Mặc quần bò Trung Quốc dễ nhiễm bệnh nan y

Có ít nhất 5 nhà máy ở miền Nam Trung Quốc sử dụng công nghệ phun cát để mài quần jean (quần bò). Công nghệ này có liên quan đến một loại bệnh nguy hiểm chết người mang tên silicosis.

Nhu cầu đối với dòng quần jean bụi, mài, rách đang vô tình tạo ra một thực trạng đáng buồn trong ngành công nghiệp may mặc. Có ít nhất 5 nhà máy ở miền Nam Trung Quốc vẫn sử dụng công nghệ phun cát - vốn đã bị cấm tại nhiều quốc gia trên thế giới.

 

Theo báo cáo mới đây của nhóm hoạt động vì quyền công nhân có trụ sở tại Hong Kong, công nghệ này có liên quan đến một căn bệnh phổi nan y trong trường hợp sử dụng quá nhiều quần jean.

 

Phun cát là biện pháp tăng tốc quá trình mài mòn vải được các nhà sản xuất đồ Jean sử dụng. Nó đã trở thành xu hướng vào những năm 1990, 2000. Nhiều thương hiệu trong đó có Armani, Levi Strauss, Benetton, Mango và Burberry đã cấm sử dụng hình thức này vào năm 2004 sau khi một bác sĩ Thổ Nhĩ Kỳ phát hiện ra mối liên quan giữa việc phun cát và bệnh silicosis - căn bệnh phổi chết người với nguyên nhân là hít phải silica - một khoáng chất có trong cát.
 
Mặc quần bò Trung Quốc dễ nhiễm bệnh nan y

 

Năm 2009, Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia sản xuất quần áo lớn của thế giới đã ban hành lệnh cấm sử dụng phương pháp phun cát nhưng các nhà hoạt động thì cho rằng, giới sản xuất đã chuyển công nghệ này tới các quốc gia khác như Bangladesh, Pakistan hoặc Trung Quốc và một số khu vực thuộc Bắc Mỹ.

 

Các giải pháp thay thế như làm mòn thủ công bằng giấy ráp cũng đang được sử dụng, nhưng chúng có vẻ tốn kém hơn.

 

Báo cáo trên được thực hiện với 170 cuộc phỏng vấn các công nhân người Trung Quốc vào năm 2011, 2012 tại 6 cơ sở sản xuất quần áo tại Quảng Châu - khu vực sản xuất đồ jean hàng đầu Trung Quốc. Công nhân cho biết, họ mài mòn quần jean bằng súng hơi có chứa cát mài. Những người này thường phải làm việc 12 giờ mỗi ngày với mức lương khoảng 330 -1.140 USD mỗi tháng để phun cát cho khoảng 500-600 đôi quần jean.

 

Điều đặc biệt là một số cơ sở này lại là nhà cung ứng cho các thương hiệu thời trang phương Tây đình đám. Một công nhân đến từ nhà máy may Zhongshan Yida khẳng định vào tháng 11 năm ngoái, công nghệ phun cát vẫn tiếp diễn tại đây mặc dù trước đó, họ đã cam kết dừng lại.

 

Zhongshan cho biết, họ cung cấp 4% lượng quần Jean được bán trên đất Mỹ đồng thời còn là đối tác cung ứng của cho cả H&M, Levi (theo doanh sách các nhà cung ứng mới nhất của Levi). Năm 2010, Levi và H&M đã cấm việc sử dụng công nghệ phun cát đối với tất cả các sản phẩm của họ.

 

Yida hiện vẫn chưa đưa ra bình luận gì sau báo cáo, nhưng một nhà phát ngôn của Levi cho biết trên hãng tin Quartz rằng họ đã xác nhận việc Yida dừng sử dụng công nghệ này vào năm 2009 và loại bỏ thiết bị phun cát vào tháng 2/2012.

 

Hãng này cho hay, vào hồi tháng Giêng năm ngoái, ban quản lý một nhà cung ứng khác của Levi đã gửi ảnh tới để chứng minh rằng tất cả các thiết bị phun cát đã bị loại bỏ. Tuy nhiên, báo cáo này cho hay, nhà máy đã yêu cầu công nhân giấu máy móc khi thanh tra đến kiểm tra. H&M khẳng định với Quartz rằng họ đã làm việc với Yida nhưng không hề đặt quần áo sử dụng công nghệ phun cát từ bất cứ nhà cung cấp nào kể từ năm 2010.

 

Theo HungNinh

VEF/Huffingtonpost