Mối lo EVN... phá sản: Đừng đổ tội cho giá điện thấp!

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phải cắt giảm đầu tư ngoài ngành, đầu tư chéo. Nếu làm được, không có chuyện EVN lỗ.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Đức, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội xung quanh câu chuyện "không tăng giá điện, EVN sẽ phá sản".

Theo ông Đức, giá điện Việt Nam so với các nước trên thế giới đang thấp hơn, tuy nhiên tăng giá điện phải có lộ trình và không phải vì không tăng giá điện mà EVN lỗ.

"Giả sử EVN lỗ dẫn đến phá sản thì đó là do công việc kinh doanh của EVN chứ không phải do giá điện Nhà nước áp dụng làm giảm lãi của tập đoàn. Làm sao một doanh nghiệp nhà nước đầu tư chéo, đầu tư sang lĩnh vực khác không đúng ngành nghề không hiệu quả rồi bảo phá sản nếu không tăng giá điện? Nếu EVN thu hẹp, cắt giảm đầu tư ngoài ngành, đầu tư chéo, đảm bảo không có chuyện lỗ", ông Đức nói.

Hiện lỗ luỹ kế của EVN lên tới hơn 16.800 tỷ đồng
Hiện lỗ luỹ kế của EVN lên tới hơn 16.800 tỷ đồng

Về ý kiến cho rằng, EVN rất khó vay vốn và việc thu hút đầu tư vào ngành điện sẽ vô cùng khó khăn nếu không tăng giá điện, ông Nguyễn Hữu Đức thừa nhận, nếu không có được giá điện hợp lý thì các tổ chức tài chính sẽ khó khăn trong việc cho vay. Tuy nhiên, "hiện tại EVN đầu tư quá nhiều, do đó phải rà soát lại, chọn những dự án nào thực sự hiệu quả thì tập trung đầu tư vào đó", ông Đức lưu ý.

Ông Nguyễn Hữu Đức cũng thẳng thắn cho rằng, cứ nói là thị trường điện cạnh tranh nhưng hiện nay vẫn do EVN độc quyền, do đó cần phải có bàn tay can thiệp của Nhà nước để điều tiết thị trường.

"Vẫn phải thực hiện lộ trình tăng giá điện cho phù hợp với giá điện quốc tế và Thủ tướng đã chỉ đạo rất sát sao rằng phải chọn thời điểm tăng giá điện sao cho phù hợp. EVN muốn có lãi thì phải có phương án cụ thể. Bản thân tập đoàn này phải áp dụng các biện pháp nhằm giảm chi phí xuống tối đa, đa dạng hoá các nguồn điện như điện gió, năng lượng sạch... vừa phải đảm bảo giá cạnh tranh được với các nước".

Cũng liên quan đến vấn đề giá điện, trao đổi với Đất Việt trước đó, bà Bùi Thị An, ĐBQH Hà Nội khẳng định, trong kinh doanh, muốn tăng hay giảm giá, bất kỳ doanh nghiệp nào dù là tư nhân hay nhà nước đều phải có sự minh bạch.

"Đối với EVN cũng vậy. Tập đoàn này phải minh bạch đầu vào: giá nguyên liệu, nhân công bao nhiêu, lời lãi thế nào, lãi những năm trước đã chi vào những việc gì... Nếu EVN không minh bạch những điều này thì không thể biết họ tăng giá có hợp lý hay không, chừng nào kiểm soát được đầu vào thì mới tính tiếp được", bà An nói.

Bà An cũng nhắc lại chỉ đạo của Thủ tướng đối với EVN về việc giảm giá thành. Đặc biệt, theo bà trong bối cảnh hiện nay không thể tăng khi giá dầu đang giảm mạnh. 

"Ngành điện cứ báo lỗ nhưng lỗ thật hay không thì phải có sự giám sát, kiểm tra mới biết", bà nói.

Còn ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam thẳng thắn cho biết, EVN đang "đốt" rất nhiều tiền vào đầu tư xây dựng cơ bản, bộ máy nhân sự khổng lồ... Muốn giảm tốc độ cũng như mức độ tăng giá điện, theo ông Ngãi, mục tiêu số 1 của EVN là giảm chi phí, tiết kiệm trong đầu tư xây dựng cơ bản. Chỉ cần EVN giảm được 10% chi phí đầu tư xây dựng tập đoàn này sẽ tiết kiệm được hàng chục nghìn tỷ đồng.

Muốn vậy, EVN phải căn cơ trong tất cả các khâu, từ khâu khảo sát, thăm dò địa chất, quy hoạch, lập thiết kế cho tới quá trình quản lý đầu tư, đầu tư xây dựng, lập tổng dự toán, tổ chức đấu thầu, lựa chọn nhà thầu... 

"Làm được điều này, EVN sẽ giảm gánh nặng cho Nhà nước, giảm mối lo về thiếu vốn đi rất nhiều", ông Ngãi nói.

Theo Thành Luân
Đất Việt
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”

Dòng sự kiện: Tăng giá điện từ 16/3