Moody’s bi quan về các ngân hàng Việt Nam

Hãng định mức tín nhiệm Moody’s Investors Service vừa dự báo, triển vọng tín nhiệm mà họ dành cho hệ thống ngân hàng của Việt Nam sẽ còn ở mức tiêu cực trong 12-18 tháng tới, vì những lo ngại về lợi nhuận suy giảm và chất lượng tài sản.

Hãng tin tài chính Bloomberg dẫn một báo cáo do Moody’s công bố hôm nay (1/9) cho hay, những mất cân đối của nền kinh tế Việt Nam đang đặt ra rủi ro đối với chất lượng tài sản của các ngân hàng, khiến hoạt động vay vốn trở nên khó khăn hơn.
 
Moody’s bi quan về các ngân hàng Việt Nam - 1
Các NH Việt Nam được đánh giá khá tiêu cực vể triển vọng tín nhiệm

 
Báo cáo này nhận định, tài sản mà các nhà băng của Việt Nam đang nắm giữ “tệ hơn” so với những gì được thể hiện trên số liệu nợ xấu được công bố chính thức. Một số công ty đã bắt đầu giảm lượng tiền gửi vào các ngân hàng do những khó khăn về tái cấp vốn và lợi nhuận giảm sút.

Cũng theo Bloomberg, Việt Nam đang phải đối mặt với tốc độ lạm phát cao, giữa lúc tăng trưởng suy giảm và tình trạng thâm hụt cán cân thương mại kéo dài.

Trong một báo cáo mới đây, ngân hàng Credit Suisse của Thụy Sỹ cho rằng, nền kinh tế Việt Nam dễ gặp tổn thương trước những rủi ro hệ thống vốn một phần xuất phát từ tình trạng thiếu vốn của các nhà băng, nợ nần gia tăng và lợi nhuận doanh nghiệp suy giảm.

“Sau một thời kỳ tăng trưởng tín dụng nhanh chóng trong vòng hai năm qua, chúng ta đang chứng kiến sự suy giảm tăng trưởng tín dụng và tình trạng xấu đi của chất lượng tài sản”, chuyên gia Karolyn Seet của Moody’s ở Singapore nhận xét.

“Sự kết hợp giữa chất lượng tài sản suy giảm và tốc độ tăng trưởng tín dụng đi xuống sẽ làm gia tăng chi phí, đồng thời mức độ cạnh tranh thu hút tiền gửi và các nguồn vốn khác cũng trở nên căng thẳng hơn, tất yếu kéo theo sự thu hẹp của tỷ suất lợi nhuận”, bà Karolyn Seet viết.

Hiện Moody’s đang dành cho nợ công của Việt Nam hạng mức tín nhiệm B1, với triển vọng là tiêu cực. Đây là hạng điểm cao thứ 4 trong các hạng điểm trái phiếu chính phủ mà Moody’s không khuyến nghị đầu tư (non-investment grade). Hồi tháng 12 năm ngoái, Moody’s hạ một bậc điểm tín nhiệm nợ ngoại tệ dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3.

“Chúng tôi lo ngại về khả năng của các ngân hàng Việt Nam khi huy động vốn từ thị trường, khi mà ngày càng có nhiều ngân hàng thiếu vốn có thể bị nhìn nhận là đang đối mặt thách thức trong việc duy trì thị phần và những áp lực về thanh khoản”, chuyên gia Karolyn Seet nhận định.

 

Theo Kiều Oanh

VnEconomy