Máy bay cá nhân: Không phải cứ mua là bay được!

(Dân trí) - Trong khi doanh nghiệp nhập cùng lúc 4 chiếc máy bay cá nhân đang đặt ra tham vọng kinh doanh đơn lẻ thì nhà chức trách hàng không cho rằng vẫn chưa nhận được thông tin nào chính thức và không phải cứ có tiền mua máy bay là sẽ bay được.

Sau 2 ông chủ của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai và Hoà Phát sở hữu máy bay cá nhân, Công ty Hành Tinh Xanh vừa nhập khẩu về cùng lúc 4 chiếc khác và hiện đang chờ thông quan tại Cảng Hải Phòng.

Với giá khoảng 100.000 euro/chiếc máy bay cá nhân (tức là tương đương một chiếc xe ô tô hạng sang nhập khẩu - PV), doanh nghiệp sở hữu 4 chiếc máy bay vừa nhập về đặt ra tham vọng chiến lược là kinh doanh “bình dân hoá dịch vụ hàng không tư nhân” và mở các dịch vụ bay du lịch hoặc cứu trợ khẩn cấp.
 
Máy bay cá nhân: Không phải cứ mua là bay được! - 1
Có máy bay chắc đã dễ bay?
 
Được biết, 4 chiếc máy bay riêng nói trên thuộc hạng siêu nhẹ, bay ở tầm thấp, khả năng bay liên tục được 6 tiếng đồng hồ và có thể cất - hạ cánh ở mọi địa hình.

Quan tâm về 4 chiếc máy bay này, dư luận đặt ra câu hỏi liệu đây có phải là sự nhập khẩu ồ ạt? Việc cấp phép bay và quản lý có gì khác biệt so với các chủng loại máy bay khác đang khai thác ở Việt Nam?

Trao đổi với PV Dân trí, đại diện Cục Hàng không dân dụng Việt Nam khẳng định quy định của ngành hàng không là không giới hạn về số lượng máy bay cá nhân cũng như việc tư nhân sở hữu máy bay riêng.

Tuy nhiên, đại diện cơ quan quản lý này cho biết: “Việt Nam hiện mới có 2 cái máy bay cá nhân, còn 4 chiếc máy bay mà doanh nghiệp vừa nhập về thì chúng tôi vẫn chưa nhận được thông tin nào chính thức cả”.

Doanh nghiệp đặt ra hướng kinh doanh ai thích đi máy bay cá nhân thì thuê tự lái, phải chăng suy nghĩ về những quy định của ngành hàng không dường như có vẻ dễ dàng khi cứ có tiền mua máy bay về rồi xin một vài thủ tục là có thể sải cánh bay?

Lý giải về điều này, đại diện Cục Hàng không Việt Nam cho biết: “Hàng không là ngành đặc thù và không giống bất kỳ ngành vận tải nào, quy định của ngành hàng không rất nghiêm ngặt, đặc biệt là vấn đề an toàn bay nên không thể nói cứ có máy bay, xin vài thủ tục là có thể cất cánh.

Để được cất cánh thì trước hết những chiếc máy bay đó phải được đăng ký thuộc sở hữu của một tổ chức hay cá nhân nào đó, ngoài ra còn rất rất nhiều thủ tục khác, những thủ tục này cần thời gian và rất phức tạp, vì vậy không phải cứ có tiền mua máy bay là bay được”.

Nhiều chuyên gia hàng không nhìn nhận, mua được máy bay là một chuyện nhưng để được cất cánh và duy trì hoạt động của máy bay lại là chuyện khác. Không giống như tàu hỏa cứ một mình một “sân chơi”, lái phi cơ không phải như xe đò, đối với máy bay mọi chuyện không có gì gọi là đơn giản, kinh doanh hàng không chẳng phải chuyện dễ dàng.

Đơn cử như một số hãng hàng không tư nhân tại Việt Nam đã từng được cấp giấy phép bay thương mại như VietJet Air, Indochina Air, nhưng do “vấp” phải lí do về tài chính và thị trường nên các hãng này đành “lỡ hẹn” hoặc buộc phải ngừng bay. Còn Jetstar Pacific - hãng hàng không giá rẻ dù được cho là kinh doanh đã có lãi, nhưng do phải đối mặt với nhiều thách thức nên hãng này cũng phải tái cơ cấu.

Bởi vậy, đã có chuyên gia hàng không tự trào rằng “Kinh doanh hàng không là có hàng tỷ USD để đốt hàng triệu USD”.

Quỳnh Anh