Masan Consumer tiếp tục chia cổ tức "khủng", HSBC tăng định giá cổ phiếu Masan

Toàn Thịnh

(Dân trí) - Ngân hàng HSBC, nâng định giá cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan lên mức 98.000 đồng, cao hơn 46% so với mức giá đóng cửa ngày 26/4 là 67.200 đồng. Sau quyết định chia cổ tức tỷ lệ 100%, Masan Consumer muốn tiếp tục chia tiền cho nhà đầu tư.

Đều đặn chia cổ tức, Masan Consumer đóng góp tích cực vào Masan

HSBC vừa đưa ra báo cáo phân tích về Tập đoàn Masan (MSN), trong đó nhấn mạnh đến kế hoạch niêm yết cổ phiếu của Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan (mã MCH) trên sàn HoSE. Theo đó, MCH sẽ niêm yết hơn 717,5 triệu cổ phiếu trên HoSE.

Thông tin cập nhật từ Bloomberg News cho thấy hiện Masan Consumer niêm yết trên UpCom nhưng thanh khoản thị trường này rất thấp. Do đó, báo cáo phân tích của HSBC tin rằng việc chuyển sang niêm yết trên HOSE có thể giúp cổ phiếu công ty cải thiện tính thanh khoản, phù hợp với năng lực vượt trội mà công ty này đạt được trong nhiều năm qua.

MCH có lịch sử kinh doanh ổn định với mức tăng trưởng cao, vượt trội đáng kể so với các công ty cùng ngành FMCG và thực phẩm đóng gói trong khu vực.

Masan Consumer tiếp tục chia cổ tức khủng, HSBC tăng định giá cổ phiếu Masan - 1

Tổng giám đốc MCH, ông Trương Công Thắng cho biết tăng trưởng bình quân trong nhiều năm của công ty đạt 14%, gấp đôi các doanh nghiệp cùng ngành tại Đông Nam Á.

Theo báo cáo quý I/2024 của Masan, MCH tiếp đà tăng trưởng kỷ lục năm 2023 với kết quả kinh doanh tiếp tục ghi nhận tích cực trong quý đầu tiên của năm nay. Doanh thu và biên lợi nhuận gộp của MCH lần lượt ghi nhận mức tăng 7,4% và 45,9%. Biên EBITDA cũng tăng 25,3%.

Song song với việc phục vụ người tiêu dùng trong nước, MCH còn hướng đến thị trường 8 tỷ dân với chiến lược "Go Global", mở ra nhiều cơ hội cho trung và dài hạn. Theo đó, trong Đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua, lãnh đạo Masan Consumer chia sẻ về việc mở rộng thị trường mục tiêu của những thương hiệu mạnh gồm CHIN-SU, Omachi, Kokomi, WakeUp 247, Heo Cao Bồi và Chante, những thương hiệu mang về doanh thu mỗi năm từ 150 đến 250 triệu USD.

Theo nghị quyết ĐHĐCĐ được tổ chức ngày 25/4, Masan Consumer sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt năm 2023 là 10.000 đồng/cổ phiếu, trong đó 4.500 đồng/cổ phiếu đã được trả vào năm 2023 và 5.500 đồng/cổ phiếu còn lại dự kiến được trả trong vòng 6 tháng kể từ ngày đề xuất này được phê duyệt. Bên cạnh đó, theo điều 12 của nghị quyết, Hội đồng quản trị Masan Consumer được ủy quyền lên phương án để chia hết toàn bộ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023.

Điều này đồng nghĩa ngoài việc nhận chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 100%, cổ đông MCH sẽ có thể được nhận thêm cổ tức trong thời gian tới. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2023 của Masan Consumer là hơn 16.124 tỷ đồng. Doanh nghiệp dự kiến chia hết toàn bộ lợi nhuận này.

Masan Consumer tiếp tục chia cổ tức khủng, HSBC tăng định giá cổ phiếu Masan - 2
Ngay trong đại hội cổ đông, ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch Masan Group, đã đề nghị lấy ý kiến cổ đông về việc ứng cổ tức của MCH 2024 từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm 2023. Đề nghị này được 100% cổ đông thông qua.

Năm nay, Masan Consumer đặt mục tiêu đạt doanh thu thuần từ 32.500 tỷ đồng đến 36.000 tỷ đồng, với mức tăng trưởng đóng góp chủ yếu của ngành hàng thực phẩm tiện lợi, đồ uống và chăm sóc gia đình, cá nhân. Bên cạnh các sản phẩm, ngành kinh doanh chủ chốt, Masan Consumer đang phát triển các năng lực và quy trình đổi mới nhằm hoàn thiện danh mục FMCG trong tương lai.

Theo dữ liệu được sử dụng trong báo cáo của HSBC, tính đến ngày 17/4, vốn hóa thị trường hiện tại của MCH là 4 tỷ USD, cao hơn cả vốn hóa thị trường của chính Masan Group (3,8 tỷ USD). Theo phương pháp định giá SOPT (tổng các giá trị thành phần), HSBC định giá MCH chiếm tới 52% giá trị của Masan Group.

Trên thực tế, ban đầu, ban lãnh đạo Masan đặt mục tiêu IPO cho The CrownX (nền tảng hợp nhất của Masan Consumer và WinCommerce) vào năm 2024 hoặc 2025. Hiện tại, nếu kế hoạch niêm yết của Masan Consumer thành công, HSBC cho rằng điều này có thể khiến thời gian IPO của The CrownX lùi lại. "Ban lãnh đạo có thể cảm thấy rằng việc niêm yết Masan Consumer, vốn đã có lợi nhuận biên rất cao hiện nay, có thể dễ dàng được thị trường chấp nhận hơn so với WinCommerce", nhà phân tích từ HSBC viết.

Cổ phiếu Masan đang bị định giá thấp, có thể chạm mốc 98.000 đồng

Áp lực tài chính đối với Masan được HSBC nhận định đang giảm bớt nhờ các yếu tố như giảm lãi suất vay VND, bán cổ phần mảng kinh doanh không cốt lõi và tăng biên lợi nhuận EBITDA của WinCommerce. Các nhà đầu tư có thể kỳ vọng vào triển vọng tài chính tốt của Masan trong tương lai.

Do đó, nhóm phân tích của HSBC giữ nguyên khuyến nghị mua đối với cổ phiếu Masan Group. Giá mục tiêu đã được tăng từ 91.000 đồng lên 98.000 đồng, tương ứng cao hơn 46% so với giá hiện hành.

Cụ thể, mức định giá cho WinCommerce (Win) - chuỗi cửa hàng tiện lợi của Masan - vẫn được giữ ở mức 26.000 tỷ đồng. Đối với MCH, định giá được giữ nguyên ở mức 120.000 tỷ đồng (bội số EV/EBITDA dự phóng năm 2024 là 15 lần, thấp hơn 15% so với mức trung bình 5 năm qua của các công ty cùng ngành để phản ánh vị thế thị trường cận biên của Việt Nam).

HSBC duy trì mức giá thị trường hiện tại (tính đến ngày 17/4/2024) đối với Masan MEATLife (MML), Masan High-Tech Materials (MSR), và Techcombank (TCB); còn các công ty con chưa niêm yết như Reddi được định giá 6.000 tỷ đồng, Phúc Long được định giá 3.700 tỷ đồng và Trusting Social được định giá 5.970 tỷ đồng.

Masan Consumer tiếp tục chia cổ tức khủng, HSBC tăng định giá cổ phiếu Masan - 3
WinCommerce sẽ bắt đầu cạnh tranh về giá tại một số khu vực, với mục tiêu mở mới tối đa 1.000 cửa hàng trong năm 2024.

Có cùng nhận định về tăng trưởng của MCH và cùng khuyến nghị mua cổ phiếu MSN, Công ty cổ phần chứng khoán VietCap hiện định giá MCH ở mức 5,7 tỷ USD. "Chúng tôi cho rằng sự kiện chuyển sàn niêm yết này có thể là yếu tố hỗ trợ cho giá cổ phiếu của MCH". Từ đây, Vietcap cũng đặt khuyến nghị mua cổ phiếu MSN khi kỳ vọng mức giá có thể lên tới 89.700 đồng.

Theo ông Trương Công Thắng - Tổng giám đốc Masan Consumer - MCH đã đi từ góc bếp đến các sản phẩm trong tủ lạnh, các sản phẩm ở phòng khách, phòng tắm. Hiện MCH đã có 5 nhãn hiệu lớn (big brands) doanh thu 150 - 250 triệu USD cho mỗi nhãn hiệu. Mục tiêu mới của công ty là xây dựng 6 big brands với doanh thu trên mỗi nhãn hiệu đạt 1 tỷ USD, bao gồm Chin-Su, Omachi, Cafe Wakeup 247, Vinacafe, Chanté, Tea 365.