Máy massage có nhiều mã số thuế, hải quan "kêu cứu" thay doanh nghiệp

(Dân trí) - Một mặt hàng là máy massage do doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam nhập khẩu được xét theo các thông báo, kết luận kiểm tra có nhiều mã số khác nhau. Điều này ảnh hưởng đến thuế suất thuế nhập khẩu áp dụng cho một mặt hàng có nhiều mức khác nhau. Sự bất hợp lý này đã được hải quan TP.HCM chỉ ra và có văn bản gửi Tổng cục Hải quan kêu cứu hộ DN.

Cụ thể, mặt hàng máy massage bụng HMO 2005LB hiệu Buheung dùng điện của một DN nhập về tại TP.HCM được áp mã số theo khai báo hải quan là 9019.1010.

Tuy nhiên, tại biên bản làm việc tháng 7/2017 của Đoàn kiểm tra nội bộ, Tổng cục Hải quan gọi máy massage bụng trên là thiết bị xung điện, điều chỉnh mã số thành 9506.99.00, đồng thời truy thu thuế đối với tờ khai của công ty nhập máy massage nói trên.

Máy massage bụng (ảnh minh hoạ)
Máy massage bụng (ảnh minh hoạ)

Nhưng DN không đồng ý và giải trình mặt hàng máy massage nói trên chỉ hoạt động bằng mô tơ điện gắn liền với thiết bị rung, xoa bóp và liệu pháp nhiệt dùng để giảm đau, không phải là thiết bị xung điện nên không phù hợp với mã số 9506.99.00.

Tại thông báo kết quả phân loại đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan tháng 11/2015, thiết bị massage được điều khiển bằng điện tử... được phân loại kết quả và áp mã số thuế 9019.1010.

Tuy nhiên, tại thông báo kết quả phân loại đối với mặt hàng nhập khẩu là massage của Tổng cục Hải quan tháng 8/2016 thiết bị massage nhập của một doanh nghiệp lại được áp mã số thuế 9506.91.00.

Hải quan TP.HCM khẳng định: Cùng một mặt hàng nhập khẩu nhưng qua việc đưa ra nhiều mã số của Tổng cục Hải quan tại hai thông báo có sự khác nhau nên dẫn đến việc áp dụng mức thuế suất khác nhau.

Đơn vị này kiến nghị Tổng cục Hải quan sớm thống nhất xác định mã số thuế đối với các mặt hàng máy massage nói trên để đảm bảo nguyên tắc một mặt hàng chỉ có một mã số duy nhất theo Danh mục hàng hóa XNK của Việt Nam tránh các khiếu nại, khiếu kiện làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Việc một mặt hàng bị áp hai loại mã số thuế khác nhau đã từng xảy ra năm 2015 đối với mặt hàng là chất béo của bơ và chất béo của sữa. Theo đó, hai loại mặt hàng trên đều là một mặt hàng nhưng cơ quan hải quan có hai biểu thuế xác định đây là 2 dòng thuế khác nhau. Chất béo của bơ là hàng có mức thuế nhập khẩu 5% còn chất béo của sữa có mức thuế nhập 15%.

Tranh cãi về mã số thuế đã xảy ra giữa DN và cơ quan hải quan địa phương. Sau đó, các DN trong ngành sữa đã có đơn kêu cứu Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính. Cuối cùng Bộ Tài chính đã yêu cầu hải quan chấp nhận mã số và mức thuế suất theo khai báo của DN đã được cơ quan hải quan chấp nhận để thông quan.

Nguyễn Tuyền