Mổ xẻ nguy cơ thiếu điện: Cán bộ mà sợ sai, dự án điện càng chậm và “tắc"?

(Dân trí) - Nguy cơ thiếu điện được nhắc đến liên tục trong thời gian gần đây. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn trong cung ứng điện là do cả loạt dự án điện chậm tiến độ.

Mổ xẻ nguy cơ thiếu điện: Cán bộ mà sợ sai, dự án điện càng chậm và “tắc? - 1

Một loạt dự án nhiệt điện chậm tiến độ. Nguồn: Internet.

Sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm việc chậm tiến độ

Nguy cơ thiếu điện được nhắc đến liên tục trong thời gian gần đây. Theo thông tin từ lãnh đạo Bộ Công Thương, năm 2020 cơ sản sẽ đáp ứng được điện cho sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên trong giai đoạn năm 2021 đến năm 2025, Việt Nam sẽ đối mặt với giai đoạn khó khăn, có những năm có thể thiếu lên đến 7-8 tỷ Kwh điện.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó khăn này có nhiều. Một trong nguyên nhân lớn là do cả loạt dự án điện chậm tiến độ. “Việc dự án chậm tiến độ đương nhiên tác động tới việc cung ứng điện”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện có tới 47 dự án điện chậm tiến độ. Trong số này theo ông Vượng, chủ yếu là các dự án của PVN. Ngoài ra có 15/19 dự án BOT đang thi công hoặc đang đàm phán, hầu hết đều chậm tiến độ.

Theo Thứ trưởng Vượng, đối với những dự án điện chậm tiến độ do doanh nghiệp nhà nước đầu tư, thời gian qua đã tiến hành kiểm điểm, xử lý sai phạm một số cá nhân liên quan. Ông Vượng lấy dẫn chứng về dự án nhiệt điện Thái Bình 2.

Trong giai đoạn tới, lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định nếu để thiếu điện, cán bộ đều phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ. Nếu không sớm khắc phục được tiến độ các dự án này, ông Hoàng Quốc Vượng lo ngại sẽ khó khăn lớn trong việc cung ứng điện.

Trước đó theo báo cáo của Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, tổng hợp tình hình tiến độ thực hiện 62 dự án có công suất lớn trên 200 MW thì 15 dự án đạt tiến độ, còn lại 47 dự án chậm tiến độ hoặc chưa xác định tiến độ so với tiến độ nêu trong quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Giải bài toán ngành điện, không thể một sớm một chiều!

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Văn Bình, một chuyên gia về điện cho biết ngành điện hiện có quá nhiều vấn đề cần xử lý để giải được bài toán cung ứng điện.

Giá điện bất cập, đầu tư ngành điện không hấp dẫn, hồ thuỷ điện cạn kiệt, trong khi đó một loạt dự án điện lại chậm tiến độ… Ông Bình nhấn mạnh: Ngành điện đối mặt với nhiều khó khăn.

Trước tình hình này, vị chuyên gia cho rằng có nhiều giải pháp cần phải thực hiện, trong đó chắc chắn phải mua điện Trung Quốc. “Ngành điện vốn nhạy cảm, đụng chạm đến tất cả người dân. Nhiên liệu phục vụ điện ngày càng cạn kiệt. Giải bài toán ngành điện quả thật không thể một sớm một chiều", ông Bình nhận xét.

Riêng đối với việc xử lý các dự án chậm tiến độ hiện nay, ông Bình cho rằng, với phong trào chống tham nhũng, xử lý tham nhũng được đẩy lên cao, không ít cán bộ lo ngại. “Có những người sợ sai không dám làm, đặc biệt dự án điện hầu hết có quy mô vô cùng lớn”, ông Bình nhận định.

Cũng theo vị chuyên gia này, một số cán bộ ở ban quản lý dự án nhiều nơi thể hiện năng lực còn yếu. Cộng thêm vào đó tâm lý sợ sai nên dự án vướng lại càng vướng.

Theo ông Bình, cần phải ngồi lại để gỡ, phải đẩy mạnh tháo các nút thắt để đẩy nhanh tiến độ các dự án nhiệt điện này. Ông Bình cũng lưu ý, nhắc đến nhiệt điện than người ta cũng lo ngại vấn đề về ô nhiễm, do vậy cũng cần lưu ý tới yếu tố công nghệ. Tránh xa công nghệ lạc hậu, như vậy mới tạo được sự đồng thuận đối với người dân.

"Đồng thời nhanh chóng bổ sung quy hoạch các đường dây truyền tải để khai thác hết nguồn năng lượng tái tạo, khuyến khích hộ gia đình tự đầu tư điện mặt trời”, ông Bình nêu một số giải pháp cho việc đảm bảo điện thời gian tới.

Trong khi đó từ phía Bộ Công Thương, tại cuộc họp báo mới đây, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cùng các cán bộ ngành điện đưa ra một loạt giải pháp để giải bài toán cung ứng điện.

“Nếu từ nay, chúng ta tích cực áp dụng những giải pháp mà Bộ Công Thương đã báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ như đẩy nhanh các dự án chậm tiến độ, tích cực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tích cực trao đổi điện năng với các nước trong khu vực, phát triển mạnh mẽ hơn nữa năng lượng tái tạo… thì khả năng chúng ta sẽ đáp ứng đủ điện cho kinh tế, xã hội kể cả trong những năm khó khăn nhất như năm 2022-2023”, Thứ trưởng Vượng nhấn mạnh.

Nguyễn Mạnh

Mổ xẻ nguy cơ thiếu điện: Cán bộ mà sợ sai, dự án điện càng chậm và “tắc? - 2