TPHCM:

Mở “nút thắt” cho kiều bào, người nước ngoài mua nhà

(Dân trí) - Luật Nhà ở 2014 đã mở ra “luồng gió mới”, là cú “hích” cho thị trường bất động sản trong giai đoạn tới. Từ đây, hơn 4 triệu Việt kiều, đặc biệt là ít nhất 1 triệu kiều bào đến tuổi về hưu có cơ hội trở về làm việc, sinh sống. Tuy nhiên, hiện vẫn có nhiều nút thắt khiến người mua e dè.

Ngày 14/9, tại TPHCM đã diễn ra hội thảo “Mở nút thắt cho Việt kiều, người nước ngoài mua nhà ở Việt Nam” thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia kinh tế, nhà đầu tư trong và ngoài nước, đại diện Bộ Xây dựng, Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM…

Ths Robert Trần (giữa) cho biết, người nước ngoài quen với mô hình mua sản phẩm bất động sản hoàn chỉnh
Ths Robert Trần (giữa) cho biết, người nước ngoài quen với mô hình mua sản phẩm bất động sản hoàn chỉnh

Kiều bào mua nhà là nguyện vọng chính đáng

Ông Trần Hoà Phương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cho biết, Đảng và Nhà nước xác định, người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, là nhân tố quan trọng trong thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Họ là con Lạc cháu Hồng rải khắp 109 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Có gần 4,5 triệu người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó, ở Mỹ 2,2 triệu người, Pháp 300 ngàn người, Nga, Séc, mỗi quốc gia 60 ngàn người…

Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực của Việt Nam. Trong những năm qua, lượng kiều hối đổ về Việt Nam, nhất là TPHCM luôn cao và đầu tư vào sản xuất kinh doanh, trong đó có bất động sản. Hiện nay kiều hối của Việt Nam đứng thứ 10 trong số các quốc gia nhận kiều hối nhiều nhất trên thế giới.

Ông Phương cũng cho hay, những năm gần đây, có khoảng 1 triệu lượt kiều bào về nước qua cửa khẩu Tân Sơn Nhất. Số lượng kiều bào hồi hương ngày càng nhiều hơn.

“Nguyện vọng mua nhà, sở hữu nhà của họ là hợp pháp, chính đáng. Việc ban hành các chế định, đạo luật để tạo điều kiện cho kiều bào sở hữu nhà tại Việt Nam là công tác của cả hệ thống chính trị”, ông Phương nói.

Chia sẻ với góc độ không chỉ là chuyên gia tài chính mà còn là một Việt kiều, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, ông đã ở Mỹ 30 năm và về Việt Nam làm việc được 6 năm qua. Tuy nhiên, khoảng thời gian ở Việt Nam, cũng như nhiều kiều bào khác, ông Hiếu gặp nhiều khó khăn khi không được mua nhà.

Luật Nhà ở 2014 đã cho phép kiều bào, người nước ngoài được mua và sở hữu nhà tại Việt Nam đã mở ra “luồng gió mới”. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc mở rộng đối tượng được mua nhà này sẽ là cú “hích” cho thị trường bất động sản trong giai đoạn tới.

Từ đây, hơn 4 triệu Việt kiều, đặc biệt là ít nhất 1 triệu kiều bào đến tuổi về hưu họ có cơ hội trở về làm việc và sống những ngày cuối đời trên quê hương xứ sở của mình.

Người nước ngoài mua nhà Việt Nam còn ở dạng tìm hiểu, thăm dò
Người nước ngoài mua nhà Việt Nam còn ở dạng tìm hiểu, thăm dò

"Nút thắt" nào cần gỡ?

Với góc độ doanh nghiệp đầu tư bất động sản, ông Đặng Chính Thắng, Phó TGĐ Đất Xanh miền Nam cho rằng, chính sách cho người nước ngoài, Việt kiều mua nhà sẽ là cú hích mạnh cho nguồn vốn ngoại chảy vào Việt Nam. Trong 2 tháng qua, có khoảng 10% người nước ngoài quan tâm đến các dự án bất động sản và mức giá phù hợp khoảng 1,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo ông Thắng, quy định giới hạn người nước ngoài chỉ mua được 30% căn hộ trong dự án và 250 căn hộ/phường là một bất cập.

Ông Đặng Chính Thắng kiến nghị, không chỉ gia tăng số lượng căn hộ/phường mà còn sớm ban hành các hướng dẫn, quy định khu vực nào được bán căn hộ cho người nước ngoài… để khách hàng không ngần ngại và chỉ dừng ở mức độ tìm hiểu, thăm dò, đặt cọc như hiện nay. “Nếu những nút thắt này được tháo gỡ thì thị trường bất động sản sẽ phát triển hơn”, ông Thắng nói.

Trong khi đó, ông Lê Ngọc Lâm, Việt kiều Nhật cho biết, hầu hết tâm trạng hoài hương của người Việt xa xứ rất mãnh liệt. “Ở tuổi 50, ai cũng muốn về”, ông Lâm tâm sự.

Ông Lâm cho rằng, nên phân biệt bán nhà cho người nước ngoài và Việt kiều. Độ mở cho người nước ngoài nên thận trọng, từng bước và tùy đối tượng. Còn với Việt kiều nên mở tối đa và cần có phân khúc phù hợp bởi không phải Việt kiều nào cũng giàu.

Nói về sự chậm trễ khiến việc người nước ngoài, Việt kiều chưa tiếp cận được nhà ở dù Luật Nhà ở 2014 đã có hiệu lực, ông Lâm khẳng định: “Nút thắt hiện nay là ở Bộ Xây dựng. Các anh làm liền, làm lẹ đi. Chậm quá rồi”.

Với tư cách là chuyên gia tư vấn chiến lược, nhà đầu tư, đồng thời là một Việt kiều Canada, Ths Robert Trần cho biết, người nước ngoài quen với mô hình chủ đầu tư xây dựng dự án bất động sản hoàn chỉnh rồi bán thì người dân mới mua. Còn ở Việt Nam thì bán căn hộ khi mới chỉ là dự án điều này khiến người nước ngoài khá e dè.

“Những sản phẩm bất động sản ở Việt Nam muốn tiếp cận khác hàng nước ngoài thì mô hình sale và nhiều vấn đề khác phải điều chỉnh lại. Cách tiếp cận không rõ ràng, cách giải thích chưa làm cho khách hàng nước ngoài tin và đầu tư vào Việt Nam. Muốn tiếp cận người nước ngoài phải là sản phẩm hoàn chỉnh chứ không phải là dự án. Với mô hình kinh doanh bất động sản hiện tại thì khó lòng bán được cho những người nước ngoài, Việt kiều”, Ths Robert Trần nói.


Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, Luật Nhà ở 2014 mới có hiệu lực được 2 tháng nên có độ “trễ” nhất định. 

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, Luật Nhà ở 2014 mới có hiệu lực được 2 tháng nên có độ “trễ” nhất định. 

Trả lời câu hỏi: “Nút thắt hiện nay là cái gì?”, ông Trần Hoà Phương, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cho rằng, đó là việc chậm triển khai các nghị định, thông tư. Thủ tục hành chính còn chưa được đơn giản hóa, còn có giấy này kèm theo giấy kia.

Về góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho rằng, Luật Nhà ở 2014 mới có hiệu lực được 2 tháng nên có độ “trễ” nhất định. Việc người nước ngoài, kiều bào chưa mua nhà nhiều theo luật mới cũng là điều đơn giản bởi thông thường khi áp dụng chính sách thì thời gian đầu thị trường luôn đón nhận theo dạng… nghe ngóng. Do đó, những hạn chế về việc áp dụng chính sách nhà ở cho người nước ngoài, Việt kiều cần có thời gian để kiểm chứng.

“Việc được mua 250 căn hộ/phường hoặc 30% số căn hộ trong một dự án thì Quốc hội đã quyết rồi. Thủ tục, trình tự mua nhà giữa bà con Việt kiều, người nước ngoài với người Việt Nam không có gì khác cả. Nút thắt chính là văn bản. Hy vọng trong tháng 9, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể”, ông Khởi nói.

Công Quang

 

Mở “nút thắt” cho kiều bào, người nước ngoài mua nhà - 4