Máy bay riêng, siêu xe không dễ vào Việt Nam
(Dân trí) - “Nhiều loại máy bay so với một dòng ô tô cụ thể, ôtô còn đắt hơn nhiều. So sánh về mặt giá cả chỉ là tương đối. Vấn đề quan trọng là xác định giá tính thuế và áp thuế cho đúng để điều tiết và hạn chế nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ”…
Chủ nhiệm UB Tài chính ngân sách của Quốc hội nói về việc xử lý lô máy bay cá nhân nhập khẩu ở Hải Phòng vừa qua.
Dự luận hiện đang tranh cãi xung quanh chuyện Cty CP công nghệ Hành tinh xanh ở Hải Phòng nhập về Việt Nam 10 máy bay cá nhân. Nhiều ý kiến quan ngại việc này sẽ tạo nên một xu hướng tiêu dùng kiểu “chơi trội” trong khi lô máy bay đã được thông quan với mức thuế nhập khẩu bằng 0%. Thuế tiêu thụ đặc biệt cũng thấp hơn ô tô cá nhân. Quan điểm của ông về vấn đề này?
Thuế tiêu thụ đặc biệt là để đánh vào những mặt hàng nhà nước không khuyến khích tiêu dùng, trong đó có 2 loại hàng hóa tàu bay và du thuyền, mức thuế suất được áp là 30%. Mức thuế này nhằm để hạn chế việc sử dụng, sở hữu tàu bay, du thuyền làm phương tiện cá nhân.
Tuy nhiên cũng có trường hợp được miễn giảm thuế nếu việc nhập đó để phục vụ chở hành khách, du lịch, dịch vụ, sản xuất kinh doanh. Nhập những phương tiện đó để sử dụng với mục đích cá nhân thì phải chịu thuế theo quy định. Việc này góp phần để hạn chế việc sử dụng những tài sản, phương tiện đắt tiền trong khi điều kiện kinh tế đất nước hiện vẫn ở mức một nước đang phát triển, còn nhiều khó khăn.
Mức thuế tiêu thụ đặc biệt 30% như ông nói áp cho mặt hàng máy bay cá nhân theo ông đã đủ để kiểm soát việc tiêu dùng mặt hàng này trong nước?
Vừa qua chúng ta đã điều chỉnh nhiều loại thuế suất ở mức khá cao. Quốc hội khóa XII khi thông qua một số sắc luật thuế đều đã tính toán đến yếu tố đó. Đó là một giải pháp để hạn chế những mặt hàng chúng ta không khuyến khích tiệu dùng, nhập khẩu. Ví dụ, với ôtô, xe dưới 10 chỗ ngồi cũng bị đánh thuế ở mức cao, loại từ 10-24 chỗ ngồi bị áp một mức thấp hơn, xe ôtô chuyên chở khách, xe buýt lại ở mức thấp hơn nữa. Chúng ta dùng công cụ thuế để điều tiết việc xuất nhập, hướng tới việc tiêu dùng thiết thực hơn, tránh việc tiêu dùng quá mức.
Cũng có ý kiến cho rằng, thực tế, giá trị lô máy bay nhập khẩu vừa qua tính ra vào khoảng một vài tỷ đồng/chiếc, còn rẻ hơn nhiều dòng ôtô siêu sang nhập về ngày càng phổ biến hiện nay. Vậy mức thuế đối với 2 mặt hàng này có ở mức hợp lý?
Vấn đề quan trọng nhất là xác định mức giá tính thuế cho đúng. Còn đúng là ta cũng phải nói, nhiều loại máy bay so với một dòng ô tô cụ thể, ôtô còn đắt hơn nhiều. Ví dụ, Rolls-Royce, Porsche… hay xe đặc chủng làm theo kiểu đặt hàng đơn chiếc rất đắt. So sánh về mặt giá cả cũng chỉ là tương đối. Xác định giá tính thuế và áp thuế cho đúng, chính xác để điều tiết và hạn chế nhập khẩu những mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu.
Dù đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý, xu hướng nhập siêu những năm gần đây vẫn tiếp tục tăng. Việc nhập khẩu các mặt hàng xa xỉ vẫn không ngừng tăng thêm?
Đúng thế. Nền kinh tế Việt Nam đang ở trong tình trạng nhập siêu. Vừa rồi khi đánh giá về việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí, chúng tôi cũng nhận định một bộ phận người dân đang tiêu dùng quá mức cần thiết. Chúng ta cũng thấy một thực tế, dù thuế nhập khẩu cao, lượng ô tô có chất lượng cao, giá thành đặc biệt nhập về vẫn rất lớn.
Tôi nghĩ thời gian tới Quốc hội sẽ rà soát lại cả thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu, mục đích để chống nhập siêu.
Về nguyên tắc, chống chế nhập siêu là phải hạn chế những mặt hàng xa xỉ, như phương tiện, công cụ đắt tiền, đặc biệt những phương tiện phục vụ tiêu dùng cá nhân, càng cần hạn chế.
Nhưng vì đã tham gia vào WTO, thời kinh tế hội nhập, chúng ta phải dùng những chính sách bình thường, trong đó có công cụ thuế để điều tiết, hạn chế dần việc tiêu thụ những mặt hàng xa xỉ, không thiết yếu.
Nhưng như thế có nghĩa là tiếp tục bảo hộ sản xuất trong nước?
Việc đó cần có lộ trình vì khi đưa ra những chính sách về thuế phải tính toán cân nhắc rất nhiều mặt, không chỉ là câu chuyện bảo hộ sản xuất. Chúng ta phải tính tới cả yếu tố thu nhập của người dân, cơ sở hạ tầng, yếu tố phát triển kinh tế xã hội trong tương lai để điều tiết cho hợp lý. Theo cam kết WTO, đến 2018 gần như không còn sự ưu đãi nào, thực hiện hội nhập, tự do hóa thương mại, nhất là hàng rào thuế quan sẽ phải gỡ bỏ.
Xin cảm ơn ông!