1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xét xử vụ án “Cố ý làm trái…” tại Vinashin:

Mổ xẻ “con tàu đắm” Vinashin

Sáng 27/3, TAND TP.Hải Phòng đã đưa vụ án “cố ý làm trái...” tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy (Vinashin) ra xét xử. Có lẽ đây là vụ án kinh tế gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên an ninh phiên xét xử được thắt chặt chưa từng thấy.

Các cơ quan thông tấn, báo chí đưa tin ngồi theo dõi diễn biến phiên tòa qua màn hình tivi. Chỉ có VTV, TTXVN và Đài Truyền hình Hải Phòng được vào tòa trong 5 phút để quay phim, chụp ảnh.

 

Thông thầu   

 

Sau phần làm thủ tục và đọc cáo trạng gần hết thời gian buổi sáng, HĐXX đã tiến hành thẩm vấn các bị cáo về nội dung đầu tư xây dựng dự án xây dựng Nhà máy nhiệt điện diesel Cái Lân, Quảng Ninh.

 

Theo cáo buộc của VKS thì năm 2011, Vinashin có quyết định đầu tư xây dựng khu CNTT Cái Lân, trong đó có dự án đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện. Mặc dù yêu cầu đặt ra là phải mua máy móc mới có xuất xứ Châu Âu, nhưng khi dự án chưa được lập và phê duyệt, ông Phạm Thanh Bình - đại diện tập đoàn - đã ký hợp đồng thỏa thuận mua bán dây chuyền máy móc, thiết bị với Cty Jacobsen Elektro As (Na Uy), giao cho Cty này tháo dỡ dây chuyền máy móc, thiết bị của một nhà máy điện công suất 39MW ở Trung Quốc về lắp đặt cho Nhà máy nhiệt điện Cái Lân với giá trị hợp đồng 39.500.000USD. Đổi lại, Cty Jacobsen sẽ thu xếp cho Vinashin được vay vốn của Ngân hàng Societe Generale (Pháp) khoảng 70% của giá trị hợp đồng giao thầu. 

 

Để hợp thức hóa việc giao thầu, Vinashin đã tổ chức đấu thầu, nhưng do đã thỏa thuận, trao đổi trước với Jacobsen nên Cty này có hồ sơ dự thầu phù hợp với hồ sơ mời thầu nhưng giá bỏ thầu lại quá cao. 

 

Để tạo điều kiện cho Cty Jacobsen trúng thầu, ông Phạm Thanh Bình đã chỉ đạo và thống nhất với ông Tô Nghiêm (phó trưởng ban quản lý dự án) viết lại dự án, giữ nguyên phần thiết kế kỹ thuật, chỉ tăng tổng mức đầu tư lên cho phù hợp với giá dự thầu đã chào lại của Cty Jacobsen rồi lấy lại ngày, tháng theo các văn bản trước để hợp thức hóa trình tự thủ tục đầu tư. Khi hàng về cảng, Vinacontrol đã giám định toàn bộ dây chuyền máy móc và đã có công văn khẳng định nhà máy trên của nhà thầu đã qua sử dụng, một số thiết bị có tình trạng gỉ... Tuy nhiên, ông Phạm Thanh Bình và ông Tô Nghiêm vẫn thanh toán toàn bộ giá trị hợp đồng cho Jacobsen.

 

Do máy móc cũ nên khi đưa vào hoạt động đã gây ra lỗ lớn, gây thiệt hại số tiền do mức tiêu hao nhiên liệu thực tế vượt tiêu chuẩn thiết kế và hợp đồng trong 3 năm là 33 tỉ đồng trong tổng số 66,5 tỉ đồng thiệt hại gây ra trong toàn bộ dự án.

 

Khi được HĐXX hỏi có nhận thấy sai gì khi đầu tư dự án nhà máy diesel Cái Lân? Ông Phạm Thanh Bình trả lời rằng: “Do nhận thấy khi đầu tư có quá nhiều thủ tục rườm rà, rắc rối nên tôi đã ký trước những thỏa thuận với Cty Jacobsen. Đến bây giờ tôi thấy đó là sai, thứ nữa khi nhà thầu kết thúc phần lắp đặt và yêu cầu giải ngân nốt 10% phần còn lại dành cho bảo dưỡng nhưng tôi đã cho giải ngân, đó là sai bởi nguyên tắc là phải sau thời gian bảo dưỡng mới được cho giải ngân”.

 

Tuy nhiên, lý giải về việc lỗ khi vận hành dự án, cả ông Bình và ông Tô Nghiêm đều cho rằng nguyên nhân là do sự mua điện không ổn định của EVN và do sử dụng nhiên liệu không đúng tiêu chuẩn, không vận hành hết công suất...

 

“Chúng tôi có sai khi thực hiện dự án nhưng việc sai này không xuất phát từ động cơ xấu mà vì chúng tôi quá lo lắng cho việc cung cấp điện cho nhà máy thép được xây dựng cùng trong thời điểm đó” - ông Tô Nghiêm trần tình.

 

Mổ xẻ “con tàu đắm” Vinashin
Bị cáo Phạm Thanh Bình (giữa) trước vành móng ngựa.

 

Giá trị tàu Hoa Sen chỉ còn 840 tỉ đồng

 

Đối với vụ mua tàu Hoa Sen, khi được HĐXX yêu cầu đưa ra giá trị còn lại của con tàu, đại diện Vinacontrol cho biết, giá trị còn lại của con tàu là 839 tỉ 524 triệu đồng trên tổng số vốn đầu tư là gần 1.500 tỉ đồng.

 

Khi được hỏi về chủ trương đầu tư con tàu này, ông Phạm Thanh Bình cho rằng đó là nhằm mục đích hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc xây dựng một tuyến vận tải trên biển. “Đây là thử nghiệm đầu tiên cho việc xây dựng một con đường biển cao tốc bắc - nam" - ông Bình thanh minh.

HĐXX thẩm vấn ông Trần Văn Liêm - nguyên Trưởng ban kiểm soát Vinashin, nguyên GĐ Cty Viễn Dương - đơn vị được giao nhiệm vụ lập dự án mua tàu. Ông Liêm cho rằng, cáo trạng quy kết ông là đồng phạm với các bị cáo khác “cố ý làm trái...” trong vụ mua tàu Hoa Sen là không đúng vì ông chỉ làm theo chỉ đạo của cấp trên.

 

“Vậy tại sao lại tăng suất đầu tư cho tàu Hoa Sen lên hơn 100 tỉ so với ban đầu?” – HĐXX hỏi. “Vì cầu cảng không phù hợp cho việc vận chuyển ôtô nên phải tăng suất đầu tư để cải tạo cảng” - ông Liêm trả lời.

 

“Bị cáo là người lâu năm làm nghề vận tải biển, vậy bị cáo có thấy việc mua tàu có thiết kế như vậy là không phù hợp với Việt Nam hay không và chắc chắn sẽ lỗ hay không?” – HĐXX hỏi. “Tôi có biết điều này và đã có  ý kiến với chủ tịch HĐQT nhưng được giải thích rằng mua tàu ngoài việc vận tải dân sự nó còn có ý nghĩa chính trị và quân sự nên tôi không dám có ý kiến gì nữa” - ông Liêm trả lời.

 

HĐXX hỏi tiếp ông Bình: “Khi quyết định mua tàu Hoa Sen, ông có ý thức gì trong tương lai hay không?”. Ông Bình trả lời: “Tôi biết đó là nhiệm vụ mang ý nghĩa chính trị lớn, ban đầu dứt khoát là lỗ vì đó là thử nghiệm nhưng khi đầu tư lớn, có tới cả chục con tàu và đã thành một con đường vận tải thì chắc chắn sẽ có lãi. Việc lãi này có được trong vòng 10 năm”.

 

Hôm nay, HĐXX tiếp tục thẩm vấn các bị can về các dự án bán vỏ tàu Bạch Đằng, đầu tư tàu Bình Định Star và dự án nhiệt điện Sông Hồng. 

 

Theo Chí Tùng

Lao động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm