"Miếng bánh lớn" của ngân hàng ngoại ở Việt Nam

Không ồn ào nhưng các ngân hàng (NH) ngoại đang âm thầm thể hiện sức mạnh và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Có những lĩnh vực, chỉ ông lớn ngoại chia thị phần với nhau, đã tạo nên sự khác biệt lớn so với NH trong nước.

Cuộc chơi với ông lớn

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Ngày 4/4, một giao dịch thỏa thuận đột biến với gần 22 triệu cổ phiếu VIC với tổng trị giá lên tới 70 triệu USD gây chấn động toàn thị trường. Đây là một giao dịch lớn nhất đối với một DN dân doanh, đồng thời là giao dịch bán cổ phiếu lớn nhất trên TTCK thứ cấp tại Việt Nam năm 2014. Công bố cho thấy, đây là thương vụ bán cổ phần cho các NĐT quốc tế do Credit Suisse và Morgan Stanley cùng là tư vấn.

Trước đó, cuối 2013, Credit Suisse đóng vai trò là nhà điều phối toàn cầu, và cùng với Deutsche Bank và ING đã thu xếp cho Vingroup trở thành DN tư nhân đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế thu về 200 triệu USD.

Trong khi đó, các vụ tư vấn M&A như: Warburg Pincus đầu tư 200 triệu USD vào Vincom Retail năm 2013; Vingroup chuyển nhượng Vincom Center A TP.HCM với giá hơn 470 triệu USD; Masan bán 10% Masan Consumer cho KKR của Mỹ giá 200 triệu USD; Vietcombank bán 15% cho Mizuho với giá 567 triệu USD... cũng cho thấy cuộc chơi triệu đô của NH đầu tư nước ngoài vào các tập đoàn, DN lớn Việt Nam.

Các ngân hàng ngoại đang âm thầm thể hiện sức mạnh và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam

Các ngân hàng ngoại đang âm thầm thể hiện sức mạnh và chiếm lĩnh thị trường Việt Nam

Tính từ 2001, tổ chức này đã huy động vốn trị giá hơn 6 tỷ USD cho Chính phủ, cho các DN trong và ngoài nước tại Việt Nam với nhiều gương mặt lớn khác như: Hoàng Anh Gia Lai, Ocean Group, Vinacomin, PetroVietnam, EVN, SSI, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt... Credit Suisse đã được chọn là Ngân hàng Đầu tư quốc tế tốt nhất tại Việt Nam trong năm 2014. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Credit Suisse giữ vững vị thế này sau những thương vụ lớn ở Việt Nam và Đông Nam Á.

Bên cạnh những Credit Suisse, Morgan Stanley, Deutsche Bank và ING nói trên, giới tài chính còn chứng kiến các ngân hàng đầu tư ngoại làm mưa làm gió tại Việt Nam như HSBC, Standard Chartered Bank...

Hồi đầu tháng 11/2014, HSBC, Standard Chartered Bank và Deutsche Bank đóng vai trò là tổ hợp quản lý cho đợt phát hành trái phiếu quốc tế 1 tỷ USD cho Chính phủ Việt Nam với lãi suất khá thấp.

Đầu tháng 12/2014, Standard Chartered và Ngân hàng Societe Generale Corporate and Investment cũng đã hỗ trợ Masan Consumer phát hành trái phiếu thành công 2.100 tỷ đồng trái phiếu thời hạn 10 năm lần đầu tiên với sự bảo lãnh từ tổ chức đầu tư và bảo lãnh tín dụng CGIF thuộc ADB.

Bên cạnh đó, hàng loạt các vụ phát hành trái phiếu quốc tế của các tập đoàn lớn trong các năm trước đó như: Vinacomin, Vingroup, BIDV, HAG...cũng đều được các ngân hàng đầu tư lớn của thế giới đang hoạt động tại Việt Nam thu xếp. Và đây dường như là 'miếng bánh' thị phần mà NH Việt Nam khó với được.

Lối đi riêng

Điều dễ nhận thấy là các NH ngoại ở Việt Nam có chiến lược hoạt động khá rõ ràng và có thể chia thành một số nhóm khác nhau như: ngân hàng đầu tư, ngân hàng bán lẻ, ngân hàng tài trợ cho hoạt động thương mại, hỗ trợ các DN FDI tại Việt Nam...

Nhóm ngân hàng đầu tư bao gồm các cái tên quen thuộc như: Standard Chartered Bank, Credit Suisse, Deutsche Bank, Morgan Stanley, HSBC, ING, CitiGroup và một số cái tên lớn khác nhưng chưa nổi ở Việt Nam như: Goldman Sachs, JP Morgan Chase, Barclays, Bank of America Merrill Lynch, UBS.

Nhóm ngân hàng này tập trung chủ yếu vào việc tài trợ vốn cho các DN, các cá nhân và thậm chí cả các chính phủ trong và ngoài nước với nhiều loại hình cấp vốn như: IPO cổ phần và nợ, chào bán trái phiếu, M&A, quản lý danh mục đầu tư...

Nhìn chung, nhóm này thường tập trung vào các khách hàng lớn và những vụ có tầm cỡ khu vực và thế giới, giúp khách hàng tiếp cận vốn từ khắp các nước.

Một số ngân hàng nước ngoài khác tập trung vào mảng ngân hàng bán lẻ "đầy tiềm năng và hứa hẹn sẽ phát triển vượt bậc" của Việt Nam như ANZ, HSBC, CitiBank... với trọng điểm, nhắm tới nhóm khách hàng cao cấp và nhóm khách hàng triển vọng có nhu cầu đa dạng cùng với những đòi hỏi chất lượng dịch vụ cao. Với những bước đi khôn ngoan và kết nối trực tiếp tới khách hàng, chính sách tốt cho các đối tác liên kết đã giúp các NH này nhanh chóng chiếm lĩnh một thị phần lớn tại Việt Nam.

Một số ngân hàng nước ngoài có chi nhánh tại Việt Nam tập trung vào việc tài trợ cho hoạt động thương mại, hỗ trợ các DN FDI tại Việt Nam như Korea Exchange Bank, Industrial Bank of Korea, Woori, Taipei Fubon, Malayan Banking Berhad, Bank of China, ICBC, China Construction Bank, Mizuho... Nổi bật trong nhóm này là các ngân hàng đến từ Hàn Quốc. Hoạt động đầu tư và thương mại mạnh mẽ, cũng như cộng đồng DN Hàn tại Việt Nam rất đông đã tạo nên một chiến lược kinh doanh biệt lập của nhóm các ngân hàng này.

Gần đây, nhiều ngân hàng trong khu vực đang đẩy mạnh sự hiện diện tại Việt Nam. Cuối 2013, Industrial Bank of Korea của Hàn Quốc đã mở thêm chi nhánh thứ 2 tại Việt Nam, trong khi Taipei Fubon cũng nhanh chóng mở rộng mạng lưới hoạt động. NH lớn thứ hai Malaysia - CIMB Group Holdings BHD đang có kế hoạch xin giấy phép để hiện diện tại Việt Nam. Trong khi đó, ngân hàng lớn nhất Malaysia là Maybank cũng đã có 2 chi nhánh tại Việt Nam và là cổ đông chiến lược của ABBank.

Có thể thấy, với hàng loạt các hiệp định tự do thương mại và kinh tế có hiệu lực hoặc được ký kết trong năm 2015 như AEC, Việt Nam - EU, ASEAN + 6, RCEP, TPP, cam kết WTO..., các ngân hàng nước ngoài, nhất là các ngân hàng khu vực sẽ tập trung nhiều hơn vào Việt Nam. Quy mô, chiến lược kinh doanh bài bản của họ sẽ là một thách thức lớn đối với các ngân hàng trong nước ngay trên thị trường nội địa.

Theo Mạnh Hà
VEF
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”