1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Một doanh nghiệp nghi bị “giật” hơn 2,2 tỷ đồng tiền mua găng tay

(Dân trí) - Công ty JL Pak Solutions ký hợp đồng mua hơn 2,2 tỷ đồng tiền găng tay Nitrile không bột với Công ty Đặng Nam. Tuy nhiên, khi nhận hàng lại là những loại găng tay khác.

Một doanh nghiệp nghi bị “giật” hơn 2,2 tỷ đồng tiền mua găng tay - 1

Găng tay Nitrile không bột đạt tiêu chuẩn.

Bà Jennifer Lye Choy Sim, Giám đốc Công ty JL Pak Solutions Pte Ltd (Singapore) vừa gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng về việc Công ty CP Tập đoàn Tài chính Đặng Nam (Công ty Đặng Nam) đã có hành vi lừa đảo khách hàng.

Theo bà Jennifer Lye Choy Sim, ngày 23/7/2020, công ty bà và Công ty Đặng Nam đã ký hợp đồng mua bán găng tay Nitrile không bột để xuất khẩu sang Mỹ. Số lượng là 1.422 thùng. Số tiền hàng hóa đã thanh toán đầy đủ là 96.700 USD (hơn 2,2 tỷ đồng).

Tuy nhiên, khi hàng đến Mỹ thì khách hàng của Công ty JL Pak Solutions đã phát hiện bên trong lô hàng chỉ có 1.381 thùng. Tất cả đều là găng tay Latex và các loại găng tay cao su màu vàng, không đúng chủng loại sản phẩm mà phía Công ty JL Pak Solutions đặt mua theo hợp đồng.

Một doanh nghiệp nghi bị “giật” hơn 2,2 tỷ đồng tiền mua găng tay - 2

Công ty JL Pak Solutions phát hiện lô hàng chỉ là găng tay Latex và các loại găng tay cao su màu vàng, không đúng chủng loại sản phẩm.

“Khi khách hàng phản ánh, chúng tôi ngay lập tức gửi email đến Công ty Đặng Nam để yêu cầu họ trả lời trong vòng 2 ngày. Tuy nhiên, chúng tôi gửi email nhiều lần và hàng ngày gọi điện cho Công ty Đặng Nam nhưng vẫn không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ phía đại diện công ty”, bà Jennifer Lye Choy Sim nêu rõ.

Theo bà Jennifer Lye Choy Sim, công ty bà cũng đã thông báo cho Công ty Đặng Nam về việc sẽ gửi báo cáo cho Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) và Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam. Tuy nhiên, Công ty Đặng Nam cũng không có bất kỳ phản hồi nào.

Đại diện Công ty JL Pak Solutions cho biết, doanh nghiệp này chỉ là một doanh nghiệp nhỏ nên số tiền hàng hóa nói trên đối với công ty là rất lớn.

Doanh nghiệp mong muốn được trả lại lô hàng cho Công ty Đặng Nam để được hoàn lại số tiền hàng hóa cũng như chi phí nhập khẩu, vận chuyển hàng hóa, phí tái xuất và chi phí xác minh, kiểm định hàng hóa (SGS). Tổng chi phí dự kiến mà Công ty JL Pak Solutions muốn hoàn trả là gần 108.000 USD (gần 2,5 tỷ đồng).

Một doanh nghiệp nghi bị “giật” hơn 2,2 tỷ đồng tiền mua găng tay - 3

Lô hàng do Công ty Đặng Nam cung cấp không đúng như cam kết trong hợp đồng.

Ông Đặng Hồng Nam, Giám đốc Công ty Đặng Nam xác nhận, ông chính là chủ của nhà máy Vina Face Mask Miền Nam chuyên sản xuất găng tay, khẩu trang. Ông cũng không rõ việc có ký hợp đồng với Công ty JL Pak Solutions hay không.

Tuy nhiên, khi giao hàng cho đối tác thì Công ty Đặng Nam thường thực hiện theo quy trình và khách hàng được kiểm tra hàng trước khi xuất kho.

“Khi chúng tôi giao hàng, khách hàng sẽ đến kiểm tra. Nếu khách hàng không có ý kiến thì ký vào biên bản thanh lý hợp đồng, khi đó hàng mới xuất đi. Đâu phải tự nhiên mà hàng đi được đâu. Khách hàng được quyền kiểm tra và đồng ý thì hàng mới đi”, ông Nam nói.

Theo ông Nam, nếu khách hàng không đồng ý thì có thể đổi trả hàng trong vòng 90 ngày. Ông Nam đề nghị phía Công ty JL Pak Solutions liên hệ với Công ty Đặng Nam để làm việc.

Tuy nhiên, bà Jennifer Lye Choy Sim khẳng định, công ty bà đã cố gắng liên lạc với Công ty Đặng Nam nhiều lần nhưng bất thành.

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) chia sẻ, việc một doanh nghiệp giao hàng cho một doanh nghiệp khác không đúng với chất lượng cam kết trong hợp đồng không thuộc thẩm quyền của lực lượng quản lý thị trường.

Tuy nhiên, khi tiếp nhận thông tin của Dân trí, QLTT sẽ có thẩm quyền tìm hiểu chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

“Đây có thể là căn cứ để chúng tôi tìm hiểu, điều tra một vụ việc khác liên quan. Thời gian qua thì thị trường găng tay, khẩu trang rất là bát nháo. Các doanh nghiệp làm giả hàng hóa của nhau rất nhiều nên cần tìm hiểu kỹ lưỡng”, đại diện Tổng cục QLTT nói.

Theo Tổng cục QLTT, vào tháng 8/2020, Cục Nghiệp vụ QLTT (Tổng cục QLTT) phối hợp với Cục QLTT TPHCM đã phát hiện nhà máy Vina Face Mask Miền Nam của Công ty Đặng Nam tại số 151/105 Liên khu 4 - 5 (phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân) đang chứa trữ găng tay, khẩu trang các loại. Tuy nhiên, toàn bộ hàng hóa bên trong nhà máy đều không ghi đúng nơi sản xuất, chưa xuất trình đủ hồ sơ, chứng từ có liên quan đến hàng hóa.

Chính vì vậy, lực lượng QLTT đã tiến hành tạm giữ hơn 787.000 cái khẩu trang và hơn 260.000 chiếc găng tay.

Lực lượng chức năng cũng phát hiện nhà máy Vina Face Mask Tân Phú (14/11E Tân Kỳ Tân Quý, phường Sơn Kỳ, quận Tân Phú) của Công ty Đặng Nam sản xuất khẩu trang y tế nhưng không xuất trình đầy đủ hồ sơ, chứng từ liên quan đến việc sản xuất khẩu trang, vi phạm về nhãn hàng hóa. QLTT đã tạm giữ gần 2,2 triệu chiếc khẩu trang và nhiều hàng hóa khác.

Một doanh nghiệp nghi bị “giật” hơn 2,2 tỷ đồng tiền mua găng tay - 4

Ông Nam từng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vũng Tàu mời đến làm việc do liên quan đến một vụ việc “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Được biết, ông Đặng Hồng Nam cũng chính là Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển bất động sản Sago (quận Tân Bình, TPHCM). Ông Nam từng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Vũng Tàu mời đến làm việc do liên quan đến một vụ việc “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” vào tháng 5/2020.

Đại Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm