1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Mật ong “U Minh Hạ” lại điêu đứng vì bị giả mạo

(Dân trí) - Theo đánh giá, nhận xét sơ bộ của cơ quan chức năng, thì việc vận chuyển ong từ tỉnh khác về nuôi trong khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép, đã có dấu hiệu ảnh hưởng đến đàn ong địa phương, tiềm ẩn lớn đến nguy cơ đàn ong và uy tín, thương hiệu mật ong U Minh (Cà Mau).

Lấy mật ong ở tỉnh Cà Mau.
Lấy mật ong ở tỉnh Cà Mau.

Uy tín thương hiệu Mật ong U Minh Hạ bị đe doạ

Liên quan đến vụ một số người dân huyện U Minh (tỉnh Cà Mau) đưa mật ong từ nơi khác về địa phương bán với thương hiệu mật ong rừng U Minh Hạ, Sở Công Thương tỉnh Cà Mau vừa có báo cáo xác nhận có tình trạng này.

Cụ thể, qua rà soát, cơ quan chức năng tỉnh Cà Mau phát hiện trên địa bàn huyện U Minh có tổng 270 thùng ong nuôi. Trong đó, có 50 thùng do Trung tâm Thông tin - Ứng dụng khoa học công nghệ tỉnh Cà Mau phối hợp với Công ty UBEE (thuộc Hiệp hội nuôi ong tỉnh Tiền Giang) nuôi thử nghiệm; số còn lại là Công ty UBEE tự kết hợp với các hộ dân đưa ong vào nuôi.

Theo đánh giá, nhận xét sơ bộ của cơ quan chức năng, thì việc vận chuyển ong từ tỉnh khác về nuôi trong khi chưa được các cơ quan chức năng cho phép, đã có dấu hiệu ảnh hưởng đến đàn ong địa phương, tiềm ẩn lớn đến nguy cơ đàn ong và uy tín, thương hiệu mật ong U Minh (Cà Mau).

Về tình hình vận chuyển mật ong từ nơi khác về bán với thương hiệu mật ong rừng U Minh Hạ, thì thực tế có hiện tượng các tổ chức, cá nhân mua bán mật ong như nói trên. Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa bắt quả tang được trường hợp cụ thể.

“Việc vận chuyển sản phẩm mật ong từ tỉnh khác về huyện U Minh để bán và lấy xuất xứ, thương hiệu mật ong U Minh/Cà Mau là hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ” đã được Nhà nước công nhận và làm ảnh hưởng đến thương hiệu chung về mật ong của tỉnh Cà Mau”, báo cáo nêu rõ.

Trước đó, như Dân trí đã phản ánh, ngày 22/3, ông Dư Bé Ba - Chủ tịch UBND huyện U Minh đã có báo cáo nhanh gửi UBND tỉnh và các Sở, ngành liên quan ở Cà Mau với nội dung: Trong thời gian gần đây, trên địa bàn huyện U Minh xuất hiện 3 điểm nuôi ong tại 2 xã Khánh An và xã Nguyễn Phích. Mỗi điểm có vài chục thùng ong nuôi không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Mật ong này được người dân bán với giá chỉ từ 90.000 đồng – 100.000 đồng/lít, thấp hơn giá mật ong tại địa phương từ 200.000 đồng – 250.000 đồng/lít.

Không dừng lại đó, một số người dân còn nhập mật ong từ người khác về bán. Sau khi nhập vào địa bàn huyện, mật ong nói trên được người thu mua, bán ra với thương hiệu là mật ong rừng U Minh Hạ. Tình trạng này đã ít nhiều làm cho thương hiệu mật ong rừng U Minh Hạ một lần nữa bị “đe dọa”, khiến nhiều người nuôi ong không khỏi lo lắng.

Người gác kèo ong truyền thống lo lắng

Những ngày này đến Hợp tác xã 19/5 (ấp 20, xã Nguyễn Phích, huyện U Minh) sẽ dễ dàng nhận thấy sự lo lắng của những người hành nghề gác kèo ong truyền thống nơi đây. Bởi họ chưa hết nguôi ngoai, chưa hết buồn vì phải gánh chịu một tổn thất lớn sau khi có thông tin “85% mật ong đặc sản tại Cà Mau bị pha thêm nước đường”, thì nay lại phải đối mặt với thông tin có người đem ong từ nơi khác về nuôi và mang mật ong không rõ nguồn gốc về bán với thương hiệu “U Minh Hạ”.

Nhiều người dân cho rằng, vụ việc trên không chỉ làm ảnh hưởng đến thương hiệu mật ong rừng U Minh Hạ, mà còn đang tiếp tục gây khó khăn cho những người hành nghề gác kèo ong truyền thống dưới tán rừng của vùng đất “muỗi kêu như sáo thổi” này.

Ông Trần Văn Nhì (một xã viên Hợp tác xã 19/5, người có hơn 40 năm hành nghề “ăn” ong theo cách gác kèo truyền thống) cho biết, sau thông tin có hơn “85% mật ong U Minh Hạ bị pha chế”, thương hiệu mật ong nơi đây đã bị giảm sút đáng kể, người gác kèo ong cũng gặp khó, đến nay vẫn chưa lấy lại được uy tín với người tiêu dùng. Những người ở TPHCM mua mật ong trước đây giờ phải xuống đi “ăn” ong cùng với người gác kèo thì họ mới dám mua.

“Cứ kiểu này, mai mốt không “ăn” ong trước được nữa mà phải đợi khi nào người mua đến rồi đi “ăn” ong cùng mình luôn mới mong bán được”, ông Nhì nói.

Hàng chục năm làm nghề gác kèo ong, chưa bao giờ ông Nhì cảm thấy buồn lo như hiện nay.
Hàng chục năm làm nghề gác kèo ong, chưa bao giờ ông Nhì cảm thấy buồn lo như hiện nay.

Một người làm nghề kinh doanh hàng mật ong trên địa bàn huyện U Minh chia sẻ, trước thông tin có mật ong không rõ nguồn gốc tràn về rừng U Minh Hạ, những người hành nghề mua bán mật ong uy tín cũng ít nhiều bị tác động. Dù những người này có rất nhiều năm mua bán trong nghề, thậm chí là thực hiện nghề gác kèo ong nhưng vẫn không dám đặt niềm tin vào những mối làm ăn trước đây của mình nữa. Bởi lỡ có mất uy tín một lần thì coi như mối làm ăn của mình mất hết. Để đảm bảo mật ong chất lượng, những người mua mật ong bán lại giờ phải vào rừng “ăn” ong cùng với người gác kèo cho đảm bảo.

Tuấn Thanh