Mất 90% thị phần vì bị Trung Quốc phá giá, doanh nghiệp gỗ ép Việt điêu đứng
(Dân trí) - Chiến tranh thương mại đang khiến cho các doanh nghiệp sản xuất gỗ ép của Trung Quốc không xuất hàng sang Mỹ được. Thay vào đó, họ đẩy mạnh hàng sang các thị trường khác với giá luôn luôn rẻ hơn, khiến không ít doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn.
Theo các doanh nghiệp gỗ ép Việt Nam, thị trường của ngành này hiện đang chia làm hai. Một là thị trường Mỹ, hai là thị trường các nước còn lại.
Với thị trường Mỹ, các doanh nghiệp gỗ ép của Việt Nam đang có ưu thế hơn vì có thể xuất hàng trực tiếp sang mà không gặp phải sự cạnh tranh của Trung Quốc.
Thế nhưng, tưởng là như vậy, nhưng theo chị Lê Thị Hương Giang, Phó giám đốc một công ty chuyên xuất ván ép sang Mỹ thì câu chuyện không đơn giản như thế. Chị Giang cho biết: “Hàng gỗ ép Việt Nam hoàn toàn có thể xuất sang Mỹ mà không gặp khó khăn gì, chúng tôi có thể tự sản xuất 100%. Do đó, các doanh nghiệp Việt như chúng tôi cũng không dại gì mà đi nhập gỗ ép Trung Quốc về rồi xuất đi Mỹ. Vì đó là tự “bóp chết” chính mình.”
“Thế nhưng, gần đây, báo chí cũng đã đưa tin về sự tăng lên bất thường của mặt hàng gỗ ép sang Mỹ. Các chuyên gia trong ngành đã nhận xét, các doanh nghiệp FDI của Trung Quốc có thể đang lợi dụng thời cơ này để xuất hàng sang Mỹ nhằm kiếm lời”, chị Giang nói.
Cơ hội là có, nhưng thách thức có vẻ còn lớn hơn rất nhiều đối với các doanh nghiệp gỗ ép Việt, nếu tình trạng kia tiếp tục xảy ra. Chị Giang thậm chí còn lo ngại, ngành gỗ ép sẽ trở thành ngành thép thứ 2, nếu Chính phủ không có biện pháp can thiệp.
Vì không chỉ mất thị phần ở nước Mỹ vì giá gỗ ép của Trung Quốc rẻ hơn, mà ngay ở các thị trường còn lại, Việt Nam cũng đang gặp vô vàn khó khăn.
Theo chị Giang: “Khi chiến tranh thương mại xảy ra, Trung Quốc không thể bán trực tiếp sang Mỹ, thì họ sẽ tìm sang thị trường khác. Lúc đó, Trung Quốc sẽ phá giá thị trường Châu Á.”
Gỗ ép
“Và điều đó không đâu xa, mà đã xảy ra với chính chúng tôi tại thị trường thế mạnh là Malaysia. Tại đây năm ngoái, chúng tôi xuất 6 - 10 container mỗi tháng với giá 273 USD/khối gỗ dán. Thế nhưng, giá chào hiện tại là 255 USD, mà vẫn bị phía Malaysia lắc đầu”, chị Giang chia sẻ.
Lý do theo phó giám đốc công ty này là bởi, dù mình ra giá thấp cỡ nào thì doanh nghiệp Trung Quốc luôn trả thấp hơn 5 USD/khối gỗ dán.
Chính sự xuất hiện dày đặc của các doanh nghiệp Trung Quốc ở phần còn lại của ngành gỗ ép thế giới đã khiến doanh nghiệp của chị Giang điêu đứng. Dùng từ “điêu đứng” không hề quá, bởi cùng thời điểm này năm ngoái, doanh nghiệp của chị xuất đều đặn gần 30 container mỗi tháng, nhưng giờ chỉ còn 3 - 4 container/tháng, thị phần mất 90%.
Theo các chuyên gia trong ngành này, gỗ ép của Trung Quốc đã đi trước chúng ta rất lâu và các công nghệ, máy móc của chúng ta đều nhập từ Trung Quốc, nên giá của họ rẻ hơn là điều dễ hiểu. Chưa kể tới việc, bản thân nguồn nguyên liệu được sử dụng ở Trung Quốc cũng thuận lợi hơn.
Đầu vào sản xuất gỗ ép đang gặp khó
Còn ở Việt Nam, theo chủ một doanh nghiệp làm gỗ ép ở Phú Thọ thì, các doanh nghiệp Trung Quốc không thiếu cách làm lũng đoạn thị trường. Họ chỉ cần mua nguyên liệu với giá cao hơn là các doanh nghiệp Việt đã thua. Thế nhưng, đa phần họ đều mua chịu, bao giờ tiền hàng về thì gối đầu trả nợ. Như vậy, dù mua cao thì họ vẫn lợi dụng được vốn mà lại khiến các doanh nghiệp Việt gặp khó.
Cách làm này của các doanh nghiệp FDI Trung Quốc không chỉ khiến các doanh nghiệp lớn của Việt Nam khổ sở, mà ngay cả các xưởng làm ép cũng bị nợ tiền tới hàng tháng trời.
Anh Hùng, chủ một xưởng ép ở Phú Thọ cho biết, dù biết là việc kinh doanh thì chậm tiền vài ngày cũng không sao. Nhưng tiền bị doanh nghiệp Trung Quốc nợ lâu quá, thì sẽ không có tiền để nhập gỗ về làm tiếp. Vì nguồn gỗ nguyên liệu hiện nay đang rất hiếm, còn phải tranh nhau mới có mà làm, nếu không có tiền “tươi” thì không có gỗ.”
Các nhà máy nợ tiền của các xưởng bóc rất nhiều, cho dù đầu ra vẫn tót
“Vì thế, các xưởng lại phải chạy vạy đi vay khắp nơi. Tiền bán cho công ty Trung Quốc dù cao hơn nhưng tính lãi ngân hàng, lãi ngoài thì chưa chắc đã bằng bán cho các doanh nghiệp làm ép trong nước, mà lại “tiền tươi thóc thật””, anh Hùng cho biết thêm.
Khó khăn đang bủa vây lấy doanh nghiệp Việt, chứ không hề toàn màu hồng như nhiều người vọng tưởng. Nếu Chính phủ không kịp thời có các biện pháp cứng rắn thì không chỉ doanh nghiệp của chị Giang mà nhiều doanh nghiệp khác cũng có thể rơi vào tình trạng “điêu đứng”.
Thế Hưng