Mặc cả - Thói quen khó bỏ của chị em

Mặc cả khi đi mua đồ là một thói quen của người Việt. Đến nỗi, vừa rồi trên một trang web còn ra mắt cả một game show, “Mặc cả giỏi, khỏi trả tiền” rất hút khách.

Không ít khách nước ngoài khi được hỏi ấn tượng gì về chợ Việt, câu trả lời đều là “mặc cả”.

 

Không biết từ bao giờ thói quen mặc cả đã có ở số đông người đi chợ. Mua rau, mặc cả; mua cá, mặc cả; mua quần áo, càng mặc cả. Ít nhiều bao nhiêu không biết nhưng cứ mua hàng, câu đầu tiên phải trả giá. Nếu trả được xuống thấp mấy giá thì y như rằng hân hoan, quên mọi mệt mỏi, còn nếu không mặt ỉu xìu như bánh đa gặp nước và cả quãng đường về nhà trong đầu lởn vởn, “mình mua hớ mất rồi”.

 

Nắm rõ được “thị hiếu” của người tiêu dùng Việt, các bà bán hàng có một thủ thuật, hét giá cao hơn bình thường, 10 ngàn/ cân rau thì hét lên cả 18- 20 ngàn, chị em tha hồ mặc cả. Cùng lắm xuống giá còn 15 ngàn thì được vừa lòng cả đôi bên, người bán thích vì lãi lớn, người mua sung sướng vì được mặc cả thích miệng, lại nghĩ rằng mình mua được giá hời (kì thực vẫn đắt).

 

Mặc cả - Thói quen khó bỏ của chị em - 1
Mua hàng là phải trả giá, thói quen của người mua hàng bao đời nay.

 

Câu mặc cả trở thành câu cửa miệng của nhiều bà nội trợ đi chợ sau câu hỏi giá. Và kinh nghiệm đó đã được các chị em truyền cho các đấng mày râu. Khi ông chồng xách một giỏ đầy những rau củ quả về, thở chưa ra hơi, nhiều bà đã ào ra, “anh có mặc cả nhiều không đấy, có nhìn rõ cân không, mấy bà hàng thịt là hay cân điêu lắm đấy!”.

 

Anh Hồng (nhân viên công ty Điện lực) chia sẻ nhiều lần vừa hỏi giá trái cây xong, nghe lời vợ dặn, anh mặc cả từ 40 ngàn xuống 30 ngàn, bà bán hàng nguýt một cái suýt cháy mặt, anh đi rồi vẫn nghe bà xì xèo với mấy bà hàng thịt, “khiếp, đàn ông gì mà trả từ mặt đất trả lên”.  Sau nhiều phen như vây, anh Hồng tư vấn cùng với anh em cơ quan mỗi khi đến dịp 8/3, hay 20/10, hãy vào siêu thị. “Mát mẻ, tha hồ lựa chọn, và cái quan trọng nhất là khỏi phải mặc cả”.

 

Mặc cả - Thói quen khó bỏ của chị em - 2
Nhiều người chọn siêu thị, “tha hồ lựa chọn, và nhất là khỏi phải mặc cả”.

 

Một chủ cửa hàng gấu bông trên đường Xuân Thủy (HN) kể cùng mấy khách quen người Việt, “khách nước ngoài bây giờ ghê lắm nhé, mình vừa hello, người ta đã xin chào, mình vừa ra giá trăm hai, anh ta đã xua tay, 100 thôi, ok? Đấy, đừng tưởng Tây thì dễ bắt nạt nhé.” Trách người nước ngoài có bệnh kì kèo hay trách người bán hàng bên ta, luôn luôn có bệnh nói thách (đặc biệt với khách Tây), để khách nước ngoài cảnh giác hơn và học được thói quen mặc cả như người Việt?

  

Mua rau, mua cá là y như rằng người ta phải mặc cả. Còn với mấy mặt hàng như đồ điện tử, thuốc men, đố ai dám mặc cả. Nhiều bà nội trợ than phiền sau khi đến hàng thuốc: “Mấy vỉ thuốc mà đến cả tiền trăm. Cái gì còn biết chứ thuốc thì chẳng biết giá cả, mặc cả nó lại bán cho thuốc dỏm thì lại quá tội!”.

 

Gần đây, nhiều chủ cửa hàng mấy gian quần áo trong các chợ hàng đống, như chợ đêm sinh viên, chợ hàng cũ Đông Tác, chợ Nhà Xanh, Nghĩa Tân, tránh bị người mua làm phiền hỏi giá, trả giá nhiều quá, người ta treo luôn cái biển KMC (không mặc cả). Nhiều bà bán hàng nói về phát kiến này “thế lại hay, người bán đỡ mệt, công khai giá, người mua đỡ thấp thỏm, không biết mình có bị mua hớ không!”

 

Siêu thị mọc lên như nấm, nhưng chợ cóc cũng không vì thế mà mất đi. Và thế là, người đi chợ ngày ngày vẫn có thể thỏa mãn thói quen trả giá, nhiều khi xả được stress. Như một bà nội trợ đã 40 năm quen việc bếp núc hớn hở khoe với chồng dù lúc trước vừa mặt nặng mày nhẹ , “Này, hôm nay em đã mặc cả được tổng cộng …56 ngàn đấy nhé!”.

 

Theo Thúy Hằng