1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Mệt mỏi tìm chỗ bán vàng

Một tuần sau khi hệ thống mua bán vàng miếng trên cả nước được dồn cho các ngân hàng, tại nhiều địa bàn, đặc biệt là các tỉnh xa, người dân chạy vòng vòng vẫn không tìm ra điểm mua bán vàng miếng.

Trong khi đó nhiều ngân hàng (NH) do chưa có đủ nhân lực nên đăng ký điểm mua bán vàng để giữ chỗ chứ chưa triển khai. Số khác mua vàng của người dân mà nơm nớp lo vàng nhái.
Người dân chạy vòng vòng vẫn không tìm ra điểm mua bán vàng miếng. (ảnh minh họa)
Người dân chạy vòng vòng vẫn không tìm ra điểm mua bán vàng miếng. (ảnh minh họa)

 

Đăng ký để... giữ chỗ

 

Bà L.A. (Xuân Lộc, Đồng Nai) nói trước đây cần tiền muốn bán 1-2 chỉ vàng rất dễ, chỉ cần ra tiệm vàng đầu đường, nhưng nay thì không thể. NH Nhà nước không cấp phép cho các tiệm vàng nhỏ lẻ mua bán vàng miếng nên họ không dám mua hoặc ép giá mua xuống thấp. Muốn bán vàng, bà phải đến điểm gần nhất là NH tại thị xã Long Khánh, cách nhà 7-8km mới bán được vàng.

 

Ông Lê Phát Vinh, giám đốc SJC Cần Thơ - một công ty con của Công ty SJC, phản ảnh tình trạng nhiều chi nhánh NH trên địa bàn xin cấp phép chỉ để giữ chỗ chứ chưa mua bán vàng miếng, chi nhánh NH có giao dịch vàng thì kiểm định rất khắt khe. Ông Vinh cho biết do không được cấp phép mua bán vàng miếng nên hằng ngày vẫn phải hướng dẫn người dân các điểm được NH Nhà nước cấp phép để họ đem vàng đến bán.

 

Tuy nhiên nhiều người vòng đi rồi vòng về vì có NH chỉ mua miếng vàng loại 1 lượng, miếng vàng nhỏ loại 1-2 chỉ không mua. Miếng vàng mà bao bì bị xì, lủng bọc, miếng vàng có bao bì cũ NH cũng từ chối vì ngại rủi ro. Trong khi trước đây các tiệm vàng vẫn mua các miếng vàng này và chỉ trừ phí dập, ép bao.

 

Chị T. (Q.Bình Tân, TP.HCM) nói ít người dân nào tìm vào website của NH Nhà nước để xem mà đến các chi nhánh, phòng giao dịch của NH gần địa bàn mình sinh sống. Tuy nhiên nhiều NH chỉ triển khai mua bán vàng ở vài nơi, không phải đại trà, lại không có dấu hiệu nhận biết giữa chi nhánh được cấp phép mua bán vàng và chi nhánh không được cấp phép. Mua bán ở NH cũng không linh động được vì 11g30 là chốt giá và nghỉ trưa, thời điểm chốt giá chiều là 16g30, cuối tuần NH không giao dịch nên thị trường có biến động giá người dân không xoay xở kịp.

 

Do nhiều NH chỉ mới đăng ký chứ chưa triển khai dịch vụ mua bán vàng nên những ngày gần đây xảy ra tình trạng người dân đổ đến Công ty SJC để mua bán vàng. Ông Nguyễn Công Tường, phó phòng kinh doanh sỉ Công ty SJC, xác nhận sau khi NH Nhà nước thu hẹp mạng lưới kinh doanh vàng, lượng người dân đến SJC giao dịch tăng nhanh.

 

Lo vàng nhái, làm khó người bán vàng

 

Phó tổng giám đốc một NH tại TP.HCM xác nhận có việc NH đăng ký điểm giao dịch chứ chưa triển khai. NH này chỉ mới tập trung vào thị trường Hà Nội và TP.HCM chứ chưa mở rộng ra các tỉnh như đã đăng ký với NH Nhà nước, lý do là chưa đào tạo kịp nhân viên.

 

“Cái khó hiện nay là vàng nhái, giả SJC quá tinh vi, nhân viên NH thu mua chỉ thẩm định bằng mắt thường, không thể nào rành rẽ bằng các tiệm vàng đã có kinh nghiệm vài chục năm. Ngay cả Công ty SJC cũng không công bố hết các dấu hiệu nhận biết mà NH tự nghiên cứu. Chưa kể NH mua xong đến khi đem bán cho Công ty SJC mà nơi này từ chối vì cho rằng vàng nhái thì sao?” - vị phó tổng giám đốc này nói và kết luận: Đó chính là lực cản làm cho kinh doanh vàng miếng không còn hấp dẫn với các NH.

 

Lãnh đạo một NH khác khẳng định nhiều NH vừa được cấp phép mua bán vàng mới đang trong giai đoạn đào tạo nhân sự. Mỗi chi nhánh được cấp phép cử 1-2 nhân viên, sau đó mời Công ty SJC đến huấn luyện. Nhưng do Công ty SJC không đủ lực lượng nên các NH phải “xếp hàng” và ưu tiên trước hết cho các chi nhánh đóng tại các địa bàn chủ lực như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng...

 

“Đó cũng là lý do nhiều NH lớn mới chỉ xin cấp phép cho đủ số tối thiểu là ba chi nhánh chứ chưa dám mở rộng mạng lưới mua bán vàng. Khách hàng phản ảnh mua bán vàng trong NH khó khăn hơn các tiệm vàng cũng không sai do nhân viên NH chỉ nhìn bằng mắt thường, không có máy móc kiểm định gì nên yêu cầu đầu tiên là miếng vàng phải mới, còn nguyên đai nguyên kiện. Miếng nào có vấn đề, NH chỉ qua Công ty SJC cho chắc ăn” - ông này nói.

 

Nhiều tỉnh chỉ có hai điểm mua bán vàng miếng

 

Ông Nguyễn Đình Tiến, phó giám đốc chi nhánh NH Nhà nước tỉnh Cao bằng, thông tin địa phương này chỉ có hai điểm giao dịch mua bán vàng miếng được phép kinh doanh, một của BIDV và một của Agribank. Mấy ngày gần đây, tại điểm kinh doanh của BIDV rất đông khách mua vàng. Tại các huyện nghèo, nhu cầu gần như không có. Còn tại thành phố và sáu huyện còn lại thì nhu cầu mua bán vàng miếng khá cao. Do vậy, tới đây rất mong NH Nhà nước xem xét chỉ đạo mở thêm điểm giao dịch để đáp ứng nhu cầu mua bán, kiểm định vàng miếng của người dân.

 

Ông Phạm Trường Giang, phó giám đốc NH Nhà nước chi nhánh tỉnh Phú Thọ, nói địa phương đang có bốn điểm được cấp phép mua bán vàng miếng. Tuy nhiên, hiện mới có hai địa điểm mua bán vàng miếng là Sacombank và Doji.

 

Ông Hà Hồng Ngọc - giám đốc NH Nhà nước chi nhánh TP Cần Thơ - cho biết trên địa bàn có năm doanh nghiệp và 15 NH với 78 địa điểm được phép kinh doanh vàng miếng, đều đã được thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.

 

Trên thực tế người dân vẫn gặp khó khăn trong giao dịch vì tù mù thông tin. Chị Mận - một hộ dân ở P.Hưng Lợi (Q.Ninh Kiều) - nói trước đó một ngày chị đem năm miếng vàng (mỗi miếng một chỉ) đến một số chi nhánh của Agribank thì bị từ chối mua vì đơn vị này chỉ giao dịch vàng miếng tại trụ sở chính. Đến một NH khác thì bị “chê” là số lượng giao dịch nhỏ.

 

Bà Võ Thị Mỹ Lệ - phó giám đốc NH TMCP Công thương VN chi nhánh TP Cần Thơ - nêu rõ đã bắt đầu giao dịch vàng miếng SJC từ ngày 11-1, nhưng chỉ nhận vàng có đóng gói bao bì mới, nếu bao bì cũ sẽ hướng dẫn khách hàng đến SJC làm lại. Cũng theo bà Lệ, những ngày qua doanh số vàng miếng bán ra nhiều hơn mua vào.

 

Theo L. Thanh - Chí Quốc

Tuổi trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm