1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Một công ty "họ" Vingroup gây choáng váng với giá cổ phiếu cao chót vót

Mai Chi

(Dân trí) - Cổ phiếu VEF của Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam - một công ty con của Vingroup - vừa có pha leo dốc ngoạn mục lên 232.000 đồng/cổ phiếu, thuộc top thị giá cao nhất thị trường.

Một công ty họ Vingroup gây choáng váng với giá cổ phiếu cao chót vót - 1

Phương án quy hoạch kiến trúc Dự án Trung tâm Hội chợ triển lãm quốc gia - quốc tế mới tại Đông Anh, Hà Nội (Ảnh: VEF).

Cổ phiếu liên tục phá đỉnh

Thị trường chứng khoán trong những phiên gần đây diễn biến giằng co và không kém phần gay cấn. Trước ngưỡng 1.400 điểm, chỉ số VN-Index rung lắc rất mạnh, những nhịp điều chỉnh liên tục xuất hiện và khiến các cổ phiếu có đà tăng tốt (không chỉ trên sàn HSX mà còn ở HNX và UPCoM) đều bị chốt lời ngắn hạn.

Thế nhưng, cổ phiếu VEF của Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam dường như lại "miễn nhiễm" với biến động của thị trường chung trong suốt hơn một tuần nay. Mã này đang có chuỗi tăng rất ấn tượng, không ngừng nghỉ kể từ phiên 19/10.

Đặc biệt, trong hai phiên 25 và 26/10, VEF bật tăng mạnh mẽ. Cụ thể, phiên 25/10, cổ phiếu VEF đã tăng tới 22.300 đồng, tương ứng 11,8% và hôm nay (26/10) tiếp tục tăng thêm 13,4% tương ứng 27.400 đồng. Theo đó, VEF hiện đã lọt vào nhóm có thị giá cao nhất toàn thị trường với mức giá đóng cửa ngày 26/10 là 232.000 đồng/cổ phiếu. Đây cũng là mức giá cao nhất lịch sử niêm yết của mã cổ phiếu này tính cho đến nay.

VEF tăng gần 27,5% trong vòng một tuần giao dịch và đã tăng tới 171% kể từ đầu năm đến nay. Tính ra, so với thời điểm đầu năm, mỗi cổ phiếu VEF đã tăng giá 146.400 đồng.

Hiện tại, trên toàn thị trường chỉ có 4 mã cổ phiếu có thị giá cao trên 200.000 đồng. Cụ thể, sàn HSX, VCF có thị giá cao nhất với mức giá 254.800 đồng; trên HNX là THD với mức giá 229.200 đồng; WCS với mức giá 204.800 đồng; trên UPCoM chỉ có VEF với mức giá 232.000 đồng.

Theo báo cáo tài chính bán niên của Vingroup, tập đoàn này đang nắm 87,97% tỷ lệ biểu quyết tại Hội chợ Triển lãm Việt Nam và tỷ lệ lợi ích của Vingroup ở đây là 86,74%.

Một công ty họ Vingroup gây choáng váng với giá cổ phiếu cao chót vót - 2

Diễn biến giá cổ phiếu VEF trong nửa năm trở lại đây (Ảnh chụp màn hình).

Lãi tăng nhanh nhờ hoạt động tài chính

Mới đây, Hội chợ Triển lãm Việt Nam đã công bố báo cáo tài chính quý III với doanh thu cung cấp dịch vụ tăng gần 2,5 lần cùng kỳ nhưng con số tuyệt đối rất khiêm tốn, chỉ đạt 247 triệu đồng.

Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính của doanh nghiệp này lại lên tới 117 tỷ đồng, tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ. Qua đó, đưa doanh thu hoạt động tài chính trong 9 tháng lên 288 tỷ đồng, tăng 2,5 lần so với cùng kỳ.

Nhờ khoản thu từ hoạt động tài chính, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (sau khi khấu trừ các chi phí) trong quý III của Hội chợ Triển lãm Việt Nam đạt 112 tỷ đồng, tăng gần 1,8 lần so với cùng kỳ.

Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế trong kỳ cũng đạt gần 112 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế 89,5 tỷ đồng; lần lượt tăng 1,8 lần và 1,6 lần quý III/2020.

Lũy kế 9 tháng, Hội chợ Triển lãm Việt Nam đạt 272 tỷ đồng lãi trước thuế và 218 tỷ đồng lãi sau thuế.

Kế hoạch phát hành 753 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng

Công ty Cổ phần Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam tiền thân là Khu Triển lãm Giảng Võ, thành lập năm 1974 với nhiệm vụ là tổ chức triển lãm thành tựu kinh tế - kỹ thuật của đất nước, các sự kiện văn hóa, xã hội của thủ đô Hà Nội và các bộ, ngành Trung ương.

Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam đã trải qua nhiều thời kỳ phát triển, với các tên gọi: Khu Triển lãm Giảng Võ (1974- 1978), Khu Triển lãm Trung ương (1979 - 1982), Trung tâm Triển lãm thành tựu Kinh tế Kỹ thuật Việt Nam (1982 - 1985), Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (1985 - 1989), và từ ngày 18/1/1989 mang tên Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam.

Doanh nghiệp này được giao làm chủ đầu tư Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia, gồm 3 dự án thành phần: Dự án Trung tâm Hội chợ Triển lãm Quốc gia tại trục đường Nhật Tân đi sân bay Nội Bài; dự án Trung tâm Thương mại, Dịch vụ, Văn hóa tại số 148 Giảng Võ, phường Giảng Võ, quận Ba Đình, TP Hà Nội và dự án Trung tâm Văn hóa, Du lịch, Thương mại tại Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội.

Hồi đầu năm nay, Trung tâm Hội chợ Triển lãm Việt Nam đã thông qua phương án tăng vốn từ 1.666 tỷ đồng lên 9.1964 tỷ đồng bằng việc phát hành 753 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Giá chào bán chỉ 10.000 đồng, thấp hơn rất nhiều so với thị giá. Tỷ lệ phát hành 1:4,52, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu có quyền được mua 4,52 cổ phiếu mới. Tuy nhiên, cho đến nay, kế hoạch này vẫn chưa được hiện thực hóa.

Mới đây, công ty này đã thông qua kế hoạch điều chỉnh phương án sử dụng vốn thu được từ đợt phát hành 753 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu. Nguyên nhân điều chỉnh xuất phát từ thực tế triển khai các dự án và cân đối tình hình tài chính công ty, nhằm giảm áp lực tài chính khi sử dụng các khoản vay.

Trong đó, số tiền thu được trong đợt chào bán với số tiền điều chỉnh là 1.197 tỷ đồng dự kiến dùng cho dự án Khu chức năng đô thị Nam Đại lộ Thăng Long tại phường Mễ Trì, phường Trung Văn, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội chuyển sang bổ sung sang mục đích triển khai thực hiện cho 2 dự án gồm dự án Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc Gia và dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới tại các xã Xuân Canh, xã Đông Hội, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm