1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Mặc đồ kỳ quái, tụ tập trước trụ sở SeABank đòi trả sổ đỏ thế chấp

(Dân trí) - Hôm qua và hôm nay, hàng chục người dân đã tụ tập trước trụ sở Chi nhánh SeABank số 22 Láng Hạ để đòi ngân hàng này đòi lại lại số đỏ đã thế chấp.

Sáng nay là ngày thứ hai liên tục, hàng chục người dân đã tụ tập tại địa chỉ 22 Láng Hạ để đòi lại tài sản thế chấp. Theo những người tụ tập, họ đến từ nhiều địa phương khác nhau như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội… đã nhiều lần gửi kiến nghị đòi sổ đỏ nhưng không được chấp nhận nên đã tụ tập tạo sức ép.
 
Người dân từ các tỉnh tụ tập trước trụ sở chi nhánh ngân hàng SeAbank sáng ngày 23/4
Người dân từ các tỉnh tụ tập trước trụ sở chi nhánh ngân hàng SeAbank sáng ngày 23/4
 
Trong số những người tụ tập có mặt tại SeABank 22 Láng Hạ sáng nay có khoảng 7 người mang theo băng rôn, khoác áo nêu những thông điệp ghi rằng họ là "nạn nhân" của ngân hàng này. Anh Mai Xuân Long, quê Hải Phòng cho hay sự việc xảy ra cách đây gần 1 năm, khi qua môi giới của công ty Hương Thịnh (trụ sở tại cụm Công nghiệp Hoàng Mai, xã Hoàng Thịnh, huyện Việt Yên, Bắc Giang) anh và một số người đã đồng ý cho công ty này mượn sổ đỏ để thế chấp tại ngân hàng SeABank.
 
“Để dụ người dân, công ty Hương Thịnh nói với chúng tôi, khi thế chấp sổ đỏ, ngân hàng rót tiền về thì người dân sẽ được vay tới 70% giá trị tài sản thế chấp với lãi suất ưu đãi chỉ 1,7%/tháng trong 6 tháng đầu. Những tháng tiếp theo sẽ phải trả lãi suất theo quy định của SeABank”, anh Long nói.
 
Cũng theo lời anh Long, đến tới tháng 8/2012, khi những người cho mượn sổ đỏ chưa vay được tiền, một nhân viên của SeABank tên Huy đến từng nhà của các hộ dân soạn cam kết để từng người dân lấy sổ đỏ đã thế chấp tại ngân hàng gán nợ cho lô hàng đang được ngân hàng SeABank niêm phong.
 
Sau tháng 8/2012, nhiều người dân phát hiện ra lô hàng được công ty Hương Thịnh thế chấp tại SeABank không thể được tháo gỡ do lô hàng này trước đó đã được Hương Thịnh thế chấp tại ngân hàng khác.
 
Kể về câu chuyện nhiều lần tới gặp trực tiếp công ty Hương Thịnh và SeAbank để đòi sổ đỏ, chị Hằng (tại Đông Anh) nói với PV: “Chúng tôi khẳng định đã bị công ty Hương Thịnh và ngân hàng cấu kết lừa chúng tôi. Khi chúng tôi muốn xin rút tài sản về thì Giám đốc Chi nhánh 22 Láng Hạ nói phải có tài sản khác tương đương với tài sản đã thế chấp thay thế vào mới rút ra được’.
  
Nói về sự việc diễn ra trong hai ngày vừa qua, chiều muộn ngày 23/4 SeABank có thông báo nói: Các chủ tài sản vẫn chưa được Công ty CP Thép Hương Thịnh chuyển cho số tiền cần vay ké, và do sợ bị xử lý tài sản thế chấp nên các Chủ tài sản kéo đến Chi nhánh Láng Hạ gây áp lực để đòi giải chấp tài sản đã thế chấp vào ngân hàng.
 
Về đề xuất tháo gỡ, đại diện của SeABank cho hay: Các chủ tài sản phối hợp cùng SeABank yêu cầu Công ty CP Thép Hương Thịnh trả nợ hoặc bổ sung tài sản thay thế. Ngoài ra, ngân hàng này cũng cho rằng các chủ tài sản thế chấp không chấp thuận biện pháp giải quyết của SeABank, thì có thể khiếu kiện đến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
 
T.Chí