Mổ xẻ "chuyện dài kỳ" trong đời sống chung cư

(Dân trí) - Vì cho rằng Ban quản trị nhà chung cư không có tư cách pháp lý, không có chuyên môn quản lý vận hành tòa nhà nên nhiều ý kiến đề xuất loại bỏ tổ chức do cư dân chung cư bầu ra này.

Phát biểu trong hội thảo "Hoạt động quản lý vận hành tòa nhà: thực trạng và giải pháp" tổ chức tại Hà Nội ngày 6/10, ông Nguyễn Ngọc Thành, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Hải Phòng cho rằng, việc duy trì một ban quản trị chỉ lo mỗi việc trực tiếp quản lý phí dịch vụ và bảo trì chung cư là không cần thiết và khiến mọi việc trở nên rắc rối.
 
Những bất cập về phí dịch vụ khiến nổ ra nhiều tranh chấp tại các chung cư trong thời gian qua
Những bất cập về phí dịch vụ khiến nổ ra nhiều tranh chấp tại các chung cư trong thời gian qua
 
Cụ thể về những rắc rối này, ông Thành nhìn nhận cách tính phí dịch vụ hiện nay của bộ Xây dựng đưa ra  “còn phức tạp hơn công thức tính đàn hồi trong đúc bê tông” với dẫn chứng với rất nhiều số liệu và công thức rất khó hiểu như “số thời gian sử dụng dịch vụ’, “lợi nhuận định mức hợp lý”, “hệ số giảm giá dịch vụ”…
 
Dẫn lại  mô hình quản lý chung cư của Singapore, phí dịch vụ chung cư không tính theo diện tích mà tính theo cấp công trình. Trên thực tế, phí dịch vụ nguyên nhân của hàng loạt tranh chấp trong thời gian qua, Hà Nội đã có văn bản đề nghị xóa bỏ phí dịch vụ tối  đa 4 nghìn đồng/m2.
 
Ngoài cách tính phí dịch vụ, theo ông Thành phí bảo trì cũng là trở ngại đáng kể với việc vận hành tòa nhà chung cư. “Phí bảo trì rất khó thu. Thu rồi rất khó quản lý. Việc thu và quản lý khó bởi pháp lý của tổ chức ban quản trị không có tư cách pháp nhân. Không thể để cả trăm người giao một khoản tiền lớn để cho vài người quản lý và sử dụng”.
 
Để giải quyết vướng mắc về phí bảo trì này, ông Thành nên để trách nhiệm bảo trì tòa nhà cho chủ đầu tư bằng cách gắn nội dung phí bảo trì vào hợp đồng mua nhà, nếu người mua thấy hợp lý thì lựa chọn.
 
Ông Thành nói chất lượng chung cư không chỉ phụ thuộc ở chất lượng căn hộ mà còn có yếu tố chất lượng quản lý. Theo ông Thành để nâng cao chất lượng quản lý chung cư thì cần phải có quy định về chứng chỉ hành nghề đối với ban quản lý nhà chung cư.
 
Ông Phan Thành Mai, Tổng Thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam cho rằng những tranh chấp liên quan về phí dịch vụ trong thời gian qua nguyên nhân không chỉ nằm ở “giá cao hay thấp mà nằm ở chất lượng dịch vụ và sự minh bạch”.
 
Đồng quan điểm phải hướng chuyên nghiệp trong quản lý vận hành tòa nhà, theo ông Mai mô hình quản lý các tòa nhà chung cư nên  là công ty cổ phần phi lợi nhuận.
 
Về cơ cấu, mô hình công ty cổ phần này có tư cách pháp nhân, có chức năng quản lý nhà chung cư theo quy định. Tại công ty này, mỗi chủ sở hữu là thành viên, tỷ lệ biểu quyết theo tỷ lệ diện tích sở hữu trển tổng diện tích công trình. Trong trường hợp công ty này không có khả năng quản lý nhà chung cư thì cần thuê đơn vị có chức năng quản lý nhà chung cư.
 
Tại hội thảo có rất nhiều tiếng nói đến từ cơ quan quản lý nhà nước (sở Xây dựng Hà Nội và bộ Xây dựng), các chủ đầu tư đang vận hành nhà chung cư và các chuyên gia để bàn về quản lý vận hành tòa nhà chung cư. Tuy nhiên, những người trong cuộc là các ban quản trị tòa nhà lại ít ỏi. Chỉ duy nhất một trường hợp đến từ ban quản trị nhà chung cư ở Hà Nội không nằm trong danh sách tham luận nêu ý kiến trong hội thảo.
 
Theo Phó trưởng ban quản trị của tòa chung cư cao cấp trên đường Bà Triệu (Hà Nội) để vận hành tòa nhà hiện nay, các quy định về phí dịch vụ, phí bảo trì, quy định sở hữu chung, riêng đều đã có từ các văn bản pháp luật. Tuy có quy định nhưng vấn đề ở chỗ thiếu chế tài xử lý những người làm sai hoặc không làm theo quy định.
 
Vị đại diện đến từ cư dân chung cư nói các đại biểu đều nói tới việc không cần thiết thành lập mô hình ban quản trị nhưng thực tế mọi việc ở tòa nhà chung cư  thì “dù việc nhỏ nhất như khử mùi ống nước dân chẳng biết kêu ai, kêu chủ đầu tư chẳng đoái hoài thì chính người trong ban quản trị lại phải đi lo việc sửa chữa đường ống này”.
 
Thông Chí