Mải miết săn vé giá rẻ, bạn đã giúp ngành du lịch tăng trưởng như thế này
Chi phí thấp, thời gian di chuyển nhanh được coi là nguyên nhân chính khiến ngày càng nhiều người lựa chọn hàng không chi phí thấp để đi lại, đặc biệt cho những chuyến du lịch, du hí cùng bạn bè và người thân. Ngành du lịch nội địa nhờ đó cũng đã có bước chuyển mình đáng kể.
Theo thống kê của Tổng cục du lịch, năm 2016, ngành du lịch Việt Nam có sự bứt phá ngoạn mục khi lần đầu tiên chạm mốc 10 triệu lượt khách du lịch quốc tế, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 25% so với năm trước đó. Cũng trong năm ngoái, du lịch Việt Nam đã phục vụ 62 triệu lượt khách nội địa, gấp 5,3 lần so với năm 2001. Tổng doanh thu của ngành du lịch năm 2016 ước đạt 400.000 tỷ đồng.
Con số này cho thấy du lịch nội địa có tốc độ phát triển mạnh mẽ. Yếu tố đòn bẩy thôi thúc người Việt đi du lịch nhiều hơn phải kể đến sự ra đời của các hãng hàng không chi phí thấp.
Bùng nổ xu hướng “săn” vé siêu tiết kiệm
Năm 2008, sự xuất hiện của hãng hàng không Jetstar Pacific được xem như mở ra một trang mới cho hàng không Việt Nam khi giá vé máy bay rẻ hơn hẳn so với ông lớn Vietnam Airlines, mang đến cơ hội đi lại bằng đường hàng không cho nhiều người.
“Từ nhỏ tôi đã ước được một lần đến TP.HCM và được đặt chân đến cửa khẩu Mộc Bài- Tây Ninh. Đến năm 2008, tôi đã hiện thực hóa được ước mơ này nhờ mua vé giá rẻ của Jestar Pacific. Đây cũng là năm đầu tiên tôi đi du lịch, vé máy bay giá rẻ là động lực chính giúp tôi thực hiện được điều này”, chị Nguyễn Mai Lan (Thanh Xuân- Hà Nội) chia sẻ.
Những năm 2009-2010 nhiều du khách lần đầu đi máy bay nhờ săn được vé rẻ của hãng này. Tiếp sau Jetstar, nhiều hãng hàng không chi phí thấp khác của tư nhân cũng lần lượt ra mắt như Air Mekong, Vietjet… Tuy nhiên, sau một thời gian hoạt động, hầu hết các hãng hàng không chi phí thấp khác tại Việt Nam đều gặp khó khăn và đã ngừng kinh doanh. Người khởi đầu là Jetstar cũng đã sáp nhập vào Vietnam Airlines. Điểm sáng duy nhất còn lại trên thị trường chính là Vietjet với chất lượng dịch vụ được đánh giá là ổn định và tiềm lực tài chính mạnh.
Cũng theo chị Mai Lan, kể từ sau chuyến đi đầu tiên đó, những chuyến đi của chị nối dài hơn, chinh phục nhiều điểm đến hơn và tất cả đều song hành với hàng không chi phí thấp, đặc biệt là Vietjet. “Tôi đã đi gần như xuyên Việt cùng các vé giá tiết kiệm của Vietjet, chạm đến mảnh đất cuối cùng của Tổ quốc - Cà Mau. Tôi nghĩ, hãng hàng không chi phí thấp đã tạo ra một cuộc cách mạng thực sự cho du lịch nội địa của Việt Nam”, chị Mai Lan nói.
Không chỉ riêng chị Mai Lan, từ năm 2014 trở lại đây, việc “săn” vé máy bay giá tiết kiệm để đi du lịch đã trở thành xu hướng, đặc biệt là các khách hàng trẻ, dân công sở, học sinh, sinh viên. Những chiến dịch như vé 0 đồng, 5.000 đồng của Vietjet hay vé 11.000 đồng của Jestar tung ra vào mùa thấp điểm từ các tháng 2,3, 9,10,11,12 đặc biệt được ưa chuộng. Năm 2016, Vietjet cho biết có khoảng 6 triệu hành khách lần đầu đi máy bay nhờ vé giá tiết kiệm và dự kiến lượng khách sẽ còn tiếp tục tăng mạnh trong thời gian tới.
Du lịch “ăn theo” vé siêu tiết kiệm
Chi phí thấp, thời gian di chuyển nhanh được coi là nguyên nhân chính khiến ngày càng nhiều người lựa chọn hàng không chi phí thấp để đi lại, đặc biệt cho những chuyến du lịch, du hí cùng bạn bè và người thân. Ngành du lịch nội địa nhờ đó cũng đã có bước chuyển mình đáng kể nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Hàng loạt các điểm đến mới được giới thiệu, các xu hướng du lịch mới cũng thường xuyên được quảng bá rộng rãi.
Theo nhận định của các công ty lữ hành, năm 2016 có 5 xu hướng du lịch làm mưa làm gió tại Việt Nam như du lịch tiết kiệm; đi đến các vùng núi; đi và chia sẻ kinh nghiệm; chinh phục điểm đến lạ mắt; du lịch homestay. Dự báo xu hướng này sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2017.
Săn vé tiết kiệm Hà Nội - TP.HCM, đặt lịch đi đảo Nam Du (Kiên Giang) hay chinh phục đảo Điệp Sơn (Nha Trang), Quy Nhơn, Tuy Hòa, đến điểm cực Đông của Tổ quốc hay Lý Sơn, Vĩnh Hy (Ninh Thuận), Phan Thiết (Bình Thuận)… đang là những điểm đến được nhiều du khách bàn luận lên kế hoạch cho chuyến đi năm nay. Bởi vậy, việc các hãng thường xuyên mở đường bay mới như Hà Nội- Tuy Hòa, Hà Nội- Quy Nhơn, Hà Nội- Phú Quốc, Hà Nội- Chu Lai, Hà Nội- Pleiku, Hà Nội- Buôn Mê Thuột…cùng các chương trình khuyến mại là một trong những yếu tố “kích thích” du khách đi du lịch.
So với khu vực, hàng không chi phí thấp ở Việt Nam vốn còn rất nhiều tiềm năng so với các nước trong khu vực. Ở Thái Lan, Malaysia hay Philippines, thị phần hàng không chi phí thấp đạt xấp xỉ 70% trong khi ở Việt Nam tỷ lệ này mới đạt 55%. Vietjet hay Jetstar đều có kế hoạch mở thêm nhiều đường bay mới trong thời gian mới là nhân tố thúc đẩy du lịch phát triển.
Lâm An