"Mỗi sáng thức dậy, tôi nhặt cả trăm con gà chết đem thiêu"

"Công nhân của tôi cúi xuống nhặt gà chết nhiều đến mức phải than đau lưng", ông Lê Phương Hải - chủ trại chăn nuôi gia cầm nói điều khó tin.

Gà chết vì hết chỗ chứa

Trại 1, 26 con chết. Trại 2, 50 con chết. Trại 3, 44 con chết. Trại 4, 79 con chết. Trại 5, 120 con chết... Đây là số lượng gà chết được cập nhật cho ông Lê Phương Hải - chủ một trại chăn nuôi gia cầm lớn tại tỉnh Đồng Nai vào sáng 24/7. Các con số cứ đều đặn như vậy mỗi buổi sáng.

"Gà công nghiệp tôi nuôi đến tháng không thể xuất chuồng được, nằm cả đống kẹt cứng. Hơn 170.000 giờ vẫn còn chờ xuất chuồng", chủ trại gà ngao ngán.

Theo ông Hải, nghịch lý ở chỗ, tuy nguồn cung thịt dồi dào nhưng đầu ra không ai mua do khâu giết mổ đã bị đứt gãy.

Khi các trung tâm giết mổ gia cầm lớn phải dừng hoạt động để phục vụ công tác phòng, chống dịch. Các lò mổ nhỏ, vệ tinh không hoạt động hết công suất hoặc công suất thấp khiến hàng vạn con gà không ai mua vì thiếu nơi sơ chế đủ sức tải.

Thậm chí, các đơn vị giết mổ cũng không dám mạo hiểm nhận gà về, vì chỉ cần xe chở hàng bị ách tắc một tiếng, gà chết là thiệt hại rất lớn.

Gà quá lứa chưa thể xuất bán, gà lớn dần rồi lấp kín các chuồng nuôi. Chật chội, chen chúc đến nỗi gà không thể bước ra máng ăn.

"Nếu trời nóng, mỗi ngày đi nhặt cả trăm con gà chết rồi đem thiêu, tránh lây bệnh cho cả đàn. Một con gà 3 kg, ai đời công nhân của tôi cúi xuống nhặt gà chết nhiều đến mức phải than đau lưng", ông Hải nói điều không ai tin được.

Bên cạnh đó, công xưởng đóng cửa dẫn đến bếp ăn cho công nhân không hoạt động. Đồng thời, các chuỗi đồ ăn nhanh như KFC, McDonald's đóng khiến nguồn tiêu thụ sản phẩm gà công nghiệp bị chặn đứng.

TPHCM áp dụng lệnh giãn cách rồi đến Đồng Nai, Bình Dương và sau đó là 16 tỉnh, thành khác ở khu vực phía nam, chuỗi phong tỏa đang có tác động lớn tới chăn nuôi gia cầm.

Cũng theo ông Hải, tình cảnh dở khóc dở cười trên đã kéo dài từ khi TPHCM áp dụng lệnh giãn cách theo Chỉ thị 16. Giá gà tại trại giờ còn 6.000 - 7.000 đồng/kg mà chưa chắc đã có thương lái xuống mua vì khó khăn trong khâu vận chuyển. Trong khi giá thành chăn nuôi hiện nay đã khoảng 28.000 - 29.000 đồng/kg. Như vậy, những ngày qua, trại gà của ông Hải tính sơ sơ hứng lỗ hàng tỷ đồng.

Giá gà xuống "thủng đáy" cũng chỉ bó tay ngồi nhìn

Trao đổi với PV, ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Nai, cho biết, người chăn nuôi gà trắng đang chấp nhận chịu lỗ và lượng tiêu thụ gia cầm toàn tỉnh giảm. Để giải quyết tình trạng trước mắt, các bên liên quan đang kêu gọi chợ đầu mối, chợ truyền thống mở lại hoặc thực hiện kênh phân phối trực tiếp. Song song với đó, tìm giải pháp trữ hàng ở các kho lạnh hoặc mở rộng các thị trường khác.

"Hiện nay, chưa thể có giải pháp gì tốt hơn", đại diện Sở NN-PTNT tỉnh này thừa nhận. 

Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Dương Phạm Văn Bông cũng thông tin, giá gà tại Bình Dương hiện được các trại chăn nuôi báo về ở mức khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg.

Giá gà đang bị động, chịu ảnh hưởng bởi tiêu thụ chậm. Theo ông Bông, gà công nghiệp xuống giá khiến nhiều hộ chăn nuôi không muốn bán ra, chờ đợi diễn biến giá cả những ngày tới.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam Bộ - ông Lê Văn Quyết - khẳng định: "Giá 6.000 đồng/kg. Xuống thấp nữa cũng không tiêu thụ được. Nếu tại trại giá 2.000 đồng/kg thì giá gà trên TPHCM vẫn 50.000 - 60.000 đồng/kg".

Nguyên nhân được chỉ ra là tuân thủ Chỉ thị 16 để đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời khâu sơ chế gia cầm đã bị đứt gãy khi các lò giết mổ ngừng hoạt động hoặc giảm công suất.

Có hai nơi có thể giữ được gà là trại chăn nuôi và kho đông lạnh. Nhưng để đưa được vào kho đông lạnh thì lại cần đến khâu giết mổ. Trong khi đó, gà tại trại chỉ giữ được một thời gian chứ không thể duy trì lâu. 

Cũng theo ông Quyết, một số địa phương có chỉ đạo mua gà về hỗ trợ cho các khu phong tỏa, bệnh viện, nhưng các công ty chăn nuôi thậm chí còn cho không. Mà cho thì cũng cần có khâu giết mổ, mỗi ngày cũng chỉ tiêu thụ được khoảng nghìn con.

"Lứa gà công nghiệp đến tuổi xuất chuồng ở thời điểm này có thể đã lên tới 2-3 triệu con. Bị nghẽn ở khâu chế biến. Còn hiện tại thì chúng tôi chịu chết, không có giải pháp gì cả, đến đâu hay đến đó", ông Quyết bất lực.

Giải pháp được chủ trại Lê Phương Hải kiến nghị là cần cấp tốc mở lại các lò giết mổ trong điều kiện phòng, chống dịch hoặc mở thêm các trung tâm giết mổ để giải quyết tạm thời khâu sơ chế trước mắt. Về lâu dài, các vùng phụ cận trong khu vực cần có các nhà máy chế biến sâu thì thị trường thịt gia cầm mới có thể ổn định, đảm bảo cho người chăn nuôi.

Nếu không nhanh chân, trong khi nguồn thịt nội địa sơ chế không thể đảm bảo cung cấp đủ cho thị trường thì 50-60% lượng thịt gà hiện nay tại các siêu thị, hệ thống phân phối là gà nhập khẩu.

"Người chăn nuôi trong nước thì lỗ, người tiêu dùng vẫn ăn gà nhập giá cao và thị trường bị gà ngoại chiếm lĩnh", ông Hải nói.