cái mới, khác biệt. Phải có tính đột phá. Biến đổi những cái bình thường mà các bạn đang làm, đang học thành cái gì riêng để tạo bùng nổ, mới lạ.

Ngày xưa tôi không chấp nhận việc trái cây chỉ để ăn tươi và tôi nghĩ đến việc chế biến trái cây. Ý tưởng đó đến nay người ta mới cho là đúng, còn lúc đó nhiều người nói: “Thằng này khùng!”.

Thứ ba, là ý chí. Bạn có đủ ý chí chưa? Nếu doanh nghiệp của bạn luôn lỗ vốn trong 5 năm đầu, bạn có đủ nghị lực để vượt qua không?

Thứ tư, bạn phải có tố chất lãnh đạo, khả năng tập hợp đồng nghiệp, cộng sự. Đã có lúc tôi làm ông chủ rồi trở về trắng tay, động lực thúc đẩy tôi đứng dậy chính là niềm tin của nhân viên đối với mình. Họ khuyên tôi làm lại, sẵn sàng đi cùng tôi mà chưa nhận đồng lương nào.

Tuổi trẻ các bạn có nhiều cơ hội, nhưng cũng bị lắm kích động. Phải bình tĩnh trước sự tăng trưởng đột biến của xã hội Việt Nam để định vị con đường mình đi. Nếu bắt được luồng tăng trưởng đó thì bạn đi một cách dễ dàng. Nhưng làm sao để đi vào con đường đó thì cần yếu tố thứ năm là:

Khả năng phân tích thông tin, dữ liệu xã hội, ngành nghề cho tốt để từ đó chọn hướng khởi sự doanh nghiệp. Dùng kiến thức tổng hợp trong nhà trường, xung quanh cuộc sống để phân tích. Nếu không đúng con đường, thời điểm thì cũng không nên cứng nhắc bởi còn rất nhiều cơ hội. Hiện nay, thế giới mới biến động có 20 lần, cơ hội dành cho bạn còn 80 lần nữa.

Anh cho rằng: yếu tố để bạn trẻ khởi nghiệp là sáng tạo.  Chúng ta sáng tạo bằng cách nào, thưa anh?

Sáng tạo gồm phát minh sáng tạo và biến đổi sáng tạo. Nếu lớp trẻ không có sự sáng tạo thì không nên làm doanh nhân. Muốn thành công phải có khác biệt, nhưng không có sáng tạo thì không có sự khác biệt và chỉ làm theo người ta thì anh chỉ có thất bại.

Trong nhà trường, trong sách vở không dạy môn sáng tạo. Dùng kiến thức căn bản trong nhà trường kết hợp với những gì học được trong công ty, đồng nghiệp để vận dụng sáng tạo. Học từ những ý tưởng sáng tạo nhỏ đến sáng tạo lớn.

Chiếc máy điện thoại với chức năng nói và nghe làm sao biến thành công cụ tiện ích để gửi tiền, rút tiền tự động, thanh toán tiền điện, nước, thực hiện mọi giao dịch qua điện thoại. Để anh làm việc trên Thành phố mà nhìn thấy mẹ ở quê…

Phải có tâm huyết, ý chí đeo đuổi để biến đổi sáng tạo không ngừng. Đồng thời giữ cho cái tâm được thỏa mái. Đừng để ràng buộc bởi tình cảm, xã hội, công luận thì sự sáng tạo sẽ bị mai một.

Đừng ráng học để theo ai đó mà học để làm được cái gì đó trong tương lai. Nếu làm được như vậy, tôi tin chắc bạn sẽ thành công.

Những yếu tố căn bản để doanh nghiệp Việt Nam hội nhập vào sân chơi WTO là gì?

Phải chuẩn bị liền một văn hóa hội nhập. Văn hóa mà các bạn đang có là văn hóa Việt Nam. Hội nhập nhưng phải giữ được văn hóa, bản sắc dân tộc mình. Từ thất bại, tôi nhận ra điều quan trọng là phải hiểu thật kỹ thị trường nước ngoài mà mình muốn đến, nhất là ngôn ngữ, luật pháp và “luật làm ăn” của họ.

Xin cám ơn anh!

Vinamit có mặt trên thị trường 12 nước như Mĩ, Trung Quốc, Nhật Bản…Từ nguyên liệu: Mít, chuối, khoai, đu đủ… qua công nghệ sấy khô trong điều kiện chân không, đảo nhiệt thăng hoa cho ra đời sản phẩm khô giòn, màu sắc, mùi vị tự nhiên. Cung cấp dinh dưỡng, chất xơ cần thiết để chống ung thư, tiểu đường.

Sản phẩm không pha trộn chất hóa học, hàm lượng béo rất thấp, không chứa chất cholesteron, phù hợp xu hướng ẩm thực thế giới. Trên 25 sản phẩm hoàn chỉnh và 70% sản lượng dành xuất khẩu. Vinamit không những đem lại thu nhập ổn định cho hơn 600 công nhân viên và 3000 công nhân thời vụ mà còn đưa hình ảnh “cây nhà lá vườn” Việt Nam “vươn ra biển lớn”.

Vinamit là một trong số 18 doanh nghiệp được nhận giải thưởng Hàng nông lâm sản Việt Nam chất lượng cao và uy tín thương mại lần thứ I do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn tổ chức đầu tháng 2/2007.

Ngô Công Quang
Chuyên san Trí Tri