May mắn bất ngờ, đại gia Trịnh Văn Quyết “đòi về” hơn 1.300 tỷ đồng
(Dân trí) - Diễn biến bất ngờ của cổ phiếu ROS trong phiên giao dịch cuối tuần đã giúp mã này nối tiếp chuỗi tăng 3 phiên liên tiếp. Nhờ đó, ông Trịnh Văn Quyết đã hồi phục được 1.338 tỷ đồng tài sản và cải thiện 1 bậc trong bảng xếp hạng người giàu trên sàn chứng khoán Việt.
Đến hết phiên giao dịch ngày 21/12, do có 144 mã giảm giá so với 131 mã tăng nên chỉ số VN-Index đã đánh mất 5,98 điểm tương ứng 0,65% còn 912,26 điểm. Trong khi đó, mặc dù theo thống kê HNX có 80 mã tăng giá so với 62 mã giảm song chỉ số sàn này vẫn sụt 0,08 điểm tương ứng 0,08% còn 104,45 điểm.
Thanh khoản trên thị trường đạt 199,1 triệu cổ phiếu tương ứng 5.414,94 tỷ đồng đổ vào HSX và 426,68 tỷ đồng đổ vào HNX và khối lượng giao dịch đạt 29,18 triệu cổ phiếu.
Trong mức giảm của chỉ số chính VN-Index thì riêng mức giảm xuất phát từ VHM, VNM, GAS đã lên tới 6,69 điểm. Trong đó, VHM giảm 3.500 đồng khiến VN-Index giảm 3,63 điểm; VNM giảm 3.700 đồng kéo VN-Index giảm gần 2 điểm và GAS giảm 1.800 đồng kéo chỉ số giảm 1,07 điểm.
Bên cạnh đó, việc một số mã lớn khác như MSN, VRE, NVL, VCB giảm giá cũng góp phần tác động tiêu cực đến thị trường chung. Chính vì vậy, lực kéo từ CTG, PLX, BVH, VPB, MWG không đủ giúp VN-Index về lại ngưỡng tham chiếu.
Bất ngờ nhất trong phiên này chính là diễn biến của ROS. Sau chuỗi giảm dài, cổ phiếu ROS của Công ty CP Xây dựng FLC Faros 3 phiên gần đây bất ngờ tăng giá trở lại. Trong đó, đáng chú ý, mã này đã tăng 2.200 đồng tương ứng tăng 6% trong phiên cuối tuần.
Tổng mức tăng giá trong 3 phiên vừa qua của ROS đạt 3.500 đồng/cổ phiếu, qua đó giúp giá trị tài sản trên sàn chứng khoán của ông Trịnh Văn Quyết hồi phục 1.338 tỷ đồng.
Cộng với số cổ phần đang sở hữu tại Chứng khoán Artex (ART) và tập đoàn FLC, hiện tại, ông Trịnh Văn Quyết đang nắm giữ khối tài sản trị giá 15.717 tỷ đồng trong cổ phiếu và thăng hạng 1 bậc trong danh sách những người giàu nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Người giàu nhất thị trường đến nay vẫn là ông Phạm Nhật Vượng với giá trị tài sản đạt 190.249 tỷ đồng, kế đến là bà Nguyễn Thị Phương Thảo với 18.391 tỷ đồng tài sản và ông Trần Đình Long đang sở hữu 15.999 tỷ đồng.
Theo đánh giá của BVSC, dù chịu áp lực giảm điểm trong suốt phiên giao dịch nhưng tín hiệu hồi phục đã xuất hiện với cường độ mạnh dần về cuối phiên. Đây là một tín hiệu tốt và có thể sẽ giúp thị trường diễn biến khởi sắc hơn trong những phiên đầu tuần tới, đặc biệt là khi các sự kiện ảnh hưởng đến thị trường xuất hiện trong tuần này đã qua đi.
Vào ngày 7/12 và 14/12 vừa qua, hai quỹ ngoại trên đã thông báo danh mục tái cơ cấu trong kỳ review quý IV/2018 và thực hiện việc tái cơ cấu danh mục trong phiên 21/12.
Như trong các kỳ tái cơ cấu trước, phiên ATC luôn được nhiều nhà đầu tư quan tâm do đây là thời điểm hai quỹ ETFs thực hiện giao dịch để hoàn thành việc cơ cấu danh mục. Tuy nhiên, phiên ATC cuối tuần này diễn ra không có quá nhiều sự đột biến, thanh khoản không có nhiều sự thay đổi đáng kể so với các phiên trước.
Ở kỳ cơ cấu lần này, HNG được thêm vào danh mục của FTSE ETF còn GEX được thêm vào VNM ETF. Nhưng kết thúc phiên, GEX giữ nguyên mức giá tham chiếu còn HNG giảm 3,4% xuống 15.700 đồng/cổ phiếu. Trong số 3 cổ phiếu bị loại khỏi danh mục của FTSE thì HBC tăng 1,4% còn HSG và DXG giảm lần lượt 2,1% và 0,8%. Còn VCG bị loại khỏi danh mục của VNM ETF thì lại bất ngờ tăng mạnh 7,9% lên 26.000 đồng/cổ phiếu.
Giải thích cho diễn biến này, BVSC cho rằng, nguyên nhân đến từ việc quy mô vốn hóa thị trường tăng lên, sự tham gia của các nhà đầu tư tổ chức và cá nhân khác trên thị trường khiến cho cán cân cung cầu trở nên cân bằng hơn khiến các đợt review ETF ngoại không còn có tác động quá lớn tới thị trường.
Mai Chi