1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

“Mở khoá” cho vay ngoại tệ: Có nới trần lãi suất huy động USD?

(Dân trí) - Theo đánh giá của giới chuyên gia, việc mở lại cho vay ngoại tệ sẽ tạo áp lực tới chính sách lãi suất huy động USD thời gian tới. Hiện Ngân hàng Nhà nước đang duy trì trần lãi suất huy động USD ở mức 0%...

“Mở khoá” cho vay ngoại tệ

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng vừa ký ban hành Thông tư số 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 24 về quy định cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (TCTD) đối với khách hàng vay là người cư trú.

Theo đó, TCTD được phép hoạt động ngoại hối xem xét quyết định cho khách hàng là người cư trú vay vốn bằng ngoại tệ để đáp ứng các nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới Việt Nam mà khách hàng vay có đủ ngoại tệ từ nguồn thu xuất khẩu để trả nợ vay.

Quy định này thực hiện đến hết ngày 31/12/2016. Trước đó, theo Thông tư 24, các doanh nghiệp xuất khẩu bắt đầu không được vay vốn bằng ngoại tệ từ ngày 31/3/2016. Quy định này bị cho là bất cập, làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp và không nhận được sự ủng hộ của thị trường. Bằng chứng là sau khi bị cấm, ngân hàng có nhiều loại sản phẩm “lách luật” như: Cho vay VND có đảm bảo bằng ngoại tệ, cho vay VND theo lãi suất USD, cho vay VND tính theo lãi suất EUR...


Chính thức “mở khoá” cho vay ngoại tệ

Chính thức “mở khoá” cho vay ngoại tệ

Theo đánh giá của TS. Cấn Văn Lực, Giám đốc trường Đào tạo cán bộ BIDV, việc cho vay lại ngoại tệ sẽ thúc đẩy nhu cầu ngoại tệ trong thời gian tới, nhưng không nhiều và về cơ bản hệ thống ngân hàng đã huy động được lượng ngoại tệ trong thời gian vừa qua.

Ủng hộ biện pháp của Ngân hàng Nhà nước, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho rằng: Tình hình kinh tế năm nay có vẻ không tích cực như mong muốn, GDP 3 tháng đầu của 2016 thấp hơn dự báo và nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.

Do đó, với nền kinh tế Việt Nam dựa rất nhiều vào xuất khẩu, để hỗ trợ nền kinh tế, xuất khẩu thì “việc cho các doanh nghiệp xuất khẩu được vay ngoại tệ để giảm chi phí là điều cần thiết”, ông Hiếu bình luận.

Liệu việc “mở khoá” cho vay ngoại tệ có tác động tới tỷ giá, ông Hiếu cho rằng: “Sẽ tác động tới tỷ giá bằng cách này hay cách khác. Trước đây, NHNN ngưng cho vay ngoại tệ với những doanh nghiệp sản xuất trong nước có nguồn ngoại tệ, nó làm giảm phần nào nhu cầu ngoại tệ. Bây giờ cho mở lại thì nhu cầu ngoại tệ tăng lên vì các ngân hàng cho vay ngoại tệ phải tìm nguồn ngoại tệ để cân đối dòng vốn của họ. Chính vì thế sẽ làm tăng cầu ngoại tệ”.

Dữ liệu từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tín dụng ngoại tệ chiếm khoảng 10% trong tổng dư nợ của nền kinh tế. Vậy nên, đối tượng được hưởng lợi từ quyết định “mở khóa” ngoại tệ của NHNN không nhiều, do đó, nó sẽ không ảnh hưởng nhiều đến mục tiêu chống đô la hóa nền kinh tế.

Có nới trần lãi suất huy động USD?

Theo đánh giá của TS.Cấn Văn Lực, việc mở lại cho vay ngoại tệ sẽ tạo áp lực tới lãi suất huy động USD thời gian tới. Hiện NHNN đang duy trì trần lãi suất huy động USD ở mức 0%, nhằm thực hiện chủ trương chống đô la hóa của Chính phủ, chuyển từ quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ sang quan hệ mua - bán bằng ngoại tệ.

Nhưng với quy định mới về “cởi trói” cho vay ngoại tệ, TS. Lực kiến nghị Thống đốc Lê Minh Hưng phải cân nhắc thêm về chính sách lãi suất 0%. “Có thể lãi suất USD phải sửa đổi một chút lên 0,25% để lượng USD vào hệ thống ngân hàng nhiều hơn. Như thế mới có tiền cho vay doanh nghiệp xuất khẩu theo như tinh thần nới lỏng hiện nay”, ông Lực nhấn mạnh.

Dĩ nhiên, theo vị chuyên gia này, ngành ngân hàng chỉ nên tăng lãi suất huy động USD với dân cư, như thế tiền sẽ vào hệ thống ngân hàng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng tốt hơn. “Thời gian qua, nếu Thống đốc không chấn chỉnh thì hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục huy động USD không phải với lãi suất 0%, mà là 0,25% hoặc 0,5%. Có nghĩa, các ngân hàng đang phải lách trần, nếu nâng lên sẽ là hình thức để hợp thức hóa đối với hoạt động huy động này”, ông Lực nói.

Theo thống kê từ BIDV, trong tháng 5/2016, thị trường ngoại hối tương diễn biến đối ổn định, tỷ giá có xu hướng tăng nhẹ và dao động trong biên độ 22.290 VND - 22.320 VND. Các yếu tố tác động chủ yếu gồm: Thị trường ngoại hối quốc tế đang dịch chuyển theo hướng tăng giá USD; Kỳ vọng Fed nâng lãi suất, NHNN đã chủ động điều chỉnh tỷ giá trung tâm tăng theo diễn biến của thị trường quốc tế cũng như tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng.

Thị trường ngoại hối được dự báo sẽ duy trì sự ổn định trong tháng 6 do cán cân thương mại vẫn ở mức tích cực dự kiến trong tháng 6/2016, tỷ giá biến động trong biên độ 22.300 VND - 22.500 VND, nửa sau năm 2016 nếu như các số liệu kinh tế Mỹ tiếp tục diễn biến lạc quan.

Hiền Minh

“Mở khoá” cho vay ngoại tệ: Có nới trần lãi suất huy động USD? - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm