1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TPHCM:

“Ma trận” hàng online

(Dân trí) - Mua sắm online đang trở thành xu hướng phổ biến, vì thế nhiều đối tượng đã nhắm vào “mảnh đất” này để lừa đảo. Trước “ma trận” hàng online, người tiêu dùng cần hết sức cảnh giác, những trang web bán hàng trực tuyến cần có biện pháp bảo vệ khách hàng.

Một hình thức lừa đảo trên mạng xã hội
Một hình thức lừa đảo trên mạng xã hội

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Truy cập vào hàng loạt trang mua bán hàng online, “đập” vào mắt khách hàng là những món hàng thông dụng như điện thoại đi động (ĐTDĐ), máy tính bảng, máy tính xách tay…với giá “siêu rẻ”, kèm theo đó là lời mời chào “có cánh” với mục đích đưa “con mồi” vào tròng. Dù chiêu thức lừa đảo không hề mới nhưng vẫn có nhiều nạn nhân sập bẫy khi mua hàng online vì “ham của rẻ”.

Anh Đ.M.T. (26 tuổi, ngụ quận 4), anh T. truy cập vào mục “Chuyên iPhone chính hãng giá rẻ xả hàng, có bán trả góp” trên website bán hàng online để tìm mua ĐTDĐ. Thấy thành viên có nickname “tien_chuyeniphone” có rao bán nhiều loại điện thoại iphone giá rẻ lại có hình thức trả góp nên anh T. quyết định đặt mua chiếc điện thoại iphone 5S với giá 7,5 triệu đồng.

Qua số điện thoại đăng trên mạng, anh T. liên hệ với hai người tự xưng tên Tuấn và Xum. Các đối tượng này yêu cầu anh T. đưa trước 30% còn lại thanh toán trong 12 tháng. Anh T. đã chuyển 2,5 triệu đồng vào tài khoản cá nhân Tuấn và Xum nhưng chờ mãi không thấy ai giao hàng. Liên lạc lại, anh T. được yêu cầu chuyển thêm 20% nữa vì “chương trình trả trước 30% dành cho học sinh, sinh viên đã kết thúc”. Tưởng thật, anh T. chuyển thêm 1 triệu đồng nhưng cũng không nhận được hàng, liên lạc điện thoại thì người bán đã tắt máy. Lúc này, anh T. mới biết mình bị lừa nên làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an.

Chuyện sập bẫy vì hàng giá rẻ trên mạng không phải là mới và không chỉ xảy ra trong mặt hàng ĐTDĐ cao cấp như Iphone. Còn vô số các loại mặt hàng điện tử khác được rao bán nhan nhản trên mạng kèm với đó là những chương trình ưu đãi, giảm giá không thể hấp dẫn hơn. Rất nhiều người đã phải “ngậm bồ hòn làm ngọt”, mất trắng tiền vì tham gia vào việc  mua bán “ảo” này.

Chính vì vậy những trang web bán hàng trực tuyến cần có biện pháp bảo vệ khách hàng. Theo đại diện trang chuyên đăng các tin mua bán online, trước hết cần xây dựng quy trình kiểm duyệt tin, qua đó loại bỏ các tin đăng có giá rẻ bất ngờ. Bên cạnh đó khách hàng tuyệt đối không chuyển tiền qua bưu điện hoặc qua tài khoản người bán trước khi nhận hàng. Nên gặp trực tiếp người bán tại địa điểm quen thuộc với bạn như quán cà phê gần nhà, văn phòng, tránh gặp ngoài đường, kiểm tra kĩ điện thoại hoặc đem tới cửa hàng để kiểm tra trước khi trả tiền, cẩn thận khi giao nhận hàng, đề phòng trường hợp đánh tráo…

Một hình thức lừa đảo trên mạng xã hội
Các trang đăng tin mua bán hàng online cần xây dựng một hệ thống kiểm duyệt thông tin chặt chẽ, có quy trình cụ thể

Hiện nay, các đối tượng lừa đảo không chỉ nhắm vào các trang chuyên rao vặt, mua bán hàng online mà còn lợi dụng sự phát triển cả Zalo, Facebook để dụ dỗ nhiều người với các trò lừa đảo cực kì tinh vi. Trong đó đáng báo động là “chiêu” lừa trúng thưởng.

Mới đây, chị Nguyễn Thị D. (ngụ quận 12) nhận được tin báo “Bạn đã trúng được giải nhất chương trình tri ân khách hàng, giải thưởng gồm xe SH125i và một phiếu quà tặng trị giá 100 triệu đồng, muốn nhận giải hãy truy cập trangchuzalo.vn để hoàn tất thủ tục”.

Tưởng may mắn đến với mình, chị D. làm theo các hương dẫn của bọn lừa đảo, đóng các khoản phí để làm “thủ tục” nhận giải như: phí hồ sơ khách hàng, phí đăng ký, phí vận chuyển….vào khoảng 24 triệu đồng thông qua phương thức nạp vào tài khoản định sẵn hoặc thẻ cào điện thoại. Chờ mãi không thấy phần thưởng đâu, biết mình bị lừa nên chị D. đến cơ quan công an trình báo.

Các đối tượng lừa đảo còn tấn công đến từng người 
Các đối tượng lừa đảo còn tấn công đến từng người 

Trung tá Nguyễn Thành Nhân – Đội trưởng đội 8, PC46 Công an TP.HCM cho biết, hiện nay tình hình lừa đảo qua các trang mua bán online, qua mạng xã hội như Zalo, Facebook rất phổ biến, người dân cần cảnh giác hình thức bán hàng giá rẻ, chiêu lừa trúng thưởng qua mạng. Nếu thấy nghi ngờ hoặc phát hiện dấu hiệu lừa đảo hãy đến cơ quan chức năng trình báo.

“Hiện có hàng chục triệu người sử dụng mạng xã hội Facebook, Zalo hay truy cập vào các trang đăng tin mua bán hàng online, với lượng người sử dụng khổng lồ như vậy, đây sẽ còn là “mảnh đất màu mỡ” để tội phạm mạng thực hiện các hành vi phạm tội. Dù những chiêu lừa không mới, hết sức đơn giản nhưng lại đánh trúng lòng tham, “ham của rẻ” của người dân nên nhiều người vẫn sập bẫy bọn chúng. Tốt nhất mọi người nên thận trọng, xem xét thật kỹ nguồn gốc các mặt hàng trước khi giao dịch và tuyệt đối không chuyển tiền trước khi chưa nhận được hàng” – Trung tá Nhân khuyến cáo.

Trung Kiên
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”