Vinashin: Giả mạo giấy tờ để đem chất độc hại về nước
Trong vụ án xảy ra tại Vinashin, các bị cáo không chỉ "cố ý làm trái..." gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền bằng GDP hằng năm của một tỉnh trung bình mà còn giả mạo giấy tờ của Bộ Tài nguyên - Môi trường (TNMT), Bộ Thương mại để đem những chất độc hại về nước.
Đem rác về Việt Nam
Thương vụ đầu tư xây dựng Nhà máy (NM) nhiệt điện sông Hồng, Nam Định là thương vụ gây thiệt hại số tiền lớn thứ hai sau vụ tàu Hoa Sen. Từ những hành vi cố ý làm trái trong dự án này, ông Phạm Thanh Bình và các cộng sự đã gây thiệt hại cho Nhà nước 316,5 tỉ đồng.
Ngày 6/5/2003, ông Phạm Thanh Bình ký Quyết định số 418/CNT - TCCP về việc góp vốn thành lập Cty cổ phần CNTT Hoàng Anh Vinashin (Cty Hoàng Anh). Đầu năm 2006, Nguyễn Văn Tuyên - Tổng GĐ Cty Hoàng Anh - muốn xây dựng một NM nhiệt điện độc lập để cung cấp điện cho NM thép và KCN Mỹ Trung - Nam Định, nên đã bàn bạc và thống nhất với nhóm người thuộc Cty cổ phần đầu tư Cửu Long (thời điểm này Cty Cửu Long chưa phải thành viên của Tập đoàn Vinashin) về việc đầu tư dự án và đã được ông Phạm Thanh Bình chấp thuận.
Tháng 4/2006, Cty Cửu Long ký hợp đồng số 01 - 06/SB - CL ngày 28/4/2006 trị giá 6,8 triệu USD với Cty Seobong Recycling của Hàn Quốc mua 2 tổ máy điện cũ, công suất 55MW/tổ cho dự án Cty Hoàng Anh và ký hợp đồng số 02-07/CL-ĐK ngày 7/4/2006 trị giá 5,8 triệu USD với Cty Daekyung Machinery mua 1 tổ máy nhiệt điện cũ với công suất 75MW. Trong số máy móc, thiết bị Cty Cửu Long đã mua của Hàn Quốc có các máy biến thế chứa dầu có chất PCB là chất độc hại thuộc diện phải quản lý và chấp thuận của các cơ quan nhà nước khi vận chuyển xuyên biên giới.
Để mang được hàng về nước, các đối tượng đã sử dụng văn bản giả số 2088/BTNMT-DCKS ngày 8/9/2006 mạo danh Bộ TNMT và số 4407/TM-TTTM ngày 26/11/2006 mạo danh Bộ Thương mại VN để qua mặt các cơ quan chức năng của Hàn Quốc và nhập trót lọt lô hàng trên.
Sau khi thẩm định hồ sơ, ngày 21/5/2007, Bộ Công nghiệp có công văn số 2242/BCN NLDK gửi Ban quản lý các KCN Nam Định về việc thẩm tra hồ sơ dự án xây dựng NM nhiệt điện Sông Hồng, nêu rõ: Không có cơ sở pháp lý để phê duyệt dự án; thiết bị công nghệ của dự án lạc hậu... Ngày 15/6/2007, Bộ Công nghiệp có công văn 2748/BCN/NLDK yêu cầu UBND tỉnh Nam Định đình chỉ dự án xây dựng NM nhiệt điện Sông Hồng.
Có dấu hiệu “tham ô tài sản”
Cũng theo cáo buộc của cơ quan công tố, để có tiền thanh toán việc mua máy móc thiết bị cho dự án nhiệt điện Sông Hồng, Nguyễn Văn Tuyên đã ký hợp đồng mua bán thép đóng tàu khống với Cty Cửu Long để hợp thức hồ sơ giải ngân.
Ngày 13/7/2006, Nguyễn Văn Tuyên mang hợp đồng kèm bản photocopy hóa đơn GTGT liên 1 số 16421 của Cty Cửu Long có chữ ký sao y bản chính của Chủ tịch HĐQT Cty Cửu Long đến Viện Khoa học công nghệ tàu thủy và Cty Tài chính công nghiệp tàu thủy, nay là Cty tài chính TNHH MTV công nghiệp tàu thủy (VFC) gặp TGĐ VFC Trịnh Thị Hậu nhờ duyệt giải ngân.
Mặc dù hồ sơ xin giải ngân chưa đủ thủ tục pháp lý, nhưng Trịnh Thị Hậu đã giao cho Phạm Thị Mai Hiên - cán bộ tín dụng VFC - làm thủ tục. Nguyễn Văn Tuyên chỉ đạo Đỗ Đình Côn - kế toán trưởng Cty Hoàng Anh - lập khống các thủ tục để hợp thức hồ sơ giải ngân 42,8 tỉ đồng theo hợp đồng khống. Tiếp đến, tháng 8/2006, Trịnh Thị Hậu đã ký vào 4 dự án đóng tàu được lập khống để lấy vốn trái phiếu quốc tế giải ngân cho dự án nhiệt điện Sông Hồng...
Từ những sai phạm này, cơ quan công tố cáo buộc Phạm Thanh Bình, với tư cách là chủ tịch HĐQT phê duyệt dự án đầu tư xây dựng NM nhiệt điện Sông Hồng không có trong quy hoạch phát triển hệ thống lưới điện quốc gia; không lập báo cáo đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư đối với dự án nhóm A; không xây dựng thiết kế cơ sở để trình cấp có thẩm quyền thẩm định trước khi phê duyệt dự án nhóm A; cho phép sử dụng vốn vay để thực hiện dự án sai mục đích... gây thiệt hại cho Nhà nước 316,5 tỉ đồng.
Với tư cách là chủ đầu tư, Nguyễn Văn Tuyên đã chỉ đạo Đỗ Đình Côn và Cty Hoàng Anh cố ý làm trái trong việc thực hiện các thủ tục đầu tư dự án, làm giả hồ sơ giải ngân để vay vốn trái phiếu quốc tế... Trong quá trình điều tra, còn phát hiện Nguyễn Văn Tuyên đã lập khống chứng từ để rút 4,5 tỉ đồng từ quỹ của Cty Hoàng Anh, có dấu hiệu của tội “tham ô tài sản” vì vậy Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “tham ô tài sản” và ra quyết định tách vụ án để tiếp tục điều tra xử lý sau.
Theo Chí Tùng