1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mọi ngả đường đều tắc, bỏ tiền vào “rổ” nào?: Nhà giàu cũng… khóc

Hàng loạt các ngân hàng lớn nhỏ đã lần lượt giảm lãi suất huy động VND. Qua đợt điều chỉnh này, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng phần lớn đã rút sâu dưới mức trần 5,5%/năm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với các kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.

Ở đâu cũng… giảm

Ở đâu cũng… giảm

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

* Ukraine nhận đợt viện trợ đầu tiên trị giá 5 tỷ USD từ IMF

* Khi Trung Quốc phải đối đầu với cơn bão Bitcoins

* Biệt thự sinh thái: Nhà giàu toàn mua hàng 'lởm'

* Giá dầu thô giảm 9% trong tuần này

* Tỷ phú Phạm Nhật Vượng "học" bầu Đức?

* Ba nhà đầu tư muốn cùng xây nhà ga quốc tế sân bay Đà Nẵng

Theo bảng niêm yết giá vàng của Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn, tại thời điểm 8 giờ 45 phút, ngày 11-3, chiều mua vào của thương hiệu SJC ở mức 35,20 triệu đồng/lượng và chiều bán ra là 35,30 triệu đồng/lượng. Tại các điểm kinh doanh vàng miếng của các doanh nghiệp khác, mức giá này là phổ biến. Trên thị trường thế giới, giá vàng giảm thêm 6 USD/ounce, hiện đang giao dịch ở mức 1.164 USD/ounce.

Trên thị trường ngoại tệ, giá mua USD tại ngân hàng Vietcombank niêm yết ở mức 21.330 đồng/USD và bán ra là 21.380 đồng/USD, không đổi so với phiên trước. Ngân hàng VietinBank mua vào là 21.325 đồng/USD và bán ra là 21.385 đồng/USD, cũng không đổi so với phiên trước. 

Thị trường bất động sản cũng không sôi động, mặc dù rất nhiều các chủ dự án và các nhà phân phối đang mời chào hết công suất, tung quá nhiều những số liệu chưa được kiểm chứng. Chỉ có những tin tức mới này là chắc chắn: Lượng cung hàng cũng rất dồi dào. Riêng tại Hà Nội, trong quý I đã có khoảng 10 dự án đã và đang có kế hoạch mở bán với rất nhiều cái tên như FLC, Vinaconex 2, VID Group, Hải Phát, Văn Phú Invest...
 
Giá căn hộ hạng trung, nhất là với những dự án đã hoặc đang hoàn thiện, cũng có chiều hướng tăng lên sau một thời gian khá dài yên ắng. Tuy nhiên, không thể có một cơn sốt giá bất động sản trong tương lai gần, thậm chí là xa. 

Trên sàn chứng khoán, các nhà đầu tư giống con bạc đứng ngóng gió để xuống tiền, ngóng mãi thấy gió chạy vòng quanh, tỉnh ra nhìn túi tiền thấy hình như gió thổi vơi bớt mất rồi. VN-Index cuối tuần trước ngoi lên 600 điểm nhờ các nhà đầu tư ngoại tăng mua ròng, sang đầu tuần này giống xe tăng tuột xích trên dốc, cứ lừ lừ trôi xuống, đến hết giờ sáng 11-3 chỉ còn có 586 điểm. Thanh khoản, nếu trừ đi những vụ thôn tính doanh nghiệp qua sàn thì coi như chùa Bà Đanh, không đáng kể. 

Kiểm điểm qua các kênh đầu tư để nhận ra một điều, tất cả các phương án đầu tư tài chính, buôn bán đầu cơ hiện nay đều không sinh lời. Chưa nói, cho đến ngày 11-3 xăng tăng giá thêm 1.600đ/lít cùng với giá điện đã quyết định tăng, lợi nhuận của mấy thứ đầu tư này, chắc chắn sẽ không chạy theo nổi tỷ lệ lạm phát.
 
Có thể thấy, trong xu hướng tăng giá chưa rõ ràng của hầu hết các thị trường, dòng tiền dường như vẫn đang chảy vòng quanh, lúc từ tiết kiệm chảy sang chứng khoán, sang nhà đất, lúc thì được rút ra mua vàng cất trữ lâu dài. Nhiều người, nhiều nhà, cầm trong tay mớ tiền tiết kiệm, tiền dành dụm, chưa biết làm sao bảo toàn giá trị, chưa nói kiếm lợi nhuận tý ty. Thật đau lòng cho nhiều nhà giàu khi trời yên biển lặng, thị trường không sóng lớn sóng bé nào. 

Đã đến lúc đầu tư cho sản xuất kinh doanh dài hạn

Số vốn xã hội đang nằm ở các cá nhân và gia đình trong cả nước là con số không thể xác định chính xác, nhưng chắc chắn là vô cùng lớn. Riêng số vàng nằm trong dân đã lên đến trên 700 tấn, một số vốn khổng lồ. Nhưng số vốn này đang ngủ yên, ngay cả khi các nhà tư bản nước ngoài đang bỏ vốn đầu tư mua lại các doanh nghiệp trong nước. Nghịch lý này chỉ ra sự hạn chế về tư tuy thị trường của đông đảo người dân. Trong khi thực tế đã hú còi báo động.

Lúc thưa thớt, lúc dồn dập nhưng thời gian gần đây chúng ta luôn nghe tin hết doanh nghiệp này đến doanh nghiệp khác bán bớt cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Một mặt đây là tin vui vì các doanh nghiệp này đã dày công xây dựng bộ máy, tên tuổi và hạ tầng, giờ họ có quyền gặt hái thành quả.
 
Mặt khác, nếu xu hướng này tiếp diễn, rõ ràng đó là điều đáng lo ngại vì không lẽ mọi doanh nghiệp Việt Nam, phát triển đến một ngưỡng nào đó lại rơi vào tay nước ngoài? Tỷ trọng áp đảo của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong kim ngạch xuất khẩu, trong sản xuất công nghiệp là sự cảnh báo rất đáng lưu tâm.
 
Nếu chúng ta không có một lộ trình rõ ràng, dứt khoát để hỗ trợ và thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân nội địa lớn mạnh thật sự trên chính đôi chân năng lực của họ thì mọi điều chỉnh sau này sẽ phải trả giá đắt.

Thử tưởng tượng đến một ngày nào đó, khi nền sản xuất các sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống, khi hệ thống phân phối hàng hóa đến người tiêu dùng khắp cả nước, khi các ngành làm hàng xuất khẩu, kể cả nông sản, thủy sản... đều nằm trong tay doanh nhân nước ngoài, làm sao chúng ta có thể yên tâm về rủi ro lệ thuộc ở nhiều góc độ. Đến các ngành sản xuất khá đơn giản như bia, nước giải khát, bánh kẹo, bán lẻ, phân phối hàng điện tử tiêu dùng mà cũng phải dựa vào doanh nghiệp nước ngoài thì đó là một nền kinh tế không bình thường. 

Qua các khảo sát gần đây, tâm lý chung của người dân và cả giới doanh nhân trong nước là chỉ làm ăn ở quy mô vừa phải vì nhiều lý do.
 
Đầu tiên là môi trường cạnh tranh không lành mạnh khi nhiều doanh nghiệp đi lên bằng con đường tắt, dùng quan hệ với quan chức địa phương để tạo lợi thế. Không một doanh nghiệp lâu bền nào chỉ tồn tại nhờ các ô dù chống lưng vì bản thân họ cũng trở thành con tin của quyền lực.
 
Thứ hai là những năm tháng khủng hoảng kinh tế làm nhiều doanh nghiệp từ bỏ con đường phát triển tuy chậm nhưng chắc do không chịu nổi chi phí tài chính, lãi suất ngân hàng, sự nhũng nhiễu của bộ máy hành chính tham nhũng... Họ quay sang nhập hàng về bán vì thực tế môi trường đang thuận lợi cho loại hình hoạt động này, kể cả chính sách tỷ giá.

Như vậy, rõ ràng cần phải gấp gáp làm hai việc. Việc thứ nhất là tăng cường truyền thông định hướng để người dân và cả các doanh nghiệp có tư duy đầu tư dài hạn, phát triển sản xuất hàng hóa phù hợp với các quy luật thị trường. Thứ hai, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ, như chính Thủ tướng đã nói trong phiên họp thường kỳ tháng 3-2015: Tất cả phải đi vào kinh tế thị trường và đã là thị trường thì phải thực hiện đầy đủ các quy luật thị trường, trước hết là giá cả, phân bổ nguồn lực phải theo thị trường.
 
Và đã là thị trường thì phải công khai minh bạch. Thực hiện có nghĩa là sớm ban hành chính sách như định hướng để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, đồng thời ban hành chính sách để các doanh nghiệp có phương thức huy động được vốn xã hội đang nằm trong dân, vàng đang ngủ yên trong ống bơ để đi vào sản xuất kinh doanh. 

Tại sao không là chủ doanh nghiệp?

Trong khi đang loay hoay tìm đường đầu tư cho số tiền mình có, một câu hỏi đã đến lúc được đặt ra: Tại sao những người có vốn không là chủ doanh nghiệp? 

Năm 2015, cùng với quá trình Việt Nam đàm phán, ký kết và triển khai cam kết hội nhập quốc tế, doanh nghiệp sẽ đối diện với áp lực cạnh tranh, yêu cầu cao hơn về năng lực tài chính, cơ chế quản trị, hợp tác…
 
Tuy nhiên, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, cũng có nhiều cơ hội hơn khi nền kinh tế sẽ có độ mở, tính chất tự do hóa và quốc tế hóa cao hơn. Việt Nam vẫn còn những mặt hàng có lợi thế cạnh tranh nhờ điều kiện tự nhiên và nguồn lao động sẵn có, nếu biết tận dụng cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế.
 
Các doanh nghiệp cũng có thêm cơ hội tham gia đấu thầu mua sắm công, tham gia quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng thương mại, cũng như các hoạt động mua bán/sáp nhập (M&A) trong ngành xây dựng, giao thông. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ còn có thêm cơ hội từ thị trường tài chính gia tăng các dòng vốn ngoại và phát triển các quỹ mở; thị trường vàng ổn định; cải thiện quy mô tăng trưởng tín dụng và điều kiện tín dụng.
 
Nợ xấu được kiểm soát và từng bước được xử lý linh hoạt, trong mục tiêu bảo đảm ổn định hệ thống và từng bước tiếp cận các chuẩn mực chung thế giới. Thị trường hàng tiêu dùng sẽ có cải thiện với cơ cấu hàng hóa phong phú hơn, giá rẻ hơn và chất lượng cao. 

Thực tế cho thấy, các điều kiện sản xuất, kinh doanh năm 2015 là tốt hơn so với các năm trước cả về nhu cầu thị trường, cơ hội tiếp cận vốn vay, lao động, thông tin thị trường và công nghệ, điều kiện hạ tầng giao thông và mặt bằng kinh doanh.
 
Các chương trình hỗ trợ DN đã, đang và sẽ tiếp tục mang lại một số hiệu quả nhất định, nhất là Chương trình trợ giúp đào tạo cho DN nhỏ và vừa. Cùng với CPI và giá dầu thấp, tỷ giá và thị trường tài chính ổn định; các chỉ số tín nhiệm quốc gia, niềm tin kinh doanh, niềm tin người tiêu dùng của Việt Nam được cải thiện, tất cả là tín hiệu đáng mừng cho các DN và người dân.

Hãy là chủ doanh nghiệp, đầu tư cho sản xuất kinh doanh theo các quy luật thị trường. Đó là một lối đầu tư chắc chắn nhất, hiệu quả nhất thời điểm này .
 
Theo Phan Đức
An ninh Thủ đô

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm