Máy ATM đang dần là "quá khứ" trong thanh toán hiện đại?
(Dân trí) - Theo TS Cấn Văn Lực, ngân hàng đang hạn chế việc phát triển máy rút tiền tự động (ATM), bởi người dân chủ yếu thanh toán và giao dịch qua chiếc điện thoại.
Tại Hội nghị Khoa học kinh tế trẻ năm 2020 với chủ đề "Cơ hội và thách thức của ngành tài chính ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0", các diễn giả đều nhận thấy tầm quan trọng của công nghệ trong ngành tài chính ngân hàng.
PGS. TS Nguyễn Đức Trung, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho biết, trí tuệ nhân tạo (AI) đang đi sâu vào cuộc sống của con người.
"Cách đây 2 tuần, cậu con trai của tôi học lớp 4 bị mẹ mắng vì lười học. Con trai tôi nói một câu mà tôi rất choáng. Nó bảo là không cần học, mẹ muốn con giỏi về máy tính đúng không, con sẽ nói ba Trung vào trường Đại học Ngân hàng chụp lại toàn bộ quá trình học tập của các thầy giỏi trong trường. Sau đó, đưa dữ liệu vào một con chip và cấy vào người con là con sẽ giỏi như các thầy. Tôi nghe mà tôi thấy giật mình", ông Nguyễn Đức Trung nói.
Theo PGS. TS Nguyễn Đức Trung, ông khá bất ngờ về những gì mà cậu con trai học lớp 4 của ông nói về trí tuệ nhân tạo. Bởi, những thông tin mà con trai ông tiếp cận được là khá chính xác. Và nhiều nhà khoa học nhận định rằng, trí tuệ nhân tạo có thể sẽ vượt xa trí tuệ con người vào năm 2056, thậm chí, sớm hơn.
TS Mai Ngọc Thắng, giảng viên trường Đại học Ngân hàng chia sẻ, trí tuệ nhân tạo đang có sự trỗi dậy mạnh mẽ, đặc biệt là trong ngành tài chính ngân hàng. Các Startup về công nghệ tài chính (Fintech) cũng đang rất tập trung cho trí tuệ nhân tạo.
Nhu cầu về nhân lực liên quan đến trí tuệ nhân tạo trong ngành tài chính là tương đối nhiều. Tuy nhiên, để tìm ra nhân lực vừa thông thạo về trí tuệ nhân tạo vừa thông thạo về kinh tế tài chính là tương đối hiếm.
"Chính vì vậy mà chúng tôi đang đào tạo theo 2 trục. Trục thứ nhất là đào tạo các chuyên ngành kinh tế tài chính. Trục thứ hai là trục bổ trợ cho trục thứ nhất như đào tạo về trí tuệ nhân tạo, học máy… để bổ sung, xử lý các giải pháp cho khối kinh tế tài chính. Đây cũng là xu hướng tìm nhân lực của các công ty Fintech hiện nay", ông Thắng nói.
Cũng theo TS Mai Ngọc Thắng, nhiệm vụ của các trường đại học hiện nay là phải xây dựng được chương trình đào tạo, đội ngũ đào tạo đáp ứng được sự thay đổi của công nghệ, đáp ứng được nhu cầu về nhân lực trong thời đại 4.0, đặc biệt là sự trỗi dậy không ngừng của các Startup Fintech và nhu cầu xử lý dữ liệu cực kỳ lớn của các ngân hàng.
Theo TS Cấn Văn Lực, cố vấn cấp cao Ngân hàng BIDV - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia, ngành tài chính ngân hàng đang có nhiều dư địa để phát triển. Điển hình như việc thanh toán số, thanh toán trực tuyến của Việt Nam tăng trưởng 130% trong 9 tháng đầu năm 2020.
"Hai năm nay, ngân hàng chúng tôi đã không đầu tư cho máy ATM và không mua máy mới. Máy ATM cũng chẳng có mấy người dùng, trừ những khu công nghiệp có đông công nhân hoặc các bạn sinh viên sử dụng để rút tiền. Hiện nay, đa phần người dân thanh toán, giao dịch trên điện thoại", TS Lực nói.
Cũng theo TS Cấn Văn Lực, các định chế tài chính cần tìm hiểu, đánh giá tác động của cuộc cách mạng 4.0 đối với lĩnh vực, tổ chức của mình. Xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với hội nhập và tiến lên định chế tài chính số.
"Các định chế tài chính cũng cần nghiên cứu, tính toán tối ưu về đầu tư công nghệ thông tin cũng như quản lý rủi ro công nghệ thông tin. Thay đổi mô thức tuyển dụng, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Định chế tài chính cũng cần có chính sách bố trí, sắp xếp nhân lực khi hội nhập và thực hiện kinh doanh số. Tạo lập môi trường đổi mới, sáng tạo", TS Lực chia sẻ.
Ông Cấn Văn Lực cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước cũng cần hoàn thiện thể chế như: Sửa đổi các luật hiện hành, khung pháp lý cho mô hình kinh doanh mới, tiền kỹ thuật số; nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở dữ liệu; thực hiện chiến lược phát triển cho ngành ngân hàng và chiến lược tài chính toàn diện…
Đối với các trường đại học, viện nghiên cứu, TS Cấn Văn Lực nhận định, các đơn vị này cần xây dựng "khung chương trình giảng dạy" phù hợp với thực tế và xu hướng chuyển đổi số.
Các trường, viện nghiên cứu cần đổi mới nội dung, phương pháp đào tạo, tăng cường hợp tác với các định chế tài chính cũng như các tổ chức giáo dục trong và ngoài nước. Tăng cường việc thực tập, nghiên cứu ứng dụng và liên kết với các đại học nước ngoài để đào tạo các chương trình mà Việt Nam đang còn thiếu so với nhu cầu thực tiễn.