1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

“Mặc áo giáp” cho người tiêu dùng

(Dân trí) - Hôm nay, 1/7/2008, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá bắt đầu có hiệu lực và được người tiêu dùng rất kỳ vọng: Người tiêu dùng dù không thông thái cũng sẽ không bị “bắt nạt” như hiện nay.

Theo Luật, có 13 điều bị nghiêm cấm đối với sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, trong đó có nhiều điều bị nghiêm cấm hiện nay vẫn đang tồn tại trên thị trường tiêu dùng như: Sản xuất sản phẩm, xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán hàng hóa, trao đổi, tiếp thị sản phẩm, hàng hoá không bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; Xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán hàng hoá, trao đổi, tiếp thị sản phẩm, hàng hoá đã hết hạn sử dụng; Che giấu thông tin về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hoá đối với người, động vật, thực vật, tài sản, môi trường...

Dài cổ chờ... “lòng tốt”!

Bà Trang, ngõ 210 Hoàng Văn Thái cũng như rất nhiều người tiêu dùng khác thường có thói quen mua đồ tại các cửa hàng quen. Theo bà Trang thì: “Bây giờ hàng hóa tràn lan, hình thức mẫu mã thì quá phong phú, nhiều sản phẩm lại na ná nhau, tốt xấu không biết thế nào, thôi thì phó mặc tất cả cho lòng tốt của người bán hàng vậy! Mua của người quen thì dù sao họ cũng nể mặt mình!”.

Nhưng không phải lúc nào người quen cũng nể mặt nhau. Bà Trang cho biết có lần mua cả một lô sữa tươi về, uống gần hết mới biết là đã quá hạn sử dụng. Nhưng thấy uống gần hết cả chục túi sữa quá hạn mà vẫn không việc gì nên bà cũng tặc lưỡi cho qua, tự nhủ lần sau phải cẩn thận hơn.

Cũng như bà Trang, chị Vui ở ngõ 105 Láng Hạ dù mua hàng của người quen vẫn không ít lần ăn phải “quả đắng”. Được người bán hàng giới thiệu về một sản phẩm hấp tóc có nguồn gốc được “nói nhỏ” là đồ “xách tay” vừa tốt vừa rẻ, chị mua về dùng thử, nhưng chỉ được một lần là tóc lần lượt rụng tơi tả.

Theo Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá được áp dụng vào ngày 1/7 thì gặp phải những trường hợp trên, bà Trang và chị Vui hoàn toàn có quyền được khởi kiện người bán theo Bộ Luật dân sự và sẽ được pháp luật bảo vệ. Người bán hàng phải có trách nhiệm bồi thường những tổn thất về mặt sức khỏe cho người mua khi cố tình bán cho họ sản phẩm đã quá hạn sử dụng hay không có nguồn gốc xuất xứ.
 
Rõ ràng điều này tốt hơn việc người tiêu dùng phải ngậm đắng nuốt cay và dài cổ chờ đợi lòng tốt của người bán hàng như hiện nay.
 
“Mặc áo giáp” cho người tiêu dùng - 1

Tâm lý mua hàng của các bà nội trợ là trông chờ vào “lòng tốt” của người bán!

Chờ được vạ thì má cũng sưng!

Tuy nhiên, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá đi vào thực tế không hẳn sẽ giúp người tiêu dùng mạnh mẽ và can đảm hơn khi “chiến đấu” với sự lộng hành của người bán và người sản xuất sản phẩm vô lương tâm.

Bởi theo điều 58 của Luật này, về Chi phí lấy mẫu và thử nghiệm hoặc giám định trong giải quyết tranh chấp về chất lượng sản phẩm, hàng hoá có quy định người khiếu nại, khởi kiện phải trả chi phí lấy mẫu và thử nghiệm hoặc giám định chất lượng sản phẩm, hàng hóa tranh chấp.

Về điều này, ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng ban nghiên cứu pháp luật - kinh tế - thương mại, Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp) có nhận xét: Tại nhiều nước trên thế giới, khi người tiêu dùng khởi kiện hàng hóa kém chất lượng, họ không phải trả chi phí thử nghiệm những sản phẩm mà họ có khiếu nại vì trách nhiệm đó phải thuộc vào nhà sản xuất. Các nước cũng có những phiên tòa riêng chuyên xử miễn phí và nhanh chóng các khiếu kiện của người tiêu dùng.

Khi Việt Nam đưa ra qui định này thì có lẽ người tiêu dùng không ai dám đi kiện vì không đủ khả năng theo kiện hoặc "chờ được vạ thì má đã sưng". Người dân không thể có kiến thức chuyên môn và cũng không thể vào nhà máy kiểm tra. Mặt khác, qui trình tố tụng như hiện nay khó mà khiến người dân không "run" khi vác đơn đi kiện, mặc dù, họ đi kiện vì những quyền lợi rất chính đáng và pháp luật phải có trách nhiệm bảo vệ họ!

Theo số liệu thống kê của Cục Quản lý thị trường, số lượng hàng giả, hàng nhái, kém phẩm chất… tăng mạnh trong từng năm. Năm 2007 có gần 65.000 vụ vi phạm. Tuy nhiên mỗi năm chỉ có khoảng 1.000 vụ khiếu nại liên quan đến bảo vệ người tiêu dùng trong cả nước được gửi tới Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng VN, đề nghị xử lý. 80% trong số đó giải quyết được, 20% còn lại không thể giải quyết. Một trong những lý do không thể giải quyết là người tiêu dùng không có đủ chứng cứ: hoá đơn, chứng từ mua hàng...

Xuất phát từ những bất cập trên, đòi hỏi phải tiếp tục có thêm một bộ luật bảo vệ người tiêu dùng hoàn thiện, cụ thể hơn. Hiện, Cục Quản lý Cạnh tranh đang bắt đầu tiến hành xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng và sẽ được tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi.

Hiện nay, chỉ có hai văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến vấn đề bảo vệ người tiêu dùng là Pháp lệnh Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (năm 1999) và Nghị định 55 của Chính phủ ngày 24/4/2008 quy định chi tiết thi hành pháp lệnh này. Tuy nhiên, các quy định của pháp lệnh về quyền và trách nhiệm của người tiêu dùng rất chung chung và rất khẩu hiệu, chỉ được “gọi tên” mà chưa đi sâu phân tích bản chất cụ thể của các quyền và trách nhiệm đó.

Ví dụ, điều 8 của Pháp lệnh ghi rằng: người tiêu dùng được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe và môi trường khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ... Nhưng quyền này thể hiện như thế nào trên thực tế? Người tiêu dùng phải làm gì để được đảm bảo an toàn? thì lại không có quy định cụ thể...

Chính vì thế, chiều 20/11/2007, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội hoá XII đã thông qua Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá. 438/440 số đại biểu Quốc hội có mặt tại hội trường đã biểu quyết thông qua dự thảo Luật. Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hoá gồm 7 chương, 72 điều, có hiệu lực từ ngày 1/7/2008 và sẽ thay thế Pháp lệnh Chất lượng hàng hoá năm 1999.

Lê Châu