Mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi sẽ ngăn ngừa được dịch bệnh
(Dân trí) - Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Chăn nuôi cho biết, đơn vị này đã phối hợp các đơn vị liên quan và các địa phương thúc đẩy phát triển mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm và kết nối thị trường. Năm 2018, đã khởi công và hoàn thành nhiều hạng mục lớn.
Điển hình như nhà máy chế biến thịt lợn tại Hà Nam của Tập đoàn Masan công suất 140 nghìn tấn thịt lợn/năm với công nghệ hiện đại cho thương hiệu Meat Deli, đã khánh thành và đi vào hoạt động ngày 23/12 vừa qua.
Cũng theo ông Dương, Cục Chăn nuôi cũng đang tiếp tục phối hợp, hỗ trợ các doanh nghiệp triển khai xuất khẩu lợn mạnh sang Myanmar, xuất khẩu thịt gà sang Nhật Bản và các cơ sở xuất khẩu lợn sữa, lợn choai sang Hồng Công (Trung Quốc), Singapore, Malaysia…. Phối hợp với các cơ quan, hỗ trợ hoàn thiện dự án xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đối với gia cầm và chuỗi thịt gà 4A phục vụ xuất khẩu tại địa bàn tỉnh Thanh Hóa...
Nói về vấn đề kiểm soát tình hình dịch bệnh, ông Dương cho biết, chăn nuôi theo kiểu nông hộ và trang trại nhỏ lẻ rất khó đảm bảo an toàn sinh học.
"Tôi lấy ví dụ, một người từ lò mổ về rồi đi mua lợn của các hộ dân ngay, nên nguy cơ người này đem dịch bệnh đến rất cao. Ngoài ra, các hộ dân còn tận dụng các thức ăn thừa ở chợ, hàng quán rồi đem về nấu cho lợn ăn, từ đó nguy cơ nhiễm các dịch bệnh rất cao. Người nông dân còn làm đủ mọi việc, đi chỗ này chỗ khác, có khi còn đến cả chỗ có dịch bệnh sau đó về nhà lại cho lợn, cho gà ăn ngay chứ chẳng ai thay quần áo, tắm giặt sạch sẽ rồi mới làm công việc này. Bên cạnh đó, chăn nuôi theo kiểu nông hộ đến khi có dịch bệnh cách ly gia súc, gia cầm ra ngoài rất khó" – ông Dương nói thêm.
Từ phân tích trên, ông Dương cho biết, mô hình chuỗi liên kết trong chăn nuôi, giết mổ, chế biến thực phẩm và kết nối thị trường sẽ kiểm soát rất tốt dịch bệnh, từ đó đưa ra thị trường những sản phẩm an toàn, chất lượng.
"Các trang trại lớn chăn nuôi họ tự chủ được nhiều khâu như: tự sản xuất được thức ăn chăn nuôi đạt tiêu chuẩn chất lượng để phục vụ cho trang trại chăn nuôi của họ. Trang trại chăn nuôi xây dựng cách xa khu dân cư, nằm trong vùng quy hoạch an toàn dịch của địa phương, chuồng trại đạt chuẩn, hệ thống xử lý nước thải cũng đạt chuẩn theo quy định của nhà nước, từ đó họ kiểm soát tốt vấn đề dịch bệnh. Quá trình chăn nuôi tại trang trại, họ tiêm phòng các loại dịch bệnh theo định kỳ. Những con lợn đến tuổi trưởng thành sẽ được đem đi đến cơ sở giết mổ hiện đại, sản phẩm thịt sau đó phân phối vào hệ thống chuỗi, nên đảm bảo an toàn từ trang trại đến bàn ăn" – ông Dương cho biết.
Phát biểu tại lễ khánh thành Tổ hợp chế biến thịt MNS Meat Hà Nam vào ngày 23/12 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Cường – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, sự kiện khánh thành Tổ hợp chế biến thịt Hà Nam đã vượt qua giá trị thành công ban đầu của doanh nghiệp, đây là sự kiện quan trọng của ngành nông nghiệp vì tổ hợp này góp phần giải quyết những khâu khó nhất của ngành chăn nuôi là chế biến và phân phối. Người tiêu dùng hiện nay có nhu cầu và quyền đòi hỏi tiêu dùng những sản phẩm sạch, giá cả phù hợp để bảo vệ sức khỏe.
"Bắt đầu từ tổ hợp này, doanh nghiệp cần xây dựng các chuỗi phân phối, đưa sản phẩm đến người tiêu dùng một cách tiện lợi và văn minh nhất, nếu không làm được thì trước hết có lỗi với 100 triệu người tiêu dùng VN chứ chưa nói đến xuất khẩu", ông Cường nói.
Hệ thống xử lý nước thải được theo dõi qua rada.
Tổ hợp chế biến thịt Meat Hà Nam là mảnh ghép quan trọng cuối cùng để hoàn thiện mô hình tích hợp hoàn chỉnh chuỗi giá trị thịt "3F" của Masan. Khởi đầu chuỗi giá trị thịt bằng chữ F (Feed) đầu tiên sản xuất thức ăn chăn nuôi chất lượng đạt chuẩn, không có chất cấm và sử dụng công nghệ đột phá bio-zeem vừa góp phần gia tăng năng suất ngành thức ăn chăn nuôi lại không chứa chất cấm gây hại đến sức khỏe người tiêu dùng.
Chữ F thứ hai là trang trại (Farm), nguồn cung cấp heo an toàn và khỏe mạnh, chọn lọc khắt khe nguồn heo khỏe và áp dụng công nghệ nuôi heo khép kín theo tiêu chuẩn thế giới tại Công ty TNHH MNS Farm Nghệ An (Quỳ Hợp – Nghệ An). Quy trình sản xuất tại đây được thực hiện như sau: Chọn lọc giống đạt chuẩn; Quy trình nuôi khép kín; Thức ăn được cung cấp từ nhà máy MNS FEED Nghệ An đạt tiêu chuẩn Global G.A.P; Nước uống sạch, đạt chuẩn kiểm định; Kiểm soát an ninh sinh học khắt khe toàn bộ; Áp dụng các quy định về tiêu chuẩn của Global G.A.P (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu); Truy suất nguồn gốc rõ ràng; Quy trình và công nghệ xử lý nước thải hàng đầu Việt Nam hiện nay.
Heo xuất chuồng tại Farm Nghệ An đạt tiêu chuẩn G.A.P: Người tiêu dùng truy suất được nguồn gốc, lý lịch của heo; Không chất kích thích tăng trưởng và an thần; Thức ăn cho heo đạt tiêu chuẩn G.A.P; Nước uống sạch, đạt chuẩn quy định; Quy trình chăn nuôi được kiểm soát nghiêm ngặt; Quy trình kiểm soát dịch bệnh khắt khe, đảm bảo an toàn sinh học; Đảm bảo an toàn vệ sinh thú y, vệ sinh thực phẩm; Đảm bảo chất lượng dinh dưỡng trong thịt cao.
Chữ F (Food) thứ ba là quy trình chế biến độc đáo đạt chuẩn châu Âu, lần đầu có mặt tại Việt Nam giúp cho miếng thịt mát được kiểm soát nghiêm ngặt về tiêu chuẩn và kỹ thuật và có thời gian sử dụng lên tới 12 ngày.