Mất cả chiếc ô tô trong chớp mắt vì vội vàng "bắt đáy" chứng khoán

Mai Chi

(Dân trí) - Có đến 87 mã giảm sàn, hàng trăm mã giảm mạnh áp sát mức giá sàn, nhấn chìm tài khoản nhà đầu tư vào trạng thái thua lỗ nặng nề. Cổ phiếu tưởng rằng đã rẻ hóa ra còn có thể rẻ hơn.

Kể cả khi thanh khoản đã cải thiện thì điều đó cũng đang cho thấy áp lực bán trên thị trường trở nên áp đảo.

Khối lượng giao dịch trên sàn HoSE toàn phiên đạt 992 triệu đơn vị tương ứng 21.066 tỷ đồng; HNX có 135 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 2.548 tỷ đồng và con số này trên UPCoM là 65 triệu cổ phiếu tương ứng 943 tỷ đồng.

Bất chấp nỗ lực dòng tiền bắt đáy, áp lực bán liên tục, dồn dập và khiến các chỉ số không thể có cơ hội phục hồi. VN-Index đóng cửa thấp nhất phiên tại 1.118,1 điểm, đánh mất 37,15 điểm tương ứng mức thiệt hại lên tới 3,22%. HNX-Index giảm cực mạnh, đánh mất 10,04 điểm tương ứng 4,24% và UPCoM-Index giảm 2,01 điểm tương ứng 2,27%.

Mất cả chiếc ô tô trong chớp mắt vì vội vàng bắt đáy chứng khoán - 1

Bản đồ nhiệt cho thấy số lượng cổ phiếu giảm giá hoàn toàn áp đảo bức tranh thị trường chung (Nguồn: VNDS).

Toàn thị trường ghi nhận có đến 851 mã giảm giá, trong đó có rất nhiều mã giảm sâu, áp sát mức sàn;  87 mã giảm sàn; so với chỉ 140 mã tăng.

Lệnh bán bất chấp khiến VN-Index hoàn toàn thủng mốc 1.120 điểm. Không ít nhà đầu tư đã phải cắt lỗ T+ đối với những cổ phiếu bắt đáy hụt ở những phiên giao dịch gần đây nhằm đưa tỉ trọng tiền mặt - cổ phiếu trong danh mục về mức an toàn. Cũng có những lệnh bán ra là do nhà đầu tư vi phạm tỉ lệ an toàn ký quỹ, bị công ty chứng khoán cảnh báo (call margin), hoặc thậm chí bán thanh lý (force sell).

Nếu như trong phiên sáng, áp lực bán lan rộng nhưng chưa đến mức mất kiểm soát, bán tháo, thì bước sang phiên chiều, số lượng mã giảm sàn gia tăng nhanh chóng. Rất nhiều cổ phiếu trắng bên mua và dư mua giá sàn, đồng nghĩa với việc nhà đầu tư bị "kẹp hàng" và không thể bán ra dù với mức giá thấp nhất.

Mất cả chiếc ô tô trong chớp mắt vì vội vàng bắt đáy chứng khoán - 2

Cổ đông bất động sản tê tái khi hàng loạt mã giảm kịch biên độ và trắng bên mua (Nguồn: VDSC).

Cổ phiếu bất động sản bị bán mạnh nhất. Một loạt cổ phiếu nhuộm màu xanh nước biển trên bảng điện tử: DIG, DXS, ITA, PDR, TPL, SCR, CRE, DRH, HDC, ITC, LDG, NVT, QCG, VPH, DXG, HAR, HQC, NVL, TCH, HTN.

Một số cổ phiếu giảm sàn với thanh khoản cao, có thể kể đến DIG với 28 triệu đơn vị khớp lệnh, NVL với 30 triệu đơn vị khớp lệnh, DXG với 19,4 triệu đơn vị khớp lệnh, TCH với 14 triệu đơn vị khớp lệnh…

Đáng nói là có nhiều cổ phiếu chưa tới mức giảm sàn, hoặc chỉ chạm sàn rồi rút ngắn biên độ thiệt hại, nhưng mức giảm vẫn rất mạnh: KHG giảm 6,7%; IJC giảm 6,6%; SGR giảm 6,6%; KBC giảm 6,3%; LHG giảm 6,3%; NLG giảm 5,8%; SZC giảm 5,8%. Các ông lớn họ Vin: VHM cũng giảm 3,7%; VRE giảm 2% và VIC giảm 5,1%.

Mất cả chiếc ô tô trong chớp mắt vì vội vàng bắt đáy chứng khoán - 3

Thanh khoản tăng vọt trong bối cảnh thị trường lao dốc phản ánh áp lực bán rất lớn (Nguồn: VNDS).

Một số nhà đầu tư chia sẻ trong các diễn đàn, hội nhóm chứng khoán cho biết, thiệt hại trong phiên lên tới 5-7% danh mục. Nhiều nhà đầu tư thất vọng cho hay, họ đã "đứt tay" do bắt đáy vội vàng những phiên trước, giá trị tài sản quy đổi có thể ngang cả chiếc ô tô hạng sang do quy mô tài khoản cao.

Đồng pha với cổ phiếu ngành bất động sản là nhóm xây dựng, vật liệu. Loạt cổ phiếu trong nhóm ngành này gồm có DPG, PTC, DC4, EVG, KPF, CII, NHA là "nỗi đau" của giới đầu tư khi hoàn toàn trắng bên mua. PHC giảm 6,2%; HBC giảm 6,1%; VCG giảm 5,6%.

Cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính cũng là "chiến trường khốc liệt" ghi nhận sự thiệt hại nặng nề của rất nhiều nhà đầu tư ngắn hạn. BCT, BSI, CTS, OGC, VCI, VIX, VND, AGR, ORS giảm sàn hàng loạt. APG giảm 6,8%; HCM giảm 6,8%; VDS giảm 6,7%; SSI giảm 5,9%...

Khối ngoại và tự doanh vẫn duy trì trạng thái bán ròng đến hết phiên. Trong khi khối ngoại thu hẹp giá trị bán ròng còn 50,5 tỷ đồng thì tự doanh các công ty chứng khoán bán ròng mạnh 706,2 tỷ đồng.