Mất mùa trái cây, nông dân trắng tay

Hàng loạt vườn cây ăn trái ở ĐBSCL không ra hoa, rụng lá, chết dần do không chịu nổi thời tiết quá khắc nghiệt

Nắng nóng, xâm nhập mặn gay gắt đã làm hàng loạt vườn trái cây ở miền Tây bị thiệt hại, hút hàng khiến giá nhiều loại tăng cao.

Cần được hỗ trợ

Anh Đặng Hoài Thanh (ngụ ấp Đông Hưng 1, xã Đông Thành, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) cho biết do nắng nóng liên tục, vườn măng cụt của anh bị thiệt hại nặng nề. “Dù tưới nước như mọi năm nhưng 7 công măng cụt không cây nào ra hoa. Năm nay, gia đình tôi thất thu nặng” - anh Thanh than vãn.

Ông Lê Ngọc Quận (ngụ ấp Đông Hưng 2, xã Đông Thành) là một trong những người trồng nhiều cây thanh trà với khoảng 30 công, gồm 2 loại chua và ngọt. “Mấy năm trước, vườn thanh trà nhà tôi thu hoạch gần 50 tấn nhưng năm nay, tới cuối vụ, chắc thu hoạch không hơn 2 tấn trái loại chua. Riêng 200 cây thanh trà ngọt vụ này hái chưa được 1 kg trái” - ông Quận nói.


Nhiều nhà vườn ở ĐBĐCL bị thiệt hại nặng nề vì sản lượng giảm mạnh

Nhiều nhà vườn ở ĐBĐCL bị thiệt hại nặng nề vì sản lượng giảm mạnh

Trong khi đó, người trồng sầu riêng ở xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long đang lâm cảnh khốn đốn bởi hàng loạt cây rụng lá chết hoặc trái teo tóp. Ông Huỳnh Văn Mười Anh, cán bộ nông nghiệp xã Quới Thiện, nhìn nhận: “Trong diện tích trồng sầu riêng của xã, hiện có gần 280 ha thiệt hại 30%-70%, hơn 164 ha thiệt hại trên 70%. Năm nay nắng nóng quá, mưa ít, độ mặn lên tới 9‰ khiến sầu riêng giảm năng suất đáng kể. Xã đang thống kê thiệt hại để có chính sách hỗ trợ nhà vườn”.

Tại tỉnh Trà Vinh, khoảng 276 ha trồng chôm chôm ở cù lao Tân Quy, huyện Cầu Kè đang rụng trái non và chết dần. Đây là nơi trồng chôm chôm lớn nhất tỉnh nhưng do ảnh hưởng của hạn, nhiều nông dân phải trắng tay. Theo bà Phạm Thị Mến (xã An Phú Tân, huyện Cầu Kè), gia đình bà trồng 9 công chôm chôm, mỗi năm thu hoạch 20-25 tấn trái, thu nhập hàng trăm triệu đồng. Năm nay, do mặn xâm nhập làm vườn chôm chôm rụng trái, rụng lá, bà quyết định chặt bỏ toàn bộ để trồng cây khác.

Giá cao nhưng không có để bán

Do nhiều nhà vườn bị mất mùa, cung không đủ cầu nên giá nhiều loại trái cây tăng ngất ngưởng. Anh Đặng Hoài Thanh cho biết tại chợ Bình Minh, giá măng cụt hiện lên đến 90.000 đồng/kg, trong khi mọi năm, cao nhất cũng không quá 50.000 đồng/kg.

Ông Nguyễn Văn Đức, Giám đốc Công ty CP Rau quả Bình Minh (tỉnh Vĩnh Long), cho rằng: “Hiện thương lái thu mua bưởi loại từ 1,2 kg trở lên, cành lá đẹp với giá 48.000 đồng/kg, loại từ 900 g đến 1 kg khoảng 36.000-37.000 đồng/kg, tăng 12.000-13.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm rồi. Thông thường sau Tết, giá bưởi giảm nhưng năm nay lại tăng cao. Công ty của tôi phải đến nhiều nhà vườn thu mua nhưng cũng không đủ hàng giao cho đối tác”. Nhiều vựa bưởi tại thị xã Bình Minh đã đóng cửa do không còn nguồn cung.

Nhiều loại trái cây có múi khác cũng tăng giá mạnh, như quýt, cam… Ngoài hạn, mặn làm thất mùa, thời điểm này nghịch vụ nên sản lượng không nhiều, trong khi thị trường nội địa và xuất khẩu đang có nhu cầu cao khiến giá bị đẩy lên. Tại vườn, giá cam xoàn, thương lái thu mua 48.000-50.000 đồng/kg, cam mật khoảng 40.000 đồng, trong khi cam sành 30.000-32.000 đồng/kg…, cao hơn nhiều so với các năm trước. Chị Lê Ánh Linh - buôn bán trái cây trên đường Nguyễn Văn Linh, phường Hưng Lợi, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ - cho biết nắng nóng nên ăn trái cây có múi được nhiều người ưa chuộng. “Hiện rất nhiều người đặt mua quýt đường với giá 60.000 đồng/kg, trong khi cách đây 3 tháng chỉ 40.000 đồng nhưng tôi vẫn không có đủ hàng để cung cấp vì nhà vườn ở Hậu Giang và Đồng Tháp đã cạn nguồn”.

Hội thảo chống hạn, mặn thay ngày hội trái cây

Thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre cho biết do hạn, mặn kéo dài, ảnh hưởng đến năng suất cây ăn trái nên tỉnh không tổ chức Ngày hội trái cây ngon, an toàn 2016. Thay vào đó, tỉnh tổ chức hội thảo về chống hạn, mặn cho cây ăn trái.

Ngày hội trái cây ngon, an toàn tỉnh Bến Tre tổ chức hằng năm vào dịp Tết Đoan ngọ (mùng 5-5 âm lịch) với sự tham dự của nhiều nhà vườn ở ĐBSCL. Nhờ quy mô lớn, nhiều chương trình hấp dẫn, diễn ra khoảng một tuần nên ngày hội luôn thu hút đông đảo khách tham quan.

Theo Ca Linh
Người Lao động

Mất mùa trái cây, nông dân trắng tay - 2