Tiêu điểm kinh tế tuần qua:
“Mây đen phủ lên toàn cầu, mặt trời vẫn tỏa nắng ở Việt Nam”
(Dân trí) - Nhận định này của World Bank được Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc lại tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương đã “gây sốt” trong tuần vừa qua. Nhìn chung, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, Việt Nam vẫn gây ấn tượng với tăng trưởng GDP hơn 7%, thuộc hàng cao nhất thế giới.
“Mây đen phủ lên toàn cầu, mặt trời vẫn tỏa nắng ở Việt Nam”
Tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương diễn ra trong hai ngày 30-31/12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại nhận định của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về nền kinh tế Việt Nam như sau:
“Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang toả nắng ở Việt Nam ”. Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước, đó là chứng cứ thứ nhất mà năm nay hơn năm ngoái về kinh tế - xã hội, cho thấy ý chí Việt Nam, khát vọng Việt Nam.
Trước đó, ngày 17/12, World Bank công bố báo cáo Điểm lại về kinh tế vĩ mô của Việt Nam, trang 9, phần tóm lược tổng quan nêu: “Mây đen tiếp tục kéo về trên kinh tế toàn cầu với tăng trưởng kinh tế và lưu lượng thương mại thấp hơn dự kiến cho năm 2019. Tuy nhiên, mặt trời vẫn tỏa nắng ở nền kinh tế Việt Nam với dự báo tăng trưởng khoảng 6,8% trong năm 2019 - chỉ thấp hơn 0,3 điểm phần trăm so với năm 2018”.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2019, GDP Việt Nam tăng 7,02%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao trong khoảng 6,6-6,8% và cũng cao hơn dự báo của nhiều tổ chức quốc tế. Đây cũng là mức tăng trưởng thuộc hàng cao nhất thế giới và khu vực đặt giữa bối cảnh kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều rủi ro và bất ổn gia tăng.
Trong khi đó, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát chỉ 2,79%, mặt bằng lãi suất và tỉ giá luôn duy trì ổn định trong bối cảnh các thị trường tài chính toàn cầu đầy biến động.
Sau 34 năm “Đổi mới”, kinh tế Việt Nam đạt thành tựu rực rỡ
Trong cuộc trao đổi với báo giới gần đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Nguyễn Chí Dũng khái quát: Duy trì nền tảng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát ở mức thấp; tăng trưởng kinh tế khá cao, củng cố và mở rộng các cân đối lớn của nền kinh tế... là những thành công vượt bậc của Việt Nam năm 2019.
Theo ông, nền kinh tế đang được cơ cấu lại một cách thực chất hơn khi tăng trưởng không còn dựa vào khai thác dầu thô, khoáng sản. Sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục giữ vai trò động lực cho tăng trưởng Việt Nam.
Nhìn chung, sau 33 năm thực hiện công cuộc “Đổi mới” đất nước (kể từ năm 1986), đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn , có ý nghĩa lịch sử, thế và lực của nước ta đã lớn mạnh; quy mô, tiềm lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên; tính độc lập, tự chủ được cải thiện.
Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn còn những tồn tại, hạn chế và tiềm ẩn nhiều rủi ro, khả năng chống chịu, thích ứng với tác động bên ngoài còn yếu. Các yếu tố nền tảng (thể chế, hạ tầng, nguồn nhân lực...) để sớm trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại còn thấp xa so với yêu cầu.
Nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình và tụt hậu xa hơn về kinh tế vẫn hiển hiện trước mắt. Xu hướng già hóa dân số tăng nhanh áp lực lên an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế.
Thống đốc Lê Minh Hưng: Dự trữ ngoại hối lên gần 80 tỷ USD, Việt Nam không thao túng tiền tệ
Sáng ngày 2/1, Ngân hàng Nhà nước tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020. Tại đây, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, năm 2019 là năm bản lề quan trọng của hoạt động ngân hàng và ngành đã đạt nhiều kết quả tích cực.
Liên quan đến việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi về thao túng tiền tệ, Thống đốc khẳng định Ngân hàng Nhà nước sẽ không bao giờ dùng tỷ giá để tạo cạnh tranh với đối tác thương mại, không can thiệp có chủ đích vào chính sách tiền tệ để tạo thuận lợi trong xuất nhập khẩu hàng hoá.
Năm 2019 mặc dù mua lượng lớn ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối (gần 80 tỷ USD ) nhưng Ngân hàng Nhà nước đã điều tiết tốt lượng tiền trong lưu thông, không gây tác động lên lạm phát. Việc điều hành chính sách tiền tệ được thực hiện rất nhất quán và giữ được nền tảng ổn định cho nền kinh tế.
Thủ tướng: Đừng để tình trạng nói nhiều quá mà không hành động!
Trong 1,5 ngày làm việc trực tuyến với các địa phương, người đứng đầu Chính phủ ghi nhận có nhiều cách làm, mô hình tốt kể cả cấp cơ sở. Thủ tướng lưu ý nếu địa phương nào, cơ sở nào chưa làm tốt việc của mình thì phải làm tốt hơn, phải khắc phục tồn tại, yếu kém để vươn lên, đây là nền tảng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Lấy ví dụ về việc dịch vụ logistic còn cao, Thủ tướng cho biết một quả xoài xuất khẩu thì khâu dịch vụ logistic chiếm đến 50% giá thành. “Chúng ta phải khắc phục khâu yếu này, không để tình trạng nói nhiều quá mà không hành động ” - Thủ tướng yêu cầu.
Nhắc lại thông điệp về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, Thủ tướng nêu rõ cần phải mở rộng hơn: “Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế đã nói rồi nhưng bổ sung thành không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế”.
Theo Thủ tướng, môi trường văn hóa bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí. Nền tảng xã hội là bệ phóng và trụ đỡ cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững.
Bộ Giao thông kiến nghị tăng phí BOT
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa kiến nghị Chính phủ cho phép tăng phí BOT đường bộ theo đúng lộ trình tăng giá đã ký hợp đồng với nhà đầu tư, để hoàn vốn cho dự án và tránh phát sinh nợ xấu.
Cụ thể, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thống nhất phương án xử lý dứt điểm tồn tại, bất cập tại các trạm thu phí BOT giao thông, chỉ đạo Bộ Công an và các địa phương có giải pháp đảm bảo trật tự tại các trạm thu phí.
Bộ này kiến nghị Chính phủ cho phép Bộ GTVT thực hiện điều chỉnh mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ của các dự án BOT đang triển khai theo đúng lộ trình tăng giá đã ký hợp đồng với nhà đầu tư, để hoàn vốn cho dự án, tránh phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng tới môi trường đầu tư.
Mai Chi (tổng hợp)