1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Diễn đàn Grow Asia:

Mong muốn Grow Asia đồng hành, thúc đẩy chuỗi giá trị nông sản Việt!

(Dân trí) - Tham dự phiên khai mạc Grow Asia Forum (Diễn đàn châu Á phát triển) tại Camphuchia sáng nay (10/5), Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường mong muốn Grow Asia đồng hành để đạt được các mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nhất là việc xây dựng các chuỗi giá trị cho các ngành hàng nông sản Việt.

Phấn đấu tăng năng suất 20%, giảm đói nghèo 20% và giảm phát thải 20%

Theo đánh giá của Bộ trưởng, sự phối hợp giữa Grow Asia và NN&PTNT Việt Nam xuất phát từ cam kết giữa Bộ NN&PTNT Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế Thế giới, bắt đầu từ năm 2010 về Tầm nhìn nông nghiệp mới: phấn đấu đến 2020 đạt được mục tiêu 20:20:20 (tăng năng suất 20%, giảm đói nghèo 20% và giảm phát thải 20%).

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ NN&PTNT Việt Nam đã phối hợp với các công ty đa quốc gia tổ chức các nhóm công tác đối tác công – tư theo ngành hàng, bao gồm: cà phê, chè, rau quả, thủy sản, hàng hóa chung, hồ tiêu và gia vị, hóa chất nông nghiệp và tài chính nông nghiệp. Hiện nay, Bộ đang xem xét mở rộng ra ngành hàng lúa gạo và chăn nuôi.

Sự phối hợp với Grow Asia trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới từ năm 2014-2015 đã giúp Bộ củng cố và thể chế hóa hoạt động của các nhóm đối tác công tư thông qua việc thành lâp Văn phòng phát triển bền vững nông nghiệp Việt Nam (PSAV).

Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước với các công ty trong phát triển nông nghiệp bền vững đóng vai trò quan trọng ứng dụng công nghệ cao để nâng cao giá trị gia tăng, tăng cường tính cạnh tranh, phát triển bao trùm, đồng thời đảm bảo các tiêu chí của nông nghiệp xanh, sạch.


Quang cảnh Diễn đàn châu Á phát triển.

Quang cảnh Diễn đàn châu Á phát triển.

Một ví dụ điển hình là Nhóm công tác PPP cà phê, được thể chế hóa thành Ban Điều phối ngành hàng Cà phê Việt Nam, là ban ngành hàng nông nghiệp đầu tiên của Việt Nam có sự tham gia của cả khu vực công (các Bộ ngành liên quan như Bộ Nông nghiệp, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, lãnh đạo địa phương tại vùng trồng cà phê) và khu vực tư nhân (các doanh nghiệp trong và ngoài nước, các tổ chức và đại diện nông dân trồng cà phê), đều có tiếng nói đại diện và bình đẳng để cùng ra quyết định vì ngành hàng cà phê phát triển bền vững. Sau 5 năm hoạt động, các công ty đã phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước và nông dân trong 17 dự án, có tác động tích cực đến 130.306 ha (20% tổng diện tích gieo trồng cà phê cả nước); khoảng 20% số hộ sản xuất cà phê, năng suất trung bình dự kiến tăng 20%; tỷ lệ % thu nhập trung bình tăng thêm (dự kiến): 43% cho Chương trình nông lâm kết hợp và 30% cho Chương trình tưới tiết kiệm nước; tỷ lệ giảm phát thải nhà kính trung bình từ các chương trình, dự án từ 16-19%.

Bộ trưởng khẳng định: “Đây là một bài học kinh nghiệm quý báu trong việc gắn kết chặt chẽ giữa Chính phủ với các diễn đàn quốc tế; Chính phủ hỗ trợ thành lập một tổ chức ngành hàng theo mô hình PPP; Giúp thể chế hóa các thỏa thuận để nhân rộng mô hình; và xây dựng phương thức làm việc mới giữa các nhóm có liên quan đến nhau (Chính phủ, khu vực tư nhân và các tổ chức phi chính phủ)”.

Tập trung phát triển các chuỗi giá trị phân theo 3 trục sản phẩm

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đang tích cực triển khai Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Bộ tập trung phát triển các chuỗi giá trị phân theo 3 trục sản phẩm: chủ lực quốc gia; chủ lực cấp tỉnh; đặc sản lợi thế vùng/miền. Việc phát triển các chuỗi giá trị này đều cần hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh, phát triển bao trùm, và đảm bảo xanh, sạch.

Chính vì thế, Bộ trưởng mong muốn Grow Asia đồng hành cùng Bộ thúc đẩy việc đạt được các mục tiêu trên thông qua việc tiếp tục củng cố và mở rộng thêm các nhóm công tác ngành hàng ra các lĩnh vực, ít nhất là các sản phẩm chủ lực quốc gia như gạo, chăn nuôi, điều, gỗ và đồ nội thất.

Ngoài ra, thu hút thêm sự tham gia của các tổ chức, đặc biệt là các doanh nghiệp trong nước và tổ chức của nông dân; Giới thiệu và kết nối các tập đoàn đa quốc gia với các doanh nghiệp trong nước, tổ chức nông dân nhằm thúc đẩy thực hành nông nghiệp tốt, tăng cường chuyển giao công nghệ và gắn kết với chuỗi giá trị toàn cầu; Gắn kết các hoạt động của PSAV với Sáng kiến Tầm nhìn mới cho Nông nghiệp và Châu Á Xanh thông qua trao đổi thông tin, hợp tác nghiên cứu, triển khai sáng kiến...

“Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm và tri thức trong việc triển khai các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ các chuyên gia và tập đoàn quốc tế” – Bộ trưởng khẳng định.

Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm xây dựng Ban Điều phối ngành hàng cà phê Việt Nam, phối hợp để huy động sự tham gia của khối tư trong thiết kế và triển khai các chính sách và chương trình/dự án phát triển ngành hàng; Phối hợp với các cơ quan nhà nước cấp trung ương và địa phương để thu thập và tuyên truyền thông tin thu hút đầu tư tới doanh nghiệp thành viên, đặc biệt thông tin về các cơ hội đầu tư thuộc ngành ưu tiên của các tỉnh; Đẩy mạnh hợp tác giữa khối công và khối tư trong cung cấp dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, quản lý chất lượng, thông tin thị trường, bảo vệ môi trường cho doanh nghiệp và nông dân.

Nguyễn Dương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm