Mất 3 tháng để "sửa lỗi" sàn HSX: Câu hỏi về năng lực và trách nhiệm

Mai Chi

(Dân trí) - Việc FPT tham gia khắc phục sự cố nghẽn lệnh trên sàn HSX đang nhận được sự quan tâm lớn của giới đầu tư. Đã có những câu hỏi về năng lực thực hiện và trách nhiệm liên quan khi không xử lý được.

Như Dân trí đã thông tin, chiều qua (9/3), một cuộc họp của Bộ Tài chính với Tập đoàn FPT đã diễn ra với sự chủ trì của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng để bàn giải pháp tháo gỡ vướng mắc trong giao dịch chứng khoán.

Tin đáng chú ý với cộng đồng nhà đầu tư là đề xuất nâng lô tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu đã bị Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng "bác" thẳng.

Đặc biệt, trong buổi làm việc nói trên, Bộ Tài chính và FPT cùng chung nhận định: giải pháp áp dụng hệ thống phần mềm đang được vận hành tại HNX cho hệ thống giao dịch tại HSX là hoàn toàn khả thi, chỉ mất 3 - 4 tháng để triển khai và hoàn thiện để có thể xử lý dứt điểm tình trạng nghẽn lệnh khi giao dịch chứng khoán.

Mất 3 tháng để sửa lỗi sàn HSX: Câu hỏi về năng lực và trách nhiệm - 1

Việc khắc phục tình trạng nghẽn lệnh trên sàn HSX được nhà đầu tư rất trông đợi (Ảnh minh họa: Bloomberg)

Trách nhiệm thuộc về ai?

Một vấn đề được đặt ra là sau 3 tháng nếu FPT xử lý không được thì FPT chịu trách nhiệm hay cơ quan quản lý sẽ chịu trách nhiệm. 

Về điều này, trên nhiều hội nhóm về chứng khoán, các nhà đầu tư có những ý kiến trái chiều.

Anh Nam Trần, một nhà đầu tư, cho rằng, trong trường hợp HSX ký hợp đồng và có cam kết của FPT thì FPT chỉ phải chịu trách nhiệm với HSX vì đây là thỏa thuận song phương. Tuy nhiên, theo góc nhìn của anh, nếu không xử lý được thì trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý và bản thân cơ quan này cũng phải chịu trách nhiệm với Bộ Tài chính và các doanh nghiệp đang niêm yết cổ phiếu trên sàn này.

"Chúng tôi không cần biết "ông" FPT hay "ông" KRX nào hết. Chúng tôi chỉ biết là HSX nhận tiền phí của chúng tôi và nhận nhiệm vụ/trách nhiệm với Nhà nước đảm bảo một hệ thống giao dịch chứng khoán vận hành tốt và minh bạch. Khi hệ thống bị lỗi liên tục như thế là thể hiện sự yếu kém và thiếu trách nhiệm", nhà đầu tư này bức xúc.

Trong khi đó, chị Nguyễn Phương Thanh - một Fn (nhà đầu tư lâu năm) - cho rằng, căn cứ theo yêu cầu của Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng là "giải pháp thực hiện không làm gián đoạn thị trường và ảnh hưởng đến nhà đầu tư", thì việc tư nhân tham gia cùng Nhà nước khắc phục sự cố HSX là một động thái rất đáng ghi nhận và thông tin này rất tích cực với tâm lý nhà đầu tư.

"Ít nhất chúng tôi còn thấy rõ mốc thời gian khắc phục và thấy được động thái của cơ quan chức năng trong xử lý vụ việc. Chúng tôi cũng thấy được sự xông xáo và trách nhiệm của các doanh nghiệp lớn để khắc phục, tránh thêm thiệt hại không chỉ với doanh nghiệp, cổ đông của họ mà với cộng đồng và thị trường nói chung. Điều này hơn hẳn với sự im lặng và khiến nhà đầu tư cảm thấy tù mù, bất an", chị Thanh bày tỏ.

Nhà đầu tư này cũng cho rằng do không sử dụng ngân sách Nhà nước triển khai và không làm gián đoạn thị trường hay ảnh hưởng đến nhà đầu tư nên ngay cả khi không khắc phục được thì FPT cũng sẽ chỉ chịu trách nhiệm với túi tiền của doanh nghiệp và cổ đông của họ.

FPT có năng lực để xử lý?

Trong một diễn biến có liên quan, đáp lại câu hỏi FPT có đủ năng lực để sửa lỗi nghẽn lệnh trên HSX hay không, ông Dương Dũng Triều - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Hệ thống thông tin FPT - cho biết việc triển khai và hoàn thiện một hệ thống giao dịch chứng khoán là rất phức tạp, tốn nhiều thời gian và đảm bảo tính chính xác và độ bền bỉ cao. Tuy nhiên, FPT sẵn sàng phối hợp với các đơn vị trong nước để giải quyết tình trạng nghẽn lệnh cho hệ thống giao dịch chứng khoán của HSX.

Trên Lao động, ông Triều cho biết FPT đã có kinh nghệm về phát triển, triển khai ứng dụng ngành chứng khoán Việt Nam như hệ thống giao dịch chứng khoán tại HNX, UPCoM, hệ thống trái phiếu Chính phủ, các ứng dụng cho ngành chứng khoán... Từ những năm 2000, doanh nghiệp đã phát triển hệ thống lưu ký, thanh toán bù trừ kết nối với hệ thống giao dịch do Sở Giao dịch chứng Thái Lan cung cấp để chuẩn bị cho việc đưa HSX hoạt động tháng 7/2000.

Việc xử lý hiện tượng nghẽn lệnh trên HSX hiện nay, theo ông Triều, có thể dùng 2 cách: Một là rà soát phần mềm hiện tại để xử lý kỹ thuật; hai là triển khai hệ thống thay thế tạm thời cho đến khi hệ thống chính thức của KRX vận hành chính thức. Qua nghiên cứu bước đầu và dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, cũng như năng lực hiện có, FPT nghiêng về cách thứ hai.

Một lãnh đạo ở FPT cũng thông tin, thực tế sàn HNX đang dùng giải pháp của FPT từ nhiều năm nay và vận hành rất ổn định. "Chúng tôi cam kết triển khai 3 tháng xong" - vị này cho hay.

Trước đó, tại cuộc gặp mặt với chủ đề "Đối thoại 2045" giữa Thủ tướng Chính phủ với các doanh nghiệp, trí thức tiêu biểu và lãnh đạo một số bộ, ngành, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT đã đề xuất Chính phủ và Thủ tướng đồng ý cho phép các doanh nghiệp tư nhân xử lý vấn đề vướng mắc hiện tại của sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch ngân hàng HDBank cho rằng với khát vọng trở thành quốc gia hùng cường, sàn chứng khoán HoSE phải sánh ngang với sàn Hong Kong, Luân Đôn hay New York về mặt công nghệ.

Nữ tỷ phú USD tin rằng các tập đoàn công nghệ Việt Nam như FPT, One Mount Group, Viettel... có khả năng tìm giải pháp khắc phục việc sàn chứng khoán quá tải. Bà Thảo cho hay, qua khảo sát sơ bộ cần khoảng 2 tháng và chi phí khoảng 60 tỷ đồng là có thể giải quyết vấn đề này. Các doanh nghiệp tư nhân có thể cùng nhau tài trợ toàn bộ chi phí.

Trước kiến nghị trên, ngay tại cuộc đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu các ý kiến, giải quyết thật nhanh việc thay đổi công nghệ của sàn HSX để không còn xảy ra trục trặc và "không sử dụng ngân sách Nhà nước".